Fed có thể không cần tăng thêm lãi suất do lợi suất trái phiếu cao
Giới chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) gần đây phát tín hiệu rằng xu hướng tăng của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn dài - yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp đến lãi suất nhiều khoản vay của hộ gia đình và doanh nghiệp - có thể khiến Fed không cần phải tăng thêm lãi suất ngắn hạn...
Điều này đồng nghĩa rằng những diễn biến trên thị trường tài chính sẽ làm thay một phần công việc của các nhà hoạch định chính sách tiền tệ trong cuộc chiến chống lạm phát
Phát biểu đầu tuần vừa rồi, ông Philip Jefferson, Phó chủ tịch Fed nói: “Chúng tôi đang ở trong một thời kỳ quản trị rủi ro đầy nhạy cảm mà ở đó chúng tôi phải cân bằng giữa nguy cơ thắt chặt không đủ và nguy cơ thắt chặt quá mức”.
Nhận định này của ông Jefferson được coi là dấu hiệu rằng Fed đang tán thành đà tăng của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết ngân hàng trung ương này phải “hành động cẩn trọng” với bất kỳ động thái tăng lãi suất quỹ liên bang nào trong thời gian tới.
“Tôi sẽ tiếp tục cảnh giác với sự thắt chặt của điều kiện tài chính do lợi suất trái phiếu tăng và sẽ cân nhắc dựa trên yếu tố này trong quá trình hoạch định chính sách”, vị Phó chủ tịch Fed cho biết tại một sự kiện của Hiệp hội Kinh tế học kinh doanh quốc gia Mỹ (NABE).
TÍN HIỆU MỚI TỪ FED, THỊ TRƯỜNG KHẤP KHỞI
Cũng tại sự kiện này trước đó, Chủ tịch Fed Chi nhánh Dallas, bà Lorie Logan - một trong những quan chức Fed thường đưa ra các đánh giá, nhận định có ảnh hưởng lớn tới thị trường tài chính - nói rằng việc nhà đầu tư đòi hỏi mức lợi tức cao hơn khi đầu tư vào trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn dài có thể trung hòa sự cần thiết phải tăng thêm lãi suất quỹ liên bang, tức lãi suất chính sách của Fed. “Nếu lãi suất dài hạn tiếp tục giữ ở mức cao do phần bù kỳ hạn cao hơn, thì sự cần thiết phải tăng lãi suất quỹ liên bang có thể giảm xuống”, bà Logan - người vốn có chủ trương cứng rắn hơn các quan chức Fed khác trong vấn đề tăng lãi suất - phát biểu.
Tiếp đó, Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta, ông Raphael Bostic, nói rằng Fed không cần phải tăng thêm lãi suất và cho rằng không có cuộc suy thoái nào đang đợi kinh tế Mỹ ở phía trước. “Tôi thực sự không cho là chúng ta cần tăng thêm lãi suất để đưa lạm phát về mục tiêu 2%”, ông Bostic phát biểu tại một sự kiện của Hiệp hội Các nhà ngân hàng Mỹ (ABA). Ông cho rằng chính sách tiền tệ của Mỹ hiện nay đã đủ thắt chặt và còn chưa phát huy hết tác dụng, trong khi động lực trong nền kinh tế vẫn còn nhiều, có thể “hấp thụ” một phần ảnh hưởng bất lợi của lãi suất cao, qua đó cho phép nền kinh tế giảm tốc mà không tới mức rơi vào suy thoái.
Theo các nhà phân tích, những nhận định trên cho thấy các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của Fed đang lạc quan rằng lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng cao có thể sẽ đặt dấu chấm hết cho chiến dịch tăng lãi suất trong 19 tháng qua - một thời kỳ tăng lãi suất lịch sử, đưa lãi suất quỹ liên bang lên mức cao nhất 22 năm, nhằm chống lại lạm phát cao nhất hơn 4 thập kỷ.
Giới đầu tư ở Phố Wall đã rất phấn khởi sau những phát biểu trên của giới chức Fed. Dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME ngày 5/10/2023 phản ánh khả năng 90% Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp chính sách tiền tệ tiếp theo diễn ra vào ngày 31/10-1/11/2023. Cách đây 1 tháng, thị trường đặt cược khả năng này ở mức 57%. Khả năng Fed tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 12 giảm còn 24% từ mức 36% trước đó một ngày. Trong cuộc họp tháng 9, Fed để ngỏ khả năng tăng lãi suất thêm một lần trong thời gian còn lại của năm nay.
RỦI RO NÀO CHO NỀN KINH TẾ MỸ?
Đầu tháng 10 này, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm có thời điểm vượt 4,8%, mức cao nhất kể từ năm 2007. Đối với người tiêu dùng Mỹ, lợi suất tăng tức là các khoản vay mua xe, mua nhà, nợ thẻ tín dụng, và cả nợ vay ăn học của sinh viên đều trở nên đắt đỏ hơn, vì lãi suất của các khoản vay này thường tăng, giảm cùng với diễn biến của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm. Một bằng chứng là lãi suất vay thế chấp nhà ở Mỹ đã tăng lên mức cao nhất 23 năm, trong khi mức độ hợp lý của giá nhà ở nước này giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1984.
Điều này có nghĩa là người tiêu dùng bắt đầu cảm nhận rõ sức nóng từ lãi suất cao sau nhiều năm hưởng lãi suất thấp suốt từ khủng hoảng tài chính 2008-2009. Dữ liệu từ Fed Chi nhánh New York cho thấy từ đầu đại dịch Covid-19 tới nay, người Mỹ chưa khi nào phải lo về nguy cơ trễ hạn trả nợ như hiện nay. Trong một cuộc khảo sát của Fed New York, người tiêu dùng Mỹ cho rằng khả năng họ trễ hạn thanh toán nợ trong 3 tháng tới là 12,5%, tăng 1,4 điểm phần trăm so với cuộc khảo sát của tháng 8/2023 và là mức cao nhất kể từ tháng 5/2020.
Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, đối với Fed, đây lại là tin tốt vì áp lực từ lãi suất cao có thể sẽ khiến nền kinh tế hạ nhiệt mà không cần Fed phải tăng lãi suất thêm. Đầu tháng này, Chủ tịch Fed Chi nhánh San Francisco, bà Mary Daly nói rằng mức tăng của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kể từ cuộc họp tháng 9 của Fed đã tương đương với tăng lãi suất quỹ liên bang thêm 0,25 điểm phần trăm. “Nếu điều kiện tài chính tiếp tục thắt chặt, việc chúng tôi tăng thêm lãi suất sẽ không còn cần thiết”, bà Mary Daly nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận