Fed, FDIC và Bộ Tài chính Mỹ can thiệp khẩn cấp vào sự vụ SVB và Signature Bank
Trong ngày 12/03, các cơ quan liên bang đã ra động thái quyết liệt để ngăn chặn cơn hoảng loạn trong những ngày qua. Họ đồng ý hỗ trợ tất cả người gửi tiền ở SVB và Signature Bank, đồng thời ngăn chặn những đợt rút tiền đột ngột ra khỏi các định chế tài chính.
Bộ Tài chính Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang Mỹ (FDIC) cam kết người đóng thuê sẽ không gánh bất kỳ tổn thất nào từ các động thái hỗ trợ người gửi tiền ở SVB và Signature Bank. Các cơ quan này cho biết người gửi tiền ở SVB có thể tiếp cận với toàn bộ tiền của họ trong ngày 13/03.
Trong một động thái đầy bất ngờ, Fed thông báo sẽ cung cấp các khoản vay với kỳ hạn lên tới 1 năm cho các ngân hàng có tài sản thế chấp an toàn. Đây là một động thái, về lý thuyết, sẽ cho phép các ngân hàng ứng phó với các đợt rút tiền gửi ở bất kỳ quy mô nào. Mục tiêu là để trấn an người dân rằng họ không cần phải rút tiền ra.
Động thái ứng phó nhanh chóng của các cơ quan liên bang được các nhà làm luật đón nhận nồng nhiệt. Tuy nhiên, Karen Petrou, đối tác quản lý tại Federal Financial Analytics, cho biết tình huống này một phần do các cơ quan liên bang gây ra, đồng thời chỉ trích giới chức Mỹ không hành động sớm hơn trước khi họ sụp đổ.
Đợt can thiệp quy mô lớn phải được đưa ra vì Fed và FDIC bị “bất ngờ về sự sụ ở SVB, không lường trước những yếu kém về cấu trúc đến từ việc có cơ sở tiền gửi không đa dạng và tài sản kém thanh khoản”, Petrou cho biết.
Trong tuyên bố chung, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, Chủ tịch Fed Jerome Powell và Chủ tịch FDIC Martin Gruenberg cho biết: “Hệ thống ngân hàng Mỹ vẫn kiên cường và có nền tảng vững chắc, phần lớn là nhờ các cải cách sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Các cuộc cải cách này cùng với những động thái hôm nay thể hiện cam kết của chúng tôi rằng sẽ thực hiện các động thái cần thiết để đảm bảo an toàn cho tiền tiết kiệm của người dân”.
Các động thái mạnh bạo trên cho thấy nỗ lực của chính quyền Joe Biden và các giới chức trong việc ngăn chặn sự lây lan rủi ro từ vụ sụp đổ của Silicon Valley trong ngày 10/03.
Nỗi lo về nguy cơ hoảng loạn tài chính bao trùm Washington khi các nhà hoạch định chính sách và các nhóm ngành đua nhau xác nhận thông tin liệu các khách hàng của SVB có thể trả lương và thực hiện giao dịch trong ngày 13/03 hay không.
“Tôi không cho rằng bất cứ ai có liên quan với Silicon Valley Bank (SVB) ở khắp đất nước có thể ngủ ngon”, Hạ nghị sĩ Anna Eshoo – Đảng viên Dân chủ ở California, nơi đặt trụ sở chính của Silicon Valley Bank, cho biết trong một cuộc phỏng vấn.
Ngoài ra cũng có lo ngại cho rằng những người gửi tiền có thể rút vốn khỏi các định chế tài chính tương tự với SVB, một quan chức cấp cao tại Bộ Tài chính Mỹ cho biết.
Mặc dù đã tìm cách bán SVB trong ngày 12/03, nhưng FIDC quyết định rằng các biện pháp khẩn cấp sẽ giúp người gửi tiền nắm bắt thông tin nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, vị quan chức ở Bộ Tài chính Mỹ không loại bỏ khả năng bán một trong hai ngân hàng phá sản.
Cũng trong thông báo trên, Bộ tài chính Mỹ, Fed và FDIC chỉ rõ việc không hỗ trợ tiền gửi của khách hàng tại các ngân hàng có thể gây hại cho hệ thống tài chính rộng lớn hơn. Do đó, tất cả các khoản tiền gửi của cả hai ngân hàng SVB và Signature Bank sẽ được FDIC đảm bảo vì mục đích an toàn của hệ thống.
“Quyết định đúng đắn”, Thượng nghị sĩ Mitt Romney phản hồi trước thông tin trên.
Fed cũng điều chỉnh lại công cụ cửa sổ chiết khấu (discount window) nhưng với kỳ hạn ngắn hơn, cũng tương tự với chương trình cho vay tạm thời.
Trong quá khứ, Fed thường cho các ngân hàng thương mại vay với lãi suất cao hơn thị trường, nhưng giờ lại cung ứng các khoản vay này ở lãi suất thị trường.
Vào cuối tuần trước, FDIC đã tổ chức đấu giá tài sản tại SVB với mong muốn có thỏa thuận nhanh chóng và giải quyết cho các doanh nghiệp bị kẹt vốn ở SVB.
Các công ty mạo hiểm và startup hân hoan trước thông báo trong ngày 12/03, bao gồm cả các doanh nghiệp trong ngành tiền ảo.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận