EVN: Tăng giá điện, thu thêm 8000 tỷ, gần 30% số hộ 'chỉ nộp thêm vài nghìn'
Theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng như của chuyên gia độc lập, giá điện tăng 3% chỉ tác động nhỏ tới hộ gia đình cũng như nền kinh tế.
Tại Tọa đàm về Giá điện do Báo Thanh niên tổ chức hôm nay, 16/5, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho biết, chi phí sản xuất điện năm 2022 đã được kiểm tra bởi tổ công tác liên ngành do Bộ Công Thương thành lập, gồm các thành viên của Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Tài chính, Bộ LĐ-TB&XH, VCCI.
Theo đó, khoản lỗ của EVN là trên 26.000 tỷ đồng. Chi phí lớn nhất trong giá điện là chi phí mua điện, chiếm 82% giá thành điện.
Ước tính, việc điều chỉnh giá điện 3%, giúp doanh thu của tập đoàn tăng thêm khoảng 8.000 tỷ đồng trong năm nay, nhưng khoản lỗ 18.000 tỷ đồng vẫn còn treo.
Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN. (Ảnh: Độc Lập)
Thông tin cụ thể về tác động của tăng giá điện tới cuộc sống người dân, Trưởng Ban Kinh doanh EVN, ông Nguyễn Quốc Dũng cho hay, tổng số hộ sử dụng điện trên toàn quốc là trên 30 triệu hộ. Trong đó:
- Số hộ tiêu thụ dưới 50 kWh/tháng trở xuống là khoảng 3,33 triệu hộ, chiếm 11,98%; tiền điện tăng thêm của nhóm này là 2.500 đồng/hộ.
- Số hộ tiêu thụ 100 kWh/tháng, là khoảng 4,7 triệu hộ, chiếm 16,65%, tiền điện tăng thêm của nhóm này là 5.100 đồng/hộ.
- Số hộ tiêu thụ 200 kWh/tháng là khoảng 10,04 triệu hộ, chiếm tỷ trọng 36%, tiền điện tăng thêm là 11.000 đồng/hộ. Đây cũng là nhóm đối tượng khách hàng có tỷ trọng lớn nhất.
- Số hộ tiêu thụ 300 kWh/tháng, là khoảng 4,96 triệu hộ, chiếm 17,81%, tiền điện tăng thêm là 18.700 đồng/hộ.
- Số hộ tiêu thụ từ 400 kWh/tháng trở lên, toàn quốc chỉ có 2,21 triệu hộ, chiếm tỷ trọng 7,95%, tiền điện tăng thêm là 27.200 đồng/hộ.
Tính chung của EVN, có khoảng 64% số hộ chỉ tăng tiền điện thêm 2.500- 11.000 đồng mỗi tháng.
Như vậy, EVN đã tính toán kỹ tác động lên tất cả khách hàng trước khi điều chỉnh giá điện, việc tăng giá điện 3% tác động nhỏ tới các hộ gia đình, theo ông Dũng.
Từ góc nhìn độc lập, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, cho hay, giá điện trước lần điều chỉnh mới đây, là giá điện được điều chỉnh từ năm 2019. Từ đó đến nay, các chi phí để sản xuất điện đều biến động theo chiều hướng tăng.
Tính từ năm 2019-2022, lạm phát lũy kế của nền kinh tế là khoảng 10%, giá thành điện năm 2022 được kiểm toán đã tăng 9,27% so với năm 2021. Nếu không được bù đắp chi phí sản xuất thì dòng tiền của EVN sẽ bị ngắt, đơn vị không có điều kiện tiếp tục sản xuất, kinh doanh, cung ứng điện cho nhu cầu.
Cũng theo ông Thỏa, mức tăng giá bán lẻ điện bình quân 3% là khá thấp, chưa thực hiện được nguyên tắc bù đắp chi phí sản xuất điện. Tính ra, mức tăng thêm bình quân là 56 đồng/kWh, giá điện tăng sẽ tác động đến các ngành nghề khác trong nền kinh tế khoảng 0,18%.
Đối với giá thành sản phẩm của những ngành sử dụng nhiều điện, ngành thép sẽ tăng 0,18%, xi măng tăng 0,45%, dệt may tăng 0,4%... Mức độ tác động từ việc tăng giá điện vừa qua là không lớn.
‘SẾP’ EVN BÀY MẸO TIẾT KIỆM ĐIỆN KHI DÙNG ĐIỀU HÒA
Tại tọa đàm, ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) cho biết, khi sử dụng điều hòa nhiệt độ, người dân nên cài đặt ở nhiệt độ chênh với nhiệt độ môi trường bên ngoài khoảng 5 độ C. Nếu để nhiệt độ quá thấp, lạnh, người trong phòng bước ra môi trường nắng, nóng, nhiệt độ cao, dễ bị sốc nhiệt, ảnh hưởng sức khỏe.
Người dân nên bật máy lạnh ở nhiệt độ vừa phải, có sử dụng kèm quạt để phát tán hơi lạnh trong phòng. Như vậy, vừa đảm bảo sức khỏe, tiết kiệm điện. Nếu thực sự triệt để áp dụng các biện pháp tiết kiệm điện mà EVN tư vấn, lượng điện tiêu thụ trong nhà giảm không dưới 30%.
Theo ông Kiên, người dân không nên để máy lạnh ở nhiệt độ thấp, dùng trong 1 tiếng rồi tắt, việc này làm giảm tuổi thọ máy, nhiệt độ nên chọn ở mức vừa phải, tối ưu là 26 độ C. Vừa tiết kiệm điện, tốt cho sức khỏe và cũng không bị sốc nhiệt khi ra ngoài trời nắng nóng. Hiện nay, các thiết bị cũng đã có một số gia đình sử dụng thiết bị thông minh, nếu áp dụng thêm các giải pháp thông minh trong gia đình thì tỷ lệ tiết kiệm điện còn tốt hơn nữa.
Còn TS. Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Năng lượng và Phát triển xanh phân tích, nhiệt độ điều hòa không khí có vùng cảm thấy thoải mái nhất, đó là chênh khoảng 7-10 độ C so với nhiệt độ ngoài trời. Ví dụ, nếu điều hòa đặt 26 độ C, tức là nhiệt độ bên ngoài khoảng 30-31 độ C, song, những ngày nóng lên tới 38-40 độ C thì nên đặt nhiệt độ điều hòa ở mức cao hơn, khoảng 30 độ C. Khi để nhiệt độ như thế, tránh sốc nhiệt cho cơ thể người, đảm bảo cộng suất, tuổi thọ máy lạnh khi hoạt động.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận