Fed cần kiểm soát lạm phát để bảo đảm trật tự an toàn xã hội
Theo bài viết của hai tác giả Richard Rosenfeld và Matt Vogel đăng trên tờ The Hill, gần đây, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã công bố sẽ tăng thêm lãi suất để kiềm chế lạm phát đang trên đà tăng trong nhiều tháng qua. Đây là một bước đi quan trọng, bởi giá tiêu dùng tăng vọt là điều không tốt đối với xã hội.
Đã có những ví dụ sinh động trong lịch sử về sự tàn phá mà lạm phát có thể gây ra như nước Đức ngay sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất, Argentina trong 4 thập kỷ qua, Venezuela sau khi Tổng thống Nicolas Maduro tái đắc cử trong cuộc bầu cử năm 2013. Trong mỗi trường hợp, sự đau khổ trên diện rộng đã xảy ra sau đó, xung đột chính trị gia tăng, bạo loạn lan rộng và tỷ lệ tội phạm gia tăng.
Mặc dù những trường hợp này đều xảy ra khi lạm phát ở mức lớn hơn nhiều so với nước Mỹ hiện nay, song việc tăng giá khiêm tốn hơn cũng có thể làm gia tăng tội phạm và xung đột xã hội. Tỷ lệ tội phạm tại Mỹ tăng mạnh trong thời kỳ lạm phát duy trì ở mức cao trong thập niên 1970. Với mức lạm phát hiện đang ở mức cao trong 40 năm, ổn định giá cả cần phải trở thành ưu tiên chính sách hàng đầu của Chính quyền Tổng thống Joe Biden để tránh phải chịu số phận tương tự.
Giá cả leo thang làm gia tăng tội phạm cả bạo lực và bất bạo lực. Lạm phát thúc đẩy các loại tội phạm liên quan đến tài sản - vốn là các hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích vật chất. Lạm phát làm giảm sức mua, đặc biệt là khi mức tăng thu nhập không theo kịp mức tăng giá. Khi giá tăng, người tiêu dùng tìm đến nhiều hơn các cửa hàng giảm giá để tìm kiếm hàng hóa giá rẻ hơn. Một số tìm mua hàng do người khác trộm cắp. Mở rộng thị trường ngầm làm tăng động lực cho những kẻ cướp và trộm cắp cung cấp hàng hóa và tỷ lệ tội phạm tăng lên.
Tội phạm bạo lực, bao gồm cả giết người, cũng gia tăng trong các thị trường ngầm. Thị trường buôn bán hàng hóa trộm cắp là "vô chính phủ", tập hợp những người bán và người mua mà không có cơ chế chính thức để giải quyết tranh chấp về giá cả, số lượng và chất lượng hàng hóa. Những người sở hữu hàng hóa bị đánh cắp cũng có nguy cơ bị tấn công bởi những kẻ cướp đường phố. Do đó, khi lượng mua bán các mặt hàng ăn cắp tăng lên, bạo lực cũng sẽ xảy ra.
Cả tỷ lệ tội phạm liên quan đến tài sản và tỷ lệ giết người đã tăng và giảm cùng với tỷ lệ lạm phát trong nửa thế kỷ qua ở các thành phố tại Mỹ. Nghiên cứu của nhóm tác giả cho thấy số vụ giết người gia tăng là lớn nhất ở những nơi khó khăn nhất về kinh tế. Ở một số thành phố như Atlanta, Boston và New York, lạm phát trước tiên làm tăng các tội phạm như cướp, trộm cắp, từ đó dẫn đến gia tăng các vụ giết người. Nhưng ở những nơi khác, ảnh hưởng của lạm phát đối với tỷ lệ tội phạm giết người xảy ra thông qua các hình thức khác, bao gồm giảm niềm tin vào các tổ chức xã hội.
Lạm phát leo thang có ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của công chúng, trật tự xã hội và ổn định chính trị. Trên thực tế, tỷ lệ lạm phát gia tăng là một trong những nguyên nhân khiến niềm tin vào các thể chế của Mỹ sụt giảm trong suốt một phần tư thế kỷ giữa những năm 1960 và đầu những năm 1990. Nhà phân tích chính trị Michael Tomasky đã viết rằng siêu lạm phát những năm 1970 ở Mỹ "là một yếu tố then chốt dẫn đến sự chia rẽ của nước Mỹ liên quan đến cuộc chiến tại Việt Nam và vụ bê bối Watergate".
Trong giai đoạn hiện nay, lòng tin vào thể chế tại Mỹ một lần nữa lại ở mức thấp trong lịch sử. Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, chỉ có khoảng 1/4 người Mỹ hiện tin tưởng vào chính phủ liên bang luôn thực hiện tốt hoặc hầu như thực hiện tốt chức năng của mình.
Thiếu sự tin tưởng vào chính phủ liên bang có thể là nguồn gốc sâu xa vững của những căng thẳng thường ngày, tranh chấp và khiếu nại làm phát sinh các vụ tội phạm giết người. Tuy nhiên, như nghiên cứu của nhà sử học Randolph Roth đã chỉ ra, cảm xúc và niềm tin về lợi ích và bản sắc được phục vụ bởi những người cầm quyền có thể gây ra những hậu quả đáng sợ cho cuộc sống hàng ngày. Sự không tin tưởng gây ra sự bất mãn, thù địch và xung đột - điều kiện tiên quyết dẫn đến bạo lực.
Lạm phát có hậu quả ngay lập tức, trực tiếp và lan rộng hơn đối với lợi ích kinh tế so với bất kỳ yếu tố kinh tế nào khác, đặc biệt là đối với những người có thu nhập khiêm tốn. Thất nghiệp gia tăng gây ra những khó khăn rõ ràng cho những người không có việc làm, nhưng hầu hết mọi người vẫn có việc làm ngay cả trong thời kỳ suy thoái kinh tế. Ngoại trừ những người rất giàu có hoặc chủ doanh nghiệp, lạm phát ảnh hưởng đến tất cả mọi người.
Vì những lý do này, bình ổn giá là một ưu tiên chính sách công chủ chốt. Đây là một trong ba mục tiêu trọng tâm của Fed muốn đạt được, cùng với hai mục tiêu khác là tạo việc làm tối đa và duy trì lãi suất dài hạn ở mức độ vừa phải.
Với những bằng chứng quan trọng cho thấy lạm phát làm tăng tội phạm, trong giai đoạn hiện nay, cần đưa mục tiêu bảo đảm trật tự an toàn xã hội thành một mục tiêu trực tiếp của chính sách tiền tệ của Mỹ, đặc biệt là trong việc ngăn chặn giá cả tăng mạnh và kéo dài. Một trong số các mục tiêu của Fed là "thúc đẩy bảo vệ người tiêu dùng và phát triển cộng đồng". Chống lạm phát và bảo đảm trật tự an toàn xã hội phục vụ hiện cả hai mục tiêu này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận