EVN cần có giải pháp khắc phục nhanh nhất những khó khăn về cung ứng điện
Đề nghị Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, EVN, PVN, TKV... với nhiệm vụ chức trách được giao trong lĩnh vực năng lượng nói chung và cung ứng điện nói riêng có trách nhiệm triển khai các giải pháp được giao đạt hiệu quả, khắc phục nhanh nhất các khó khăn về cung ứng điện hiện nay.
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo số 219/TB-VPCP về Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về tình hình cung ứng điện hiện nay và các giải pháp, chính sách để huy động năng lượng mặt trời áp mái từ nhà dân, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, trường học, đặc biệt tại khu vực miền Bắc.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương và EVN cho thấy tình hình cung ứng điện ở miền Bắc hiện nay vẫn còn đang rất khó khăn và chưa được cải thiện nhiều. Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ đã có các chỉ đạo đến các bộ, ngành, cơ quan, địa phương trong cả nước về thực hiện các giải pháp để ứng phó với khó khăn về cung ứng điện, đặc biệt là nội dung tăng cường tiết kiệm điện không chỉ trong thời điểm hiện nay, mà còn thực hiện dài hạn trong thời gian tới.
Các bộ, ngành, cơ quan có liên quan và các địa phương trong cả nước phối hợp, hỗ trợ các cơ quan chức năng trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm khắc phục khó khăn để đảm bảo cung ứng điện. Trong điều kiện khó khăn nhất phải điều tiết cắt giảm điện, EVN phải tổ chức thực hiện theo đúng quy định và có giải pháp giảm thiểu tác động đến hoạt động sản xuất, đời sống của nhân dân.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 8/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiết theo có đặt ra yêu cầu phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu. Triển khai thực hiện nhanh nội dung này, nhất là ở miền Bắc sẽ góp phần quan trọng vào hỗ trợ giải quyết các khó khăn về cung ứng điện hiện nay.
Để triển khai các mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo ở nước ta trong giai đoạn tới, trên cơ sở chủ trương của Đảng, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Năng lượng tái tạo, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8/2023. Trong giai đoạn chưa có Luật Năng lượng tái tạo, cần nghiên cứu các cơ chế năng động, sáng tạo, phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan và thực tiễn để tiếp tục thực hiện thí điểm về điện mặt trời áp mái từ nhà dân, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, trường học, đặc biệt tại khu vực miền Bắc, tất cả vì lợi ích chung của đất nước, của nhân dân.
Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương tiếp thu các ý kiến xác đáng tại cuộc họp, chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, EVN và các bộ, ngành, cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, huy động nguồn lực điện mặt trời áp mái phục vụ cho hoạt động dân sinh và các cơ quan công sở, trong đó, kế thừa các nội dung phù hợp, điều chỉnh quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về quy mô, phạm vi, công suất trong các quy định trước đây cũng như bổ sung các cơ chế kiểm tra, giám sát để phòng ngừa các hành vi trục lợi, tiêu cực; đồng thời, làm rõ và đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của các Bộ: Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Công an... trong tổ chức thực hiện.
Bộ Công Thương tập trung, khẩn trương thực hiện ngay nhiệm vụ tại mục 4 nêu trên theo Quy chế làm việc của Chính phủ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/6/2023.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận