FAO: Giá lương thực thế giới giảm mạnh trong tháng 5/2023
Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) ngày 2/6 thông báo chỉ số giá lương thực toàn cầu trong tháng 5/2023 đã giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm qua, chủ yếu nhờ giá dầu thực vật, ngũ cốc và sữa giảm mạnh hơn mức tăng giá của các mặt hàng khác như đường và thịt.
Chỉ số giá lương thực của FAO - "thước đo" sự thay đổi hàng tháng về giá cả quốc tế của các mặt hàng thực phẩm được giao dịch nhiều nhất trên toàn cầu – đứng ở mức 124,5 điểm trong tháng Năm, giảm so với mức 127,7 điểm của tháng trước đó.
Giá lương thực tháng 5/2023 cũng là mức thấp nhất kể từ tháng 4/2021. Đồng thời, chỉ số tổng thể đang thấp hơn 22% so với mức cao nhất từ trước đến nay ghi nhận vào tháng 3/2022, sau khi xảy ra cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine (U-crai-na) .
Chỉ số giá ngũ cốc của FAO trong tháng 5/2023 giảm gần 5% so với tháng trước đó, chịu áp lực bởi triển vọng nguồn cung dồi dào và việc mở rộng Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen cho phép nguồn cung từ Ukraine ra thị trường thế giới tăng lên.
Tuy nhiên, giá gạo quốc tế tiếp tục tăng trong tháng Năm, một phần do nguồn cung tại một số nước xuất khẩu thắt chặt hơn. FAO hồi tháng trước đã bày tỏ lo ngại về việc tăng giá của mặt hàng lương thực chủ lực này.
Chỉ số giá dầu thực vật của FAO cũng giảm gần 9% so với tháng Tư, phản ánh nguồn cung hạt có dầu lớn và nhu cầu dầu cọ yếu. Trong khi đó, giá sữa toàn cầu giảm hơn 3% trong bối cảnh sản lượng sữa ở Bắc bán cầu tăng theo mùa.
Ngược lại, giá đường tăng 5,5% và đánh dấu tháng tăng thứ tư liên tiếp do những lo ngại về mô hình thời tiết El Nino làm tăng thêm rủi ro nguồn cung toàn cầu. Tuy nhiên, điều kiện thời tiết cải thiện ở Brazil và giá dầu thô thấp hơn đã hạn chế phần nào đà tăng của mặt hàng này.
Trong báo cáo riêng về cung-cầu ngũ cốc, FAO dự báo sản lượng ngũ cốc thế giới năm 2023 sẽ tăng 1% so với năm ngoái và đạt 2,813 tỷ tấn, chủ yếu nhờ sản lượng ngô dự kiến gia tăng. Dự trữ ngũ cốc toàn cầu niên vụ 2023/2024 cũng được dự báo tăng 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức kỷ lục 873 triệu tấn, phản ánh lượng dự trữ ngô, gạo và lúa mạch dự kiến lớn hơn.Trước đó, tại cuộc họp của Ủy ban Nông nghiệp ngày 27-28/3, các quốc gia thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã cam kết tăng cường nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng an ninh lương thực nghiêm trọng, đặc biệt là thách thức đối với các nước kém phát triển nhất (LDC) và các nước đang phát triển nhập khẩu lương thực ròng (NFIDC).
Các Thành viên tiếp tục rà soát các chính sách hỗ trợ của nhau để đảm bảo phù hợp với các quy định của WTO và thảo luận về việc thực hiện các kết quả cấp bộ trưởng được thông qua tại các hội nghị cấp bộ trưởng ở Bali và Nairobi và Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 12 (MC12) tại Geneva vào tháng 6/2022.
Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cảnh báo thế giới tiếp tục đối mặt với "cuộc khủng hoảng đói và dinh dưỡng lớn nhất trong lịch sử hiện đại" do xung đột, biến đổi khí hậu và các cú sốc kinh tế gây ra. Theo dữ liệu của FAO và WFP, 11,7% dân số thế giới phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng vào năm 2021, trong đó các nước LDC và NFIDC chịu thiệt hại nặng nề nhất. Vào năm 2022, các quốc gia này phải đối mặt với tình hình tồi tệ với hóa đơn nhập khẩu lương thực kỷ lục, tăng 10% (4,9 tỷ USD) đối với các nước LDC và 17% (21,7 tỷ USD) đối với các NFIDC.
Hơn nữa, mức giá lương thực và nhiên liệu toàn cầu vẫn ở mức cao bất chấp những tác động tích cực của Thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen do Liên hợp quốc làm trung gian, giúp hạ giá sau mức đỉnh vào tháng 3/2022. WFP hoan nghênh việc gia hạn thỏa thuận vào tháng 3/2023 và nêu bật mua thành công thực phẩm từ Ukraine cho các hoạt động ở một số quốc gia có nhu cầu. WFP cũng cho biết công việc của họ đã được hưởng lợi từ quyết định MC12 miễn trừ việc mua thực phẩm nhân đạo của WFP khỏi bất kỳ hạn chế xuất khẩu nào.
Cả hai tổ chức đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy quan hệ đối tác giữa các bên liên quan, bao gồm chính phủ, các tổ chức quốc tế, khu vực tư nhân và các chủ thể địa phương, trong thời kỳ khủng hoảng.
Các Thành viên hoan nghênh hành động khẩn cấp của FAO và WFP trong cuộc chiến toàn cầu chống lại nạn đói, chẳng hạn như viện trợ lương thực nhân đạo và các hình thức hỗ trợ tài chính và hỗ trợ kỹ thuật khác nhau. Bày tỏ lo ngại về triển vọng an ninh lương thực toàn cầu, một số Thành viên kêu gọi gia hạn Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, nhấn mạnh tầm quan trọng của tính minh bạch. Một số Thành viên đã chia sẻ các hoạt động của họ để hỗ trợ các nỗ lực toàn cầu nhằm ngăn chặn tình trạng mất an ninh lương thực.
Các Thành viên đã thảo luận 15 vấn đề mới liên quan đến chính sách trang trại của nhau bao gồm tiếp cận thị trường, hỗ trợ trong nước và cạnh tranh xuất khẩu. Những vấn đề này bao gồm chương trình ngũ cốc mới của Trung Quốc, các biện pháp hạn chế xuất khẩu của Mexico (Mê-hi-cô), Morocco (Ma-rốc), Tajikistan (Tát-di-kix-tan) và Thổ Nhĩ Kỳ, chương trình chuyển đổi cơ cấu đối với gạo của Nhật Bản và Đạo luật Giảm lạm phát của Hoa Kỳ.
Các thành viên hoan nghênh hai đề xuất của Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc nhằm hợp lý hóa các thông báo và tăng cường tính minh bạch. Nhiều Thành viên ghi nhận sự tương đồng giữa các đề xuất và bày tỏ ủng hộ cách tiếp cận từng bước để đạt được các mục tiêu này. EU và Trung Quốc đã đồng ý với đề xuất tham gia đối thoại với các thành viên khác trong những ngày tới để đạt được tiến bộ hơn nữa.
Lần đầu tiên, một số thành viên LDC, cụ thể là Guinea, Haiti, Mauritanie, Niger, Sierra Leone và Uganda, tuyên bố không sử dụng trợ cấp xuất khẩu nông nghiệp. Các Thành viên đã chấp thuận yêu cầu của Tonga để được thêm vào danh sách NFIDC.
Còn theo một báo cáo về giá lương thực, thực phẩm của Canada (Ca-na-đa) năm 2023 của Đại học Dalhousie, người dân Canada sẽ không sớm thoát khỏi tình trạng giá lương thực tăng vọt, dự báo rằng chi phí nuôi sống một gia đình trung bình bốn người vào năm 2023 sẽ đắt hơn 1.000 CAD (khoảng 741,62 USD). Sau một năm giá cả tăng chóng mặt, người dân Canada sẽ chứng kiến giá lương thực, thực phẩm tăng thêm từ 5 - 7% trong năm 2023.
Sylvain Charlebois - Giám đốc Trung tâm phân tích thực phẩm nông nghiệp tại Đại học Dalhousie cho biết: “Người tiêu dùng sẽ tiếp tục trở nên thông minh hơn trong việc mua sắm hàng tạp hóa khi họ vượt qua cái gọi là cơn bão lạm phát thực phẩm này”.
Báo cáo trên ước tính giá tăng sẽ khiến một gia đình bốn người Canada chi trung bình khoảng 16.288 CAD mỗi năm cho lương thực, thực phẩm, tăng 1.065 CAD so với chi phí cho mặt hàng này hàng năm được quan sát vào năm 2022.
Giá lương thực, thực phẩm tăng mạnh nhất dự kiến sẽ xảy ra ở rau, sữa và thịt. Giá rau được dự đoán sẽ tăng từ 6 - 8% vào năm 2023, mức tăng giá lớn nhất đối với bất kỳ loại thực phẩm nào. Thay đổi nhỏ nhất dự kiến là ở trái cây, loại trái cây được dự đoán sẽ tăng giá từ 3 - 5%.
Ở cấp độ vĩ mô, các yếu tố như biến đổi khí hậu, rủi ro địa chính trị, chi phí năng lượng và lạm phát dự kiến sẽ có tác động rất lớn trong việc đẩy giá lương thực lên cao vào năm 2023. Báo cáo do Đại học Dalhousie thực hiện hàng năm với sự hợp tác với ba trường đại học khác trên khắp Canada gồm: Đại học Guelph, Đại học Saskatchewan và Đại học British Columbia.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận