EVN hợp tác mua điện của Tập đoàn Phong-Sub-Thạ-Vy, Lào
Việt Nam và Lào hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, ký kết các hợp đồng mua bán điện, đánh dấu bước tiến đáng kể trong quan hệ hữu nghị giữa hai nước.
Từ ngày 28 - 29.6.2021, dự kiến trong khuôn khổ chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Lào Thongloun Sisoulith sẽ có một loạt các hợp tác ký kết giữa Tập đoàn điện lực Việt Nam và các chủ đầu tư nhà máy thủy điện tại Lào, gồm nhà máy thuỷ điện (NMTĐ) Nam Neun 1 (124MW), NMTĐ Nam Mo 2 (120MW), cụm NMTĐ Nam Yeuang (84MW), NMTĐ Nam Tai (21MW) và Nam Sak (18MW).
Nhà máy Thủy điện Nậm Mô 2, Xieng Khoang, Lào, có tổng công suất 120MW dự kiến chính thức vận hành vào cuối năm 2022
Việt Nam sẽ nhập khẩu điện từ Lào với công suất từ 3.000 - 5.000 MW giai đoạn 2020 - 2030
Mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào đang ngày càng phát triển đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, trong lĩnh vực hợp tác năng lượng giữa Việt Nam với Lào, lãnh đạo hai nước đã thực hiện ký kết một số thỏa thuận gồm: Biên bản ghi nhớ giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHDCND Lào năm 2016 về Hợp tác đầu tư các dự án thủy điện tại Lào, liên kết lưới điện và nhập khẩu điện từ Lào; Hiệp định giữa Chính phủ Nước CHDCND Lào và Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam năm 2019 về Hợp tác Phát triển các công trình năng lượng điện và mỏ. Theo đó, Việt Nam sẽ nhập khẩu điện từ Lào với công suất từ 3.000 - 5.000 MW trong giai đoạn 2020-2030 để góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Với nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển các dự án thủy điện và chiến lược trở thành tấm pin của Đông Nam Á, Chính phủ Lào đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia, đầu tư phát triển các dự án thủy điện theo hình thức BOT. Đến nay đã có nhiều nhà máy thủy điện tại Lào xuất khẩu điện năng sang Việt Nam do các chủ đầu tư Việt Nam và Lào đầu tư, có thể kể đến một số dự án như: Thủy điện Xekaman 1 (290 MW) và Xekaman SanXay (36 MW) do Công ty Điện Việt - Lào là chủ đầu tư; Cụm thủy điện Nậm Săm (265 MW) và Cụm thủy điện Nậm Mô (505 MW) do Tập đoàn Phong-sub-thạ-vy là chủ đầu tư.
Hiện tại, Việt Nam đã khai thác gần như tối đa nguồn tài nguyên thủy điện trong nước nên việc nhập khẩu điện từ các nhà máy thủy điện tại Lào có nhiều lợi ích cho Việt Nam, cụ thể các nhà thủy điện tại Lào có hồ chứa lớn, có khả năng điều tiết năm, sẽ tăng cường khả năng điều tiết trong hệ thống điện Việt Nam cân bằng với tỷ lệ điện gió, mặt trời ngày càng lớn - là loại hình phụ thuộc hoàn toàn vào yếu tố thời tiết, không có độ ổn định. Đồng thời đây cũng là nguồn năng lượng có giá thành thấp nhất trong các nguồn năng lượng (than, khí, gió, mặt trời) góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo an ninh năng lượng của Việt Nam.
Chủ tịch Tập đoàn Phongsubthavy của Lào, ông Phongsavath Senaphuan (trái) đang trao tượng trưng tấm biển số tiền và vật tư y tế trị giá 1 triệu USD cho Đại sứ Nguyễn Bá Hùng để ủng hộ Quỹ phòng chống Covid-19 của Việt Nam
Tập đoàn Phong-Sub-Thạ-Yy, Lào đã ủng hộ 1 triệu USD cho quỹ phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam
EVN hiện là tập đoàn lớn nhất của Việt Nam trong mua bán điện và chịu trách nhiệm chính về cung cấp điện và có nhiều hơp tác với các đối tác Lào để mua điện. Trong khi, Tập đoàn Phong-Sub-Thạ-Vy là một trong những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất của Lào đầu tư trong lĩnh vực năng lượng, với danh mục dự án lên đến 2.000MW. Phong-Sub-Thạ-Vy hiện đang sở hữu 24% cổ phần và là một trong những cổ đông lớn của Công ty sản xuất điện lực Lào (EDL-Generation) - doanh nghiệp thuộc sở hữu của Điện lực nhà nước Lào (EDL). Hiện tại tập đoàn đang xây dựng đường dây truyền tải 220kV Nậm Săm - Nông Cống (Thanh Hóa) và 220kV Nậm Mô - Tương Dương (Nghệ An) để cung cấp điện năng cho Việt Nam, bổ sung kịp thời cho nhu cầu điện của miền Bắc ngay trong năm 2022. Vừa qua, tập đoàn này đã ủng hộ 1 triệu USD cho Quỹ phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận