EVS Research “mách” 3 nhóm ngành tiêu điểm năm 2022
Năm 2022, các chuyên gia phân tích đến từ Công ty Chứng khoán Everest đã chỉ ra 3 nhóm ngành tiêu điểm có khả năng thu hút thị trường, bao gồm: ngân hàng, bất động sản khu công nghiệp và bán lẻ.
Trong báo cáo quan điểm đầu tư 2022 mới đây, các chuyên gia đến từ Công ty Chứng khoán Everest (EVS Research) đánh giá, năm 2021 là năm thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận nhiều sự đột phá. Sau đợt dịch bùng phát lần thứ 3, VN-Index đã vượt mốc lịch sử 1.200 điểm vào tháng 4, thị trường đã tăng trưởng liên tục trong 5 tháng giúp VN-Index xác lập mốc 1.420,3 điểm vào tháng 7.
Tuy nhiên, sự bùng phát mạnh mẽ của biến chủng Delta khiến toàn quốc bước vào đợt cách ly xã hội, kéo theo VN-Index điều chỉnh về 1.243,5 điểm. Ngay sau đó, thị trường đã phục hồi và tiếp tục tăng trưởng, chạm mốc 1.500,8 điểm vào tháng 11, trước khi điều chỉnh nhẹ về 1.498 điểm vào ngày kết thúc năm 2021.
Nhìn chung, trong năm qua, VN-Index đạt mức tăng trưởng ấn tượng với 31%, vượt qua các thị trường chứng khoán khác trong khu vực nhờ 3 động lực chính. Thứ nhất, môi trường lãi suất thấp giúp thị trường chứng khoán thu hút được các nhà đầu tư mới. Thứ hai, thị trường vẫn đang ở mức định giá hấp dẫn khi P/E đang ở mức trung bình 3 năm (17,3 lần). Thứ ba, kỳ vọng ngày càng gia tăng với việc Chính phủ có thể hoàn toàn kiểm soát dịch bệnh.
Năm 2022, Chứng khoán Everest dự phóng EPS tăng trưởng 22% và mức P/E vào khoảng 16 lần.
“Chúng tôi cho rằng VN-Index năm 2022 sẽ đạt 1.663 điểm, tương ứng với mức tăng 11% so với mức đóng cửa cuối năm 2021”, nhóm chuyên gia nhận định.
Bên cạnh đó, thị trường vẫn sẽ lạc quan nhờ 4 yếu tố chính. Thứ nhất, khả năng kiểm soát dịch bệnh tốt giúp thị trường vẫn giữ được sự lạc quan về nền kinh tế.
Thứ hai, các gói hỗ trợ tài khóa, kích thích sự phục hồi của các doanh nghiệp được đưa ra.
Thứ ba, các hiệp định thương mại quốc tế có hiệu lực kết hợp thúc đẩy đầu tư công đón đầu làn sóng dịch chuyển của các doanh nghiệp sản xuất nước ngoài.
Thứ tư, làn sóng nhà đầu tư cá nhân tham gia vào thị trường chứng khoán không chỉ là hiện tượng mà sẽ là xu hướng trong dài hạn, hỗ trợ thanh khoản VN-Index chinh phục những đỉnh mới.
Từ góc nhìn kỹ thuật, nhóm nghiên cứu đưa ra kịch bản cơ sở là VN-Index có thể tiến tới mốc 1.560 điểm khi RSI thể hiện cầu mua mạnh, đường MACD cắt lên đường tín hiệu kết hợp với các thông tin vĩ mô tích cực về gói hỗ trợ kinh tế đã được công bố. Chỉ số sau đó có thể giao dịch tích lũy trong vùng 1.488 - 1.500 điểm để tìm kiếm sự cân bằng, trước khi kỳ vọng chinh phục mức đỉnh mới 1.651 điểm vào cuối năm 2022.
Theo báo cáo của EVS Research. |
Ba nhóm ngành tiêu điểm
Chuyên gia từ EVS Research dự báo, các nhóm ngành tiêu điểm trong năm 2022 sẽ bao gồm: ngân hàng, bất động sản khu công nghiệp và bán lẻ.
Tuy nhiên, biên độ lãi ròng (NIM) của các ngân hàng sẽ có sự phân hóa trong năm 2022 khi lãi suất huy động có xu hướng tăng nhờ tăng trưởng tín dụng duy trì và lạm phát có thể gia tăng trong năm 2022, trong khi đó lãi suất cho vay lại chịu áp lực giảm để hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Các ngân hàng có tiền gửi không kỳ hạn cao và dư nợ tín dụng thấp sẽ có lợi thế lớn để cải thiện NIM trong 2022. Thu nhập ngoài lãi sẽ tiếp tục triển vọng nhờ vào mảng bán sản phẩm bảo hiểm còn nhiều dư địa phát triển. Tỷ lệ thâm nhập và phí bảo hiểm bình quân vẫn duy trì ở mức thấp, hứa hẹn sẽ tiếp tục đóng góp 10 - 12% vào tỷ trọng doanh thu của các ngân hàng.
Bên cạnh đó, các ngân hàng với các câu chuyện riêng lẻ như nâng vốn để đảm bảo tuân thủ Basel II, “kết duyên” với các nhà đầu tư chiến lược, thoái vốn công ty con, tái ký hợp đồng phân phối bảo hiểm độc quyền… được kỳ vọng sẽ thu hút dòng tiền thông minh trên thị trường. Một số cổ phiếu nổi bật: VCB, TCB, MSB.
Nhu cầu thuê đất khu công nghiệp trong 2021 đã bị ảnh hưởng mạnh bởi Covid-19 làm gián đoạn việc di chuyển nội địa cũng như các chuyến bay quốc tế. Tuy nhiên, việc dòng tiền FDI liên tục tìm tới Việt Nam, cùng với việc Chính phủ thay đổi cách phòng chống dịch và tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng vào các dự án trọng điểm (cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái kết nối các thành phố trung ương với trung tâm kinh tế Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh) sẽ thúc đẩy sự phát triển cho ngành bất động sản khu công nghiệp.
Các doanh nghiệp có quỹ đất để khai thác và cho thuê trong 3 năm tới được kỳ vọng sẽ nổi bật trong xu hướng tăng trưởng của ngành. Một số cổ phiếu nổi bật: SZC, BCM, KBC.
Ngoài ra, tác động của đại dịch Covid-19 đã khiến xu hướng làm việc, học tập tại nhà phát triển, thúc đẩy tiêu thụ các mặt hàng điện thoại, máy tính bảng, laptop,… Cơ cấu dân số trẻ cũng sẵn sàng đẩy mạnh chi tiêu tại các thành phố nhỏ và khu vực ngoại ô. Đặc biệt, sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng từ mô hình Tạp hóa truyền thống sang Cửa hàng hiện đại (nhất là các siêu thị và cửa hàng tiện ích) và Thương mại điện tử (web, app,…) cũng là động lực của ngành. Một số cổ phiếu nổi bật: MWG, PNJ, PET.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận