FDI dịch chuyển từ Trung Quốc vào Việt Nam: Xu hướng ngày càng rõ nét hơn
Không còn là dự báo, dòng vốn FDI dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam đang rõ nét hơn trong 6 tháng đầu năm 2019.
Theo ông Nguyễn Việt Phong - Vụ trưởng Vụ Thống kê vốn đầu tư thuộc Tổng cục Thống kê, qua theo dõi cơ quan này thấy có sự đột biến trong vốn đầu tư cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần từ Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc). Cụ thể, tổng vốn đầu tư từ Trung Quốc và Hồng Kông trong 6 tháng đạt 7,5 tỷ USD, (trong đó Hong Kong là 5,3 tỷ USD và Trung Quốc 2,2 tỷ USD), cao hơn đáng kể so với cùng kỳ năm 2017 là 3,7 tỷ USD và năm 2018 là 5,8 tỷ USD.
Riêng số dự án và số vốn đầu tư cấp mới từ Trung Quốc và Hong Kong trong 6 tháng đầu năm tăng gấp đôi cùng kỳ năm 2018, đạt 3,15 tỷ USD. Cũng theo ông Phong, DN Trung Quốc vẫn chủ yếu đầu tư vào các ngành dệt may, da giày, săm lốp ô tô và linh kiện điện tử.
Với sự tăng đột biến của vốn đầu tư từ Trung Quốc và Hong Kong, Tổng cục Thống kê cho rằng Việt Nam đang phải đối mặt với 3 thách thức lớn.
Thứ nhất, dòng vốn FDI từ Trung Quốc vào có thể khiến Việt Nam trở thành cứ điểm hàng hoá để các DN nhập khẩu hàng từ Trung Quốc vào Việt Nam và xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu, khiến Việt Nam vi phạm cam kết xuất xứ hàng hoá. Từ đó các quốc gia này có thể kiện Việt Nam về trợ giá, bán phá giá.
Thứ hai, làn sóng đầu tư từ Trung Quốc vào sẽ tạo áp lực với DN trong nước. Thời gian qua chúng ta đạt được nhiều thoả thuận thương mại với các quốc gia, nếu DN nội không chuẩn bị tốt và cạnh tranh tốt thì các DN nước ngoài vô hình trung được hưởng lợi.
Thứ ba, dưới tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn ra và ngày càng phức tạp và khó đoán định, thời gian tới có thể Trung Quốc sẽ tiếp tục phá giá đồng NDT để bảo hộ hàng sản xuất trong nước, vì vậy Việt Nam cần theo dõi và can thiệp chính sách khi cần thiết.
Đánh giá về tình hình thu hút FDI trong 6 tháng đầu năm, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) cũng cho rằng Việt Nam có cơ hội đón nhận dòng vốn FDI dịch chuyển khỏi Trung Quốc và thực tế đã cho thấy xu hướng này đang ngày càng mạnh lên.
Cơ quan này phân tích, chiến tranh thương mại kết hợp với những yếu tố khác trong nội tại kinh tế Trung Quốc đang dẫn đến việc di chuyển các dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc của các tập đoàn đa quốc gia sang các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, không phải tất cả các hoạt động sản xuất đều rời khỏi Trung Quốc. Do Trung Quốc đang ngày càng trở thành thị trường tiêu dùng quan trọng, nên những ngành định hướng vào thị trường tiêu dùng sẽ vẫn ở lại. Những sản phẩm không thể xuất khẩu được do chiến tranh thương mại có thể sẽ được dịch chuyển dây chuyền sản xuất sang các nước Đông Nam Á nhằm đạt được quy tắc xuất xứ từ những nước này.
Với vị trí địa lý gần Trung Quốc, chi phí nhân công thấp hơn, nguồn nhân lực dồi dào, môi trường vĩ mô và chính trị ổn định, độ mở kinh tế lớn và tham gia nhiều FTA lớn, Việt Nam được đánh giá là một trong những điểm đến quan trọng của dòng vốn FDI dịch chuyển khỏi Trung Quốc. Hơn nữa, FDI trong lĩnh vực điện tử vào Việt Nam đã tăng lên trong những năm gần đây, cho thấy Việt Nam đang tiến dần lên nấc thang công nghệ mới. Đây cũng là lý do khiến dòng vốn FDI trong các lĩnh vực công nghệ cao từ Trung Quốc và các quốc gia khác có thể tìm đến Việt Nam.
NCIF cũng lý giải, trong ngắn hạn việc Mỹ đánh thuế với hàng Trung Quốc đã buộc nhiều công ty phải dời Trung Quốc để dịch chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam, khiến vốn đầu tư từ quốc gia này tăng đột biến trong 6 tháng đầu năm.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang đối mặt với một số thách thức lớn khiến dòng vốn này có thể tìm đến các thị trường khác, đó là chi phí nhân công và tiền thuê đất ngày càng tăng, những nút thắt cổ chai về giao thông, cảng biển và chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế. Malaysia và Indonesia là những đối thủ cạnh tranh lớn của Việt Nam trong việc thu hút dòng vốn FDI dịch chuyển khỏi Trung Quốc.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận