Fed bước vào cuộc chiến mới
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định tăng lãi suất thêm 25 điểm phần trăm lên mức 0,25 - 0,5%/năm. Đây là đợt nâng lãi suất đầu tiên kể từ tháng 12/2018, nhằm kiểm soát lạm phát đang tăng chóng mặt.
Fed phát đi thông điệp sẽ có thêm 6 đợt nâng lãi suất trong năm 2022, với mục tiêu lãi suất chạm mức 1,9%/năm vào cuối năm và thêm 3 đợt khác trong năm 2023.
Điều mà các thị trường muốn biết là Fed sẽ làm gì tiếp theo. Nếu lãi suất cơ bản vượt quá ngưỡng 2,5%/năm trong những năm tới cho thấy phần lớn các thành viên của Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) lo lắng về lạm phát đến mức không quan tâm đến nguy cơ xảy ra suy thoái.
Lãi suất tăng sẽ làm đội chi phí đối với các doanh nghiệp, đồng nghĩa với việc thu nhập của các công ty đại chúng thấp hơn, có khả năng ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng và giá trị cổ phiếu của họ.
Dan Chan, một nhà đầu tư tại Thung lũng Silicon cho biết: “Nếu chi phí vay tiền từ ngân hàng tăng lên, cơ hội mở rộng đầu tư vào tư liệu sản xuất của một tập đoàn sẽ không còn nữa. Lãi suất có thể cao đến mức nhiều công ty sẽ không đủ khả năng để phát triển".
Trước mắt, khi FOMC thông báo tăng lãi suất, các nhà giao dịch có thể nhanh chóng bán bớt cổ phiếu và chuyển sang các khoản đầu tư phòng thủ hơn, mà không cần đợi quá trình phức tạp kéo dài của việc tăng lãi suất tác động đến toàn bộ nền kinh tế.
Trái phiếu đặc biệt nhạy cảm với sự thay đổi lãi suất. Khi Fed tăng lãi suất, giá thị trường của trái phiếu ngay lập tức giảm xuống. Ông Chan lưu ý: “Khi lạm phát tăng lên tăng lên, ngân hàng trung ương thường tăng lãi suất mục tiêu để hạ nhiệt một nền kinh tế đang phát triển quá nóng. Lạm phát cũng làm xói mòn giá trị thực của mệnh giá trái phiếu, đây là mối quan tâm đặc biệt đối với các khoản nợ dài hạn”.
Với khoản nợ quốc gia trên 30.000 tỷ USD, lần tăng lãi suất này của Fed sẽ làm tăng chi phí đi vay của Mỹ khi chính phủ nước này đảo nợ hoặc vay thêm. Tuy nhiên, hiện tại, mức lãi suất vay nợ vẫn ở mức hấp dẫn, với lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm và 30 năm đang ở mức thấp hơn lạm phát.
Tỷ lệ thất nghiệp hiện nay tại Mỹ đã giảm mạnh xuống còn 3,8%, ở mức thấp theo tiêu chuẩn và các hộ gia đình đang rủng rỉnh tiền mặt từ các chương trình viện trợ của Chính phủ liên quan đến đại dịch. Dữ liệu gần đây của Fed cho thấy, mức tiết kiệm của các hộ gia đình vẫn ở mức cao, tạo bước đệm giúp người Mỹ hấp thụ chi phí khí đốt và thực phẩm ngày càng đắt đỏ, mà không phải giảm chi tiêu ở các lĩnh vực khác.
Xung đột Ukraine - Nga vẫn chưa hạ nhiệt, gây ra lạm phát tăng cao tại Mỹ và nhiều khu vực bởi chi phí năng lượng tăng mạnh, chuỗi cung ứng gián đoạn nghiêm trọng. Ông Jerome Powell, Chủ tịch Fed thừa nhận, diễn biến tại khu vực này là không thể lường trước và “không biết nó sẽ tác động lên nền kinh tế Mỹ như thế nào và những tác động đó có lâu dài hay không".
Tờ Thời báo New York cũng nhận định, việc nền kinh tế Mỹ có chống chịu được với việc tăng lãi suất trong bối cảnh xung đột địa chính trị và dịch bệnh gia tăng vẫn là câu hỏi chưa có lời giải ngay lập tức.
Cựu Chủ tịch Fed Lawrence Lindsey dự báo có 50% khả năng nền kinh tế rơi vào suy thoái vào cuối năm nay, khởi đầu bằng cuộc khủng hoảng của Phố Wall khi Fed tăng lãi suất. Còn cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence Summer nhận định nguy cơ suy thoái kinh tế diễn ra trước cuộc bầu cử 2024 chắc chắn tới 50%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận