F0 đi làm: Quản lý ra sao để "vẹn cả đôi đường"?
Trước tình trạng số ca mắc COVID-19 tăng đột biến, nhiều cơ quan doanh nghiệp thiếu nhân lực trầm trọng, Bộ Y tế đã đưa ra đề xuất vận động người thuộc diện F0, F1 có thể đi làm trên tinh thần tự nguyện. Vấn đề này hiện vẫn nhận được ý kiến trái chiều.
Vừa là giáo viên dạy bộ môn chính, vừa là chủ nhiệm lớp 5, cô Nguyễn Ngân Hà, giáo viên một trường tiểu học tại huyện Gia Lâm, Hà Nội bị mắc COVID-19. Trong thời gian nghỉ cách ly ở nhà, cô vẫn phải dạy học online bởi áp lực hoàn thành chương trình cho học sinh cuối cấp. Dù rát họng, mệt mỏi vì khó ngủ, cô Hà không còn cách nào khác là cố gắng khắc phục khó khăn.
“Khi học trực tuyến thì cô giáo phải tương tác nhiều, cô nói gần như toàn bộ cả buổi sáng ngày hôm đó trừ những tiết phụ. Bệnh COVID-19 này ảnh hưởng trực tiếp đến họng, khi nói nhiều như thế thì sẽ ảnh hưởng như ho, hơi thở mạnh cho nên khá mệt. Nếu khỏe thì dạy đỡ được 1-2 tiết thôi chứ còn dạy trong lúc F0 thì thực sự mệt. Nếu người nào triệu chứng bình thường, họ cảm thấy sốt ruột cho lớp thì họ đi làm”, cô Hà nói.
Cô Nguyễn Ngân Hà chỉ là một trong số nhiều người mắc COVID-19 hiện nay vẫn phải làm việc do tình trạng thiếu lao động tại các cơ quan. Nhiều nơi, công sở vắng hoe vì 3/4 lực lượng lao động mắc COVID-19. Từ đó, Bộ Y tế đã có đề xuất cho người F0 không có triệu chứng, đang trong thời gian cách ly ở một số ngành nghề như y tế, giáo dục tự nguyện quay lại làm việc có thể làm với hình thức trực tuyến, có thể chăm sóc người bệnh COVID-19 tại gia đình, cơ sở điều trị. Đồng thời, F1 được chuyển sang theo dõi sức khỏe 10 ngày tính từ ngày phơi nhiễm (thay vì cách ly tại nhà 5 ngày), tham gia các công việc trực tiếp và trực tuyến.
Theo nhiều doanh nghiệp sản xuất trực tiếp như các Công ty may mặc, sản xuất linh kiện điện tử, công ty chế biến thực phẩm… việc người lao động mắc COVID-19 nghỉ việc quá nhiều thời gian vừa qua đã ảnh hưởng lớn đến kế hoạch sản xuất và làm chậm thời gian giao hàng. Mặc dù số lao động F0 nghỉ việc để điều trị khá lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh, tuy nhiên, đây là bệnh truyền nhiễm nên việc bố trí khu vực riêng cho người lao động làm việc là điều khó khăn.
Ông Bạch Thăng Long, Phó Tổng Giám đốc Công ty May 10 cho rằng: “Đối với khối văn phòng thì F0 vẫn làm việc trực tuyến được nhưng đối với khối sản xuất trực tiếp thì không thể vì nó liên quan đến điều kiện của từng đơn vị, không dễ bố trí khu vực riêng để cho F0 làm việc. Những đơn vị nào mà bố trí được thì tốt bởi nhiều người lao động có triệu chứng nhẹ họ vẫn có nhu cầu được đi làm nhưng doanh nghiệp không thể bố trí vị trí riêng, điều này phải tùy thuộc vào từng đơn vị, từng hoàn cảnh”.
Thực tế, nhiều đơn vị, doanh nghiệp có thể xây dựng kịch bản nhân sự thay thế một cách linh hoạt, có những cơ chế khuyến khích người làm việc ở vị trí trọng yếu để không đứt gãy chuỗi công việc. Thế nhưng, nếu không thực hiện tốt các biện pháp 5K, nguy cơ cả cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trở thành F0 sẽ rất cao.
Bà Nguyễn Thị Thanh, Chủ tịch Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội cho biết, những người bị triệu chứng nhẹ nếu có thể đi làm thì vẫn xem xét trên tinh thần tự nguyện: “Những doanh nghiệp không liên quan đến dây truyền sản xuất, triệu chứng nhẹ thì có thể mang việc về nhà làm. Thứ hai, các tổ công nhân trực tiếp ở ngoài hiện trường như tổ môi trường 50% bị F0, những người không bị cố gắng tăng ca. Theo quy định thì sau 7 ngày âm tính thì có thể đi làm, hoặc nếu anh chị em thấy sức khỏe đảm bảo vẫn có thể làm việc vào thời điểm không có người ra đường, ví dụ như lúc 2-3h sáng, họ cũng phải tính đến phương án như thế khi lượng rác thải quá nhiều. Một tổ 8 người mà 4 người bị hay 5 người bị F0 thì 3 người không thể làm hết việc được”.
Theo bác sĩ Lê Văn Chính, chuyên khoa tai mũi họng, Bệnh viện Hồng Ngọc, COVID-19 vẫn là một bệnh truyền nhiễm nhóm A, vẫn có mức độ nguy hiểm nhất định. Do đó, cần có sự linh hoạt, chuẩn bị phù hợp để ứng phó. Từng cơ quan, công sở, doanh nghiệp phải có hướng dẫn cụ thể cho người lao động về các điều kiện áp dụng theo quy định để đảm bảo an toàn phòng dịch.
Bác sĩ Lê Văn Chính phân tích: “Không ai hiểu bệnh của mình bằng chính mình, có thể cảm nhận cơ thể có ổn hay không, tuy nhiên cũng phải dựa trên tinh thần tự nguyện. Một số nơi có công nhân hay cơ sở y tế, nhân viên nhiễm F0 vẫn làm việc nhưng làm việc ở khu sàng lọc, khu lây nhiễm cao vẫn phải bảo hộ đầy đủ”.
Đa số cho rằng, việc cho F0, F1 tham gia làm việc trong thời gian cách ly nên xét theo nguyện vọng của đối tượng, việc áp dụng nên linh hoạt. Đối với những vùng dịch phức tạp thì số lượng F1 khá cao có thể xem xét cho đi làm tránh thiếu hụt lao động, còn ở nơi ít ca nhiễm, đảm bảo nhân lực thì nên để F1 làm trực tuyến để hạn chế tối đa nguy cơ dịch bùng phát. Trong bối cảnh thiếu lao động như hiện nay, việc để F0 không triệu chứng đi làm là giải pháp tình thế, nhưng phải đảm bảo làm sao không gây áp lực lây nhiễm lên các cơ quan, công sở, doanh nghiệp, nhất là tại những nơi có không gian kín, mật độ lao động cao./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận