menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hoàng Yến

EVN nói gì về việc Trung Nam kêu cứu tại dự án điện mặt trời ở Ninh Thuận?

Khó khăn tài chính do nhà máy điện mặt trời bị "treo" thanh toán, Trung Nam lo xảy ra sự cố nghiêm trọng, sập hệ thống truyền tải điện 500 kV.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, việc đơn vị này chưa thanh toán tiền điện cho Công ty Trung Nam khi huy động nguồn điện mặt trời tại dự án ở Ninh Thuận là do chưa đầy đủ các giấy phép về hoạt động điện lực.

Công ty TNHH điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà mới đây đã có chỉ đạo Bộ Công Thương xử lý các vấn đề liên quan đến đơn cầu cứu khẩn cấp của Công ty TNHH điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam.

Theo đó, Nhà máy điện mặt trời tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận kết hợp với đầu tư Trạm biến áp 500 kV Thuận Nam và các đường dây 500 kV, 220 kV (gọi tắt là Dự án 450 MW) của Trungnam Group là dự án đầu tiên do doanh nghiệp tư nhân đầu tư, xây dựng tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng.

Dự án đã đóng vai trò quan trọng trong việc giải toả công suất các nhà máy điện gió, điện mặt trời khu vực Ninh Thuận - Bình Thuận thông qua TBA 500 KV Thuận Nam và đường dây 500 KV Thuận Nam - Vĩnh Tân với tổng quy mô công suất 1.800 MW.

EVN nói gì về việc Trung Nam kêu cứu tại dự án điện mặt trời ở Ninh Thuận?

Trong đơn kêu cứu khẩn cấp, Công ty TNHH điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam bày tỏ sự lo ngại nguy cơ xảy ra sự cố và gián đoạn vận hành hệ thống truyền tải 500kV Thuận Nam do đơn vị tự đầu tư cùng dự điện mặt trời Trung Nam (450 MW) gần 4 năm qua.

Bên cạnh việc truyền tải nguồn điện từ dự án điện mặt trời Trung Nam, dự án đường dây 500kV Thuận Nam còn có nhiệm vụ giải tỏa công suất cho toàn bộ các dự án năng lượng khác trong khu vực, bao gồm nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1, công suất 1.432MW.

Trong khi đó, việc thiếu hụt doanh thu kéo dài khiến chủ đầu tư không thể đảm bảo nguồn kinh phí để vận hành, bao gồm chi phí đầu tư, bảo dưỡng… Thậm chí, doanh thu không đủ chi trả tiền lương cho cán bộ nhân viên, người lao động.

Nói về nguyên nhân thiếu hụt doanh thu, đơn kêu cứu của Trung Nam nêu rõ, là do đến nay vẫn chưa được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thanh toán đối với phần sản lượng đã ghi nhận.

Cụ thể, phần công suất 172/450MW của nhà máy này đã phát điện lên lưới từ ngày 1/10/2020 đến ngày 31/8/2022, EVN ghi nhận sản lượng khoảng hơn 687 triệu kWh (tương đương 813,6 tỉ đồng được tạm xác định theo khung giá điện của các nhà máy điện mặt trời chuyển tiếp).

Mặc dù Trung Nam đã nhiều lần đề nghị tạm thanh toán (đơn giá bằng 40% mức giá khung), thế nhưng EVN vẫn chưa có động thái xem xét giải quyết.

Bên cạnh đó, dự án điện mặt trời được xây dựng và triển khai trên địa bàn các xã Phước Minh, Nhị Hà và Phước Ninh (huyện Thuận Nam); nhưng giấy phép hoạt động điện lực cấp cho nhà máy chỉ ghi tại xã Phước Minh. Chính vì thế, từ tháng 10/2023 cho đến nay, EVN chỉ thanh toán một phần doanh thu phát điện tại địa bàn xã Phước Minh. Theo tính toán, tổng giá trị chưa thanh toán là hơn 274 tỷ đồng.

Việc thiếu doanh thu vận hành có nguy cơ xảy ra những sự cố nghiêm trọng đối với trạm biến áp 500kV Thuận Nam, gây thiệt hại đến hệ thống truyền tải điện quốc gia, chủ đầu tư dự án này kiến nghị Chính phủ hỗ trợ gỡ khó.

Sau khi nhận được đơn kêu cứu của Trung Nam, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã yêu cầu Bộ Công Thương xem xét, xử lý kiến nghị của Trung Nam và báo cáo kết quả cho Thủ tướng trước ngày 5/5.

Đồng thời, Phó thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Công Thương tăng cường kiểm tra, giám sát vận hành hệ thống điện quốc gia, kịp thời chỉ đạo xử lý các vấn đề phát sinh; tuyệt đối không để xảy ra sự cố hệ thống lưới điện truyền tải quốc gia do các nguyên nhân chủ quan làm ảnh hưởng đến việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

EVN nói gì?

Phản hồi về thông tin trên của Trung Nam, đại diện EVN cho biết, trong thời gian qua, EVN đã nỗ lực huy động cơ bản công suất của nhà máy điện mặt trời lên lưới và đã thanh toán phần sản lượng, công suất theo giấy phép của Trung Nam và đúng quy định, hướng dẫn của cơ quan chức năng.

Đồng thời ghi nhận sản lượng của phần công suất thừa theo quy định cho đến khi có quy định cụ thể.

"Đối với phần sản lượng, công suất đủ quy định của pháp lý, EVN đã thanh toán đầy đủ. Phần sản lượng/công suất chuyển tiếp, EVN cũng đang thanh toán theo đúng khung giá tạm đối với các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp do Bộ Công Thương phê duyệt", đại diện EVN khẳng định.

Đối với trạm biến áp và đường dây 500kV, đến thời điểm hiện tại, vẫn thuộc quyền sở hữu tài sản của Trung Nam. Trước đây, Trung Nam đã có đề xuất bàn giao 0 đồng cho EVN song vẫn còn vướng mắc về thủ tục pháp lý và đang trong quá trình triển khai theo hướng dẫn.

Trạm biến áp 500 kV, đến nay chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt nghiệm thu công trình. Còn về việc tiếp nhận, Chính phủ đã ban hành Nghị định 02 về việc chuyển giao công trình điện là tài sản công sang EVN, các bộ, ngành liên quan đang triển khai. Được biết trong tháng 4.2024, Bộ Công Thương đã thành lập Tổ công tác liên ngành nhằm thực hiện các quy định liên quan đến việc bàn giao.

EVN cũng đang tích cực phối hợp với cơ quan chức năng nhằm tháo gỡ những khó khăn của Trung Nam.

Do đó, khi dự án chưa đầy đủ về mặt pháp lý, chưa được cấp giấy phép hoạt động điện lực thì EVN chỉ ghi nhận sản lượng mà không thể thanh toán là đúng. Vì EVN là doanh nghiệp nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật nên không thể tự mình quyết định.

Đối với việc truyền tải điện cho các nhà máy điện khác trong khu vực, Trung Nam có quyền thu phí truyền tải của đối tác để thực hiện bảo trì, bảo dưỡng. Khi tài sản thuộc Trung Nam quản lý vận hành thì đơn vị phải chịu trách nhiệm, EVN không thể can thiệp. Do đó, Trung Nam cần phải hoàn thiện các phần việc của mình theo đúng quy định của pháp luật trước khi "kêu cứu" Thủ tướng.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Yêu thích
2 Bình luận 26 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại