FED đã "khuất phục" OPEC+ như thế nào?
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) sẽ tiếp tục kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng dầu đến năm 2025. Nguyên nhân đến từ một tổ chức rất uy lực của Mỹ.
Một số nguồn tin cho hay, OPEC+ sẽ kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng dầu đến hết năm nay, và có thể vắt qua năm 2025. Tổ chức này tìm cách củng cố thị trường trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu tăng trưởng ảm đạm, lãi suất cao và sản lượng của đối thủ Mỹ ngày càng tăng.
Giá dầu giao dịch tụt về dưới 80USD/thùng, thấp hơn mức mà nhiều thành viên OPEC+ cần để cân bằng ngân sách của mình. Bên cạnh đó, lo ngại về suy giảm nhu cầu ở nước nhập khẩu dầu hàng đầu là Trung Quốc - đã đè nặng lên giá cả. Chính vì thế, các nhà phân tích thị trường dầu dự đoán OPEC+ sẽ gia hạn cắt giảm để cân bằng nguồn cung.
OPEC+ đã thực hiện một loạt đợt cắt giảm sản lượng sâu kể từ cuối năm 2022, hiện đang cắt giảm sản lượng tổng cộng 5,86 triệu thùng mỗi ngày, tương đương khoảng 5,7% nhu cầu toàn cầu.
Việc cắt giảm bao gồm 3,66 triệu thùng/ngày của các thành viên OPEC+ có hiệu lực đến cuối năm 2024 và 2,2 triệu thùng/ngày do một số thành viên tự nguyện cắt giảm sẽ hết hạn vào cuối tháng 6/2024.
Các nguồn tin cho biết, thỏa thuận vừa qua có thể bao gồm việc gia hạn một số hoặc toàn bộ mức cắt giảm 3,66 triệu thùng/ngày đến năm 2025 và một số hoặc tất cả mức cắt giảm tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày vào quý 3 hoặc quý 4 năm 2024.
Cho dù thông tin OPEC+ tiếp tục cắt giảm sản lượng bị rò rỉ, nhưng giá dầu vẫn tiếp tục lao dốc - hoàn tất tháng giảm sâu nhất từ đầu năm vào ngày 31/5. Cụ thể, giá dầu WTI giảm 6%, đánh dấu tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 11 năm ngoái, trong khi giá dầu Brent giảm tới 7,1%.
Quincy Krosby, chiến lược gia của công ty LPL Financial đặt câu hỏi: “Thị trường dầu mỏ rồi sẽ đi về đâu? Nền kinh tế sắp tới sẽ ra sao?”. Trong bối cảnh đang xuất hiện hai dữ liệu quan trọng: OPEC+ không bơm thêm dầu ra thị trường và lạm phát ở Mỹ tốt lên bất ngờ.
Liệu có sự liên quan nào giữa lãi suất của Cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) và giá dầu? Một báo cáo của ngân hàng JPMorgan Chase cho rằng triển vọng lãi suất như vậy đang đặt ra thách thức đối với khả năng hồi phục của nhu cầu tiêu thụ dầu trong nửa sau của năm nay.
Chi phí vay mượn cao làm chậm quá trình phục hồi kinh tế, đây là nguyên nhân bao trùm khiến giá dầu liên tục giảm từ nửa cuối năm 2023 đến nay. Rõ ràng, giá dầu thấp là điều kiện lý tưởng để Mỹ chống lạm phát. Và, đây là lý do mà FED chần chừ cắt giảm lãi suất.
Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi tại Mỹ là thống kê có ảnh hưởng lớn đến các quyết định lãi suất của FED. Theo công bố hôm thứ Sáu tuần trước, PCE đã tăng 0,2% bằng với mức dự báo tăng mà các chuyên gia kinh tế đưa ra, tức là trong tầm kiểm soát.
Với các nền kinh tế còn lại thì sao? Giá dầu xoay quanh mốc 77USD/thùng là mức vừa phải để kiểm soát lạm phát, phục hồi kinh tế. Với những nền kinh tế như Việt Nam, giá dầu giảm có lợi tổng thể nhiều hơn hại.
Đặc biệt trong lúc các doanh nghiệp gặp khó khăn, giá dầu hợp lý sẽ giúp giảm chi phí sản xuất, từ đó giảm giá bán sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, tạo ra vòng lan tỏa kéo dài trong nền kinh tế, kích thích tổng cầu, khiến nền kinh tế được kích hoạt và mở rộng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận