EVN báo cáo gì về trách nhiệm lãnh đạo để thiếu điện?
EVN và Uỷ ban Quản lý vốn đã tổ chức nhiều hội nghị kiểm điểm xem xét trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân có liên quan đến việc thiếu điện mà Thanh tra Bộ Công Thương đã kết luận và Tập đoàn đang chờ ý kiến của Uỷ ban Quản lý vốn.
Tổ chức nhiều hội nghị kiểm điểm
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa gửi Bộ Công Thương kết quả thực hiện Kết luận thanh tra số 4463/KL-BCT ngày 10/7 của Bộ Công Thương.
Tại báo cáo gửi Bộ Công Thương, EVN cho biết: Căn cứ thẩm quyền và phân cấp quản lý cán bộ, HĐTV EVN và Tổng giám đốc EVN đã tổ chức các hội nghị kiểm điểm xem xét trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân có liên quan đến các tồn tại, khuyết điểm, vi phạm được nêu tại kết luận thanh tra.
Đó là hội nghị kiểm điểm, xem xét trách nhiệm các tập thể, cá nhân liên quan do Tổng giám đốc EVN chủ trì tổ chức; hội nghị kiểm điểm, xem xét trách nhiệm các tập thể, cá nhân do Hội đồng thành viên (HĐTV) EVN chủ trì tổ chức.
Kết luận thanh tra số 4463 đã chỉ ra một số tồn tại, khuyết điểm, vi phạm trong quá trình quản lý và điều hành cung cấp điện của EVN và các đơn vị thành viên có liên quan đến cung cấp điện.
Ngoài ra, sáng các ngày 25/8 và 28/8, ông Nguyễn Cảnh Toàn, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và ông Đặng Hoàng An, Chủ tịch HĐTV EVN, đã đồng chủ trì hội nghị kiểm điểm, xem xét trách nhiệm đối với tập thể HĐTV EVN và các cá nhân là nguyên Chủ tịch HĐTV EVN, nguyên Thành viên HĐTV EVN, Thành viên HĐTV EVN đương nhiệm.
Ngày 30/8, EVN đã có báo cáo gửi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về việc báo cáo kết quả kiểm điểm, xem xét trách nhiệm đối với các tập thể và cá nhân có liên quan đến các tồn tại, khuyết điểm, vi phạm được nêu tại Kết luận thanh tra.
Hiện EVN đang chờ ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước.
Vận hành thủy điện nhằm giảm chi phí cho EVN
Tại báo cáo, EVN cũng giải trình về công tác chỉ đạo, điều hành điều tiết các hồ chứa thủy điện, khi kết luận thanh tra cho rằng việc định hướng hạ mực nước cho cuối năm 2022 làm mực nước các hồ giảm so với mực nước trong kế hoạch vận hành hệ thống điện được duyệt, gây ảnh hưởng đến việc điều tiết chuẩn bị nước cho phát điện mùa khô năm 2023. Việc này là không tuân thủ kế hoạch đã được Bộ Công Thương phê duyệt tại quyết định số 3063/QĐ-BCT ngày 31/12/2021.
Theo giải trình của EVN, tháng 6/2022, tập đoàn này đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ “Do tình hình thủy văn thuận lợi, trên cả 3 miền lưu lượng nước về tốt hơn trung bình nhiều năm, dự báo cả năm 2022, EVN huy động tối ưu hệ thống điện, sản lượng thủy điện phát dự kiến đạt kỷ lục (96,4 tỷ kWh), cao hơn 14 tỷ kWh so với kế hoạch năm được Bộ Công Thương phê duyệt” và “thực hiện huy động tối ưu nguồn điện (tăng thủy điện, giảm các nguồn có giá thành cao như than nhập) để giảm chi phí giá thành hệ thống.
EVN khẳng định đã căn cứ tình hình thủy văn các miền để có điều chỉnh hợp lý nhằm tích tối đa có thể các hồ chứa khu vực miền Bắc.
“Đây là giải pháp góp phần giảm khó khăn tài chính của EVN trong giai đoạn chi phí nhiên liệu đầu vào cho sản xuất điện (than, dầu, khí) tăng cao, giá bán lẻ điện bình quân chưa được điều chỉnh một thời gian dài từ lần điều chỉnh gần nhất là ngày 20/3/2019”, EVN nêu quan điểm
EVN khẳng định đã căn cứ tình hình thủy văn các miền để có điều chỉnh hợp lý nhằm tích tối đa có thể các hồ chứa khu vực miền Bắc. Việc sản lượng thủy điện huy động thực tế tại các miền sai khác so với Kế hoạch đã phê duyệt tại Quyết định số 3063/QĐ-BCT, đặc biệt ở khu vực miền Bắc nhằm đảm bảo cung ứng điện cho miền Bắc năm 2023.
Theo EVN, các định hướng, chỉ đạo của Hội đồng thành viên EVN trong việc huy động thủy điện nửa cuối năm 2022 không gây ảnh hưởng đến việc đảm bảo an ninh cung cấp điện trong các tháng mùa khô năm 2023 cho hệ thống điện, đặc biệt là hệ thống điện miền Bắc, do việc khai thác thực tế các hồ thủy điện phía Bắc thấp hơn kế hoạch của Bộ Công Thương là 5,18 tỷ kWh. EVN đề nghị Bộ Công Thương chấp nhận nội dung giải trình này.
Nghị quyết 129 không gây thiếu than cho điện
EVN cũng giải trình với Bộ Công Thương về ảnh hưởng của Nghị quyết số 129 đến việc đảm bảo nhiên liệu than cho sản xuất điện.
Theo kết luận của thanh tra Bộ, Nghị quyết số 129/NQ-HĐTV của Hội đồng thành viên EVN và các văn bản chỉ đạo của EVN về công tác chuẩn bị than cho phát là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng thiếu than cục bộ cho sản xuất điện các năm 2022-2023
Theo EVN, thực tế các năm 2019, 2020, 2021 và 2022, khối lượng than phục vụ sản xuất điện theo nhu cầu huy động sản lượng từ các nhà máy nhiệt điện đều được đáp ứng đầy đủ. Quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 129 của Hội đồng thành viên EVN không làm cho các đơn vị phát điện phát sinh thêm các khó khăn vướng mắc liên quan đến mua than nhập khẩu phục vụ sản xuất điện, đồng thời góp phần quản lý hiệu quả chi phí nhiên liệu đầu vào, giảm áp lực tăng giá bán lẻ điện bình quân các năm từ 2019-2021.
“Nghị quyết số 129 không phải là nguyên nhân gây cản trở việc mua than, đảm bảo nhiên liệu cho phát điện”, EVN khẳng định.
Các điều khoản về giá than trong Nghị quyết số 129 có hiệu lực cho việc cấp than trong năm 2019 nhưng trong giai đoạn sau, ban tổng giám đốc tiếp tục áp dụng điều khoản này. Mục đích là để kiểm soát chi phí và HĐTV cũng không phản đối, HĐTV EVN nhận thức việc áp dụng các quy định này vẫn là công cụ hiệu quả để quản lý, giám sát chi phí mua nhiên liệu của các đơn vị phát điện do EVN quản lý.
Tuy nhiên, HĐTV EVN cũng đã có các nghị quyết điều chỉnh nguyên tắc, thời gian áp dụng trần giá than trong từng giai đoạn, vừa đáp ứng yêu cầu kiểm soát chi phí, vừa tạo điều kiện cho các đơn vị mua đủ than cho sản xuất điện.
EVN đề nghị Bộ Công Thương chấp nhận nội dung giải trình như trên về Nghị quyết số 129.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận