24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Bạch Ngọc
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Fed đang hành động quyết liệt hơn

Thị trường đang quan ngại việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất quá mạnh để đối phó với lạm phát có thể khiến kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.

“Bồ câu” cũng đang hóa “diều hâu”?

Trước các động thái cho thấy Fed ngày càng có vẻ “hung hăng” hơn trong thắt chặt chính sách, đây chính xác đang là câu hỏi mà không ít nhà đầu tư trên thị trường đang đặt ra, nhất là khi một số thành viên chủ chốt của Fed vốn từ trước đến nay được xem là theo trường phái “bồ câu” - ủng hộ cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn trong tăng lãi suất qua đó giúp kinh tế Mỹ có được “hạ cánh mềm” thì nay cũng “quay xe”. Đơn cử, chủ tịch Fed tại San Francisco, bà Mary Daly - dù cho đến tháng 2 vừa qua vẫn khẳng định, việc tăng lãi suất quá đột ngột và quá nhanh có thể cản trở việc đạt được các mục tiêu của Fed - nhưng trong phát biểu đưa ra hôm thứ Ba vừa qua, lại thể hiện “rất chia sẻ” về mối quan ngại lạm phát hiện nay. “Tôi hiểu rằng lạm phát cũng nguy hiểm như không có việc làm”, bà Mary Daly nói, ám chỉ đối phó với lạm phát cần trở thành ưu tiên hiện nay.

Đáng chú ý hơn cả là nhận định của bà Lael Brainard, một Thống đốc của Fed và là người thường theo quan điểm “bồ câu”. Tại hội thảo của chi nhánh Fed tại Minneapolis hôm thứ Ba, vị này khẳng định: "Điều tối quan trọng lúc này là giảm lạm phát", đồng thời cho rằng Fed cần nhanh chóng thu hẹp bảng cân đối tài sản gần 9 nghìn tỷ USD trong năm nay. Đây cũng là nhân vật được đề cử làm Phó chủ tịch của Uỷ ban Thị trường mở (FOMC) - nơi đưa ra quyết sách lãi suất của Fed.

Theo tổ chức Bespoke Investment Group, bình luận của bà Brainard chẳng khác nào đang "dọn đường" cho một đợt tăng lãi suất “siêu lớn” tại cuộc họp chính sách sắp tới của Fed vào tháng 5. Thực tế các thị trường tài chính hôm thứ Ba vừa qua đã phản ứng mạnh mẽ trước các thông tin này. Ngay sau khi phát biểu của bà Brainard được đưa ra, lợi suất trên trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã lên mức cao nhất trong gần ba năm, tăng vọt lên 2,56%. Trong khi đó thị trường cổ phiếu sụt giảm mạnh. Chỉ số S&P 500 giảm 1,3%; Nasdaq Composite giảm tới 2,3%, trong khi trái phiếu doanh nghiệp ở cấp độ đầu tư ghi nhận mức giảm trong một ngày lớn nhất kể từ tháng 3/2020.

David Madden, một nhà phân tích tại Equiti Capital, cho rằng các phản ứng của thị trường như vậy được châm ngòi bởi nhận định, các NHTW đang rút đi các hỗ trợ cho nền kinh tế nhanh hơn dự kiến, ngay cả trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine đã khiến triển vọng phục hồi kinh tế giảm đi đáng kể. “Họ không chỉ tiếp tục đi theo con đường đó mà họ còn đang tăng tốc thể hiện trong ngôn ngữ (thông điệp) đưa ra”, Madden nói.

Kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái

Mặc dù chỉ số “Sợ hãi và Tham lam” của CNN hiện vẫn ở quanh mức "trung lập", cho thấy tâm lý thị trường đang được giữ vững nhưng những quan ngại rõ ràng đang gia tăng trước khả năng Fed có thể quá mạnh tay trong việc chống lại lạm phát cao và dẫn tới rủi ro có thể đẩy kinh tế Mỹ vào suy thoái. Deutsche Bank hôm thứ Ba đã trở thành ngân hàng lớn đầu tiên đưa ra dự đoán điều này sẽ xảy ra.

Trong báo cáo của mình, các nhà kinh tế của Deutsche Bank do Matthew Luzzetti dẫn đầu viết: “Chúng tôi không còn thấy Fed đang cố gắng đạt được một cú hạ cánh mềm nữa. Thay vào đó, chúng tôi dự đoán rằng việc thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh hơn của Fed sẽ đẩy nền kinh tế vào suy thoái”. Dù gài thêm yếu tố “có sự không chắc chắn đáng kể” trong dự báo của mình, nhưng báo cáo của Deutsche Bank vẫn dự đoán, kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy giảm liên tiếp trong quý IV năm tới và quý I/2024, mặc dù sự suy giảm sẽ nhẹ hơn nhiều so với hai đợt suy thoái trước đây.

Bên cạnh việc chú ý và phản ứng tiêu cực trước các bình luận mới nhất từ các quan chức Fed, một yếu tố khác mà Phố Wall cũng rất quan tâm là các nội dung trong biên bản cuộc họp chính sách tháng 3 của Fed vừa công bố hôm thứ Tư. Tinh thần chung từ biên bản này cũng cho thấy Fed đã sẵn sàng “di chuyển” nhanh hơn về lãi suất để đối phó với lạm phát.

Biên bản cho biết, nhiều thành viên tham gia cuộc họp của Fed vừa qua “ưa thích” việc cần tăng lãi suất 50 điểm cơ bản để đối với tình trạng lạm phát cao. Mặc dù vậy, cuộc họp tháng 3 kết thúc với việc Fed chỉ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản và chỉ có chủ tịch Fed St Louis James Bullard bỏ phiếu ủng hộ mức tăng 50 điểm cơ bản. Bên cạnh đó, các quan chức Fed cũng thể hiện sự thận trọng về các đợt tăng lãi suất trong tương lai, trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine đang khiến triển vọng tăng trưởng giảm xuống. "Bằng cách làm cho giá năng lượng và thực phẩm cao hơn, đè nặng lên tâm lý người tiêu dùng và góp phần khiến các điều kiện tài chính phải thắt chặt hơn, xung đột này cũng ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng tăng trưởng", biên bản cho biết.

Tuy nhiên sau đợt tăng lãi suất vừa phải và đúng như dự kiến của thị trường vào tháng 3, kỳ vọng về một đợt tăng mạnh hơn tại cuộc họp vào tháng 5 của Fed đã tăng lên đáng kể. Theo công cụ FedWatch của CME, kỳ vọng của thị trường về mức tăng 50 điểm cơ bản vào tháng 5 tới là trên 75%. Tỷ lệ này tiếp tục nhích lên cao hơn sau khi biên bản cuộc họp được công bố. Một số quan chức Fed khác cũng cho biết họ sẽ sẵn sàng ủng hộ tăng lãi suất nhanh hơn, trong đó có chủ tịch Fed Philadelphia Patrick Harker.

Fed cũng cho biết đang sẵn sàng thu gọn bảng cân đối tài sản hiện nay. Theo đó, Fed có thể giảm lượng nắm giữ trái phiếu kho bạc và tài sản đảm bảo bằng thế chấp lên tới mức 95 tỷ USD mỗi tháng kể từ tháng 5 tới - một tốc độ nhanh hơn so với các chu kỳ thắt chặt trước đó. Trước giọng điệu ngày càng lo lắng và nghiêm trọng của Fed về lạm phát, Phố Wall tiếp tục phản ứng tiêu cực khi các chỉ số chứng khoán có phiên giảm điểm khá mạnh thứ hai liên tiếp. Kết thúc phiên 6/4, chỉ số Dow Jones giảm 0,42%, xuống 34.496,51 điểm; chỉ số S&P 500 giảm 0,97%, xuống 4.481,15 điểm và chỉ số Nasdaq Composite giảm 2,22%, xuống 13.888,82 điểm. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu 10 năm tiếp tục tăng, lên 2,65%, mức cao nhất trong ba năm. Cựu chủ tịch Fed New York, ông Bill Dudley, cho rằng, việc các thị trường đi xuống là một “hệ quả phụ” cần thiết để giảm lạm phát. "Một điều chắc chắn là, để có hiệu quả, Fed sẽ phải gây ra nhiều tổn thất hơn cho các nhà đầu tư cổ phiếu và trái phiếu so với cho đến hiện nay", Dudley nói.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả