Fed có thể giữ nguyên chính sách trong suốt năm 2020
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell có khả năng sẽ lại một lần nữa báo hiệu trong tuần này rằng chính sách tiền tệ sẽ được giữ ổn định, củng cố niềm tin của thị trường rằng Fed có thể sẽ không có hành động gì trong suốt năm 2020.
Nền tảng vững chắc
Fed đã thay đổi chính sách theo hướng này hay hướng khác trong nhiều cuộc bỏ phiếu bầu cử Tổng thống Mỹ gần đây - mặc dù năm 2016, họ đã giữ không tăng lãi suất cho đến sau cuộc bầu cử tháng 11; hay như năm 2012, Fed dù không thay đổi lãi suất chuẩn của mình, vốn đã ở sát mức 0, nhưng đã công bố gói QE3 vào tháng 9.
“Nếu nhìn lại lịch sử và xem những gì Fed đã làm trong những năm bầu cử, bạn có thể thấy Fed đã làm tất cả những gì họ phải làm”, Roberto Perli - một đối tác tại Cornerstone Macro ở Washington nói. “Cách tốt nhất để họ (Fed) giữ gìn sự độc lập và uy tín của mình là làm những gì họ cho là đúng”.
Nhưng giờ đây, động thái này là đặc biệt quan trọng với Fed bởi nó như một lời tuyên bố là việc đưa ra các quyết định chính sách dựa trên cơ sở diễn biến kinh tế chứ không phải vì sức ép của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Không giống với nhiều Tổng thống tiền nhiệm luôn tránh can thiệp quá sâu vào hoạt động của Fed, ông Trump đã nhiều lần phản đối Fed và cáo buộc họ giữ tín dụng quá chặt chẽ. Lần gần đây nhất là vào ngày 31/10, một ngày sau khi Fed giảm lãi suất lần thứ 3 trong năm nay.
Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ có cơ hội đưa ra quan điểm của mình hai lần trong tuần này, trước Ủy ban Kinh tế chung của Quốc hội vào thứ Tư và Ủy ban Ngân sách Hạ viện vào thứ Năm. Theo các nhà phân tích, nhiều khả năng ông sẽ lặp lại thông điệp đã phát đi sau khi Fed cắt giảm lãi suất lần thứ 3: Nền kinh tế và chính sách tiền tệ đang ở trạng thái tốt trong năm thứ 11 của giai đoạn tăng trưởng dài nhất của Mỹ.
Các nhà đầu tư dường như đồng ý với đánh giá này. Giá cổ phiếu và trái phiếu đã tăng trong những ngày gần đây vì những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ đang vượt qua sự giảm tốc ở nước ngoài, cộng thêm hy vọng về một thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa Mỹ và Trung Quốc.
“Mọi thứ dường như tốt đẹp hơn nhiều so với hai tháng trước”, Carl Tannenbaum - Nhà kinh tế trưởng của Northern Trust Corp. ở Chicago cho biết. “Dữ liệu kinh tế của Mỹ gợi ý rằng chúng ta không ở trên bờ vực suy thoái”.
Cơ sở vững chắc cho niềm tin này là Báo cáo việc làm tháng 10, trong đó cho thấy lượng việc làm mới tăng thêm là 128.000, ngay cả khi đã mất 41.600 việc làm do cuộc đình công của General Motors Co.
Không giảm, khó tăng
Báo cáo việc làm đã xua đi nỗi lo rằng các công ty có thể phải cắt giảm việc làm do sự chậm lại của kinh tế toàn cầu. Nó cũng củng cố kỳ vọng của Fed rằng chi tiêu tiêu dùng sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế bất chấp đầu tư của khu vực doanh nghiệp giảm.
Cùng với thông điệp chính sách đến từ Powell, dữ liệu kinh tế được cải thiện đã khiến các nhà quan sát Fed như Michael Feroli của JPMorgan Chase & Co. và Matthew Luzzetti của Deutsche Bank Securities hủy bỏ dự báo Fed sẽ cắt giảm tiếp lãi suất.
Powell nói với các phóng viên vào ngày 30/10 rằng họ sẽ phải đánh giá lại về triển vọng kinh tế để Fed thay đổi phạm vi mục tiêu lãi suất 1,5% thành 1,75% hiện tại. Trong dự báo tháng 9 của Fed, các nhà hoạch định chính sách dự kiến nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tăng trưởng 2% vào năm 2020, lạm phát tăng lên gần mức 2% và thất nghiệp kết thúc năm ở mức 3,7%. Fed sẽ cập nhật dự đoán tại cuộc họp cuối năm diễn ra trong hai ngày 10-11/12.
Phó Chủ tịch Fed Richard Clarida cũng có cái nhìn lạc quan như vậy khi phát biểu với kênh truyền hình Bloomberg vào ngày 1/11. Theo đó, mặc dù cho rằng vẫn thấy rủi ro suy giảm đối với triển vọng kinh tế Mỹ, song ông cũng nhấn mạnh sức mạnh tài chính của các hộ gia đình ở Mỹ. “Nhìn tổng thể, người tiêu dùng Mỹ chưa bao giờ ở trong tình trạng tốt hơn”, ông nói.
Luzzetti của Deutsche cũng cho rằng, phải có những rạn nứt thực sự lớn trên thị trường lao động mới có thể khiến Fed tiếp tục giảm lãi suất. Ông hy vọng chính sách tiền tệ sẽ được duy trì trong năm tới mặc dù ông dự báo tăng trưởng của Mỹ có thể chậm lại, đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên 3,9%, từ mức 3,6% tại thời điểm hiện tại.
Ở chiều ngược lại, khả năng tăng lãi suất của Fed thậm chí còn thấp hơn nhiều. Powell nói rằng bất kỳ quyết định tăng lãi suất nào cũng sẽ gắn liền với diễn biến lạm phát, vốn vẫn bị kẹt dưới mục tiêu 2% của Fed. “Chúng tôi sẽ cần phải thấy một sự gia tăng thực sự đáng kể trong lạm phát trước khi chúng tôi xem xét tăng lãi suất để giải quyết các mối quan ngại về lạm phát”, Powell nói.
Khi mô tả chiến lược hiện tại của Fed, Powell đã đề cập đến việc điều chỉnh chính sách giữa chu kỳ trong những năm 1995 - 1996, khi Greenspan hạ lãi suất 3 lần sau khi đã tăng trước đó. Lần cắt giảm lãi suất cuối cùng diễn ra vào tháng 1/1996, bắt đầu năm bầu cử Tổng thống. Sau đó Fed đã duy trì lãi suất ổn định trong suốt thời gian còn lại của năm 1996.
“Fed có thể giữ ổn định lãi suất trong một khoảng thời gian rất dài”, Tannenbaum của Northern Trust nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận