EVIPA: Băn khoăn về việc công nhận và cho thi hành phán quyết?
Khi được ban hành, Nghị quyết về công nhận, cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định EVIPA sẽ tạo khung pháp lý đầy đủ cho hoạt động bảo hộ đầu tư.
Hôm qua, (17/6/2020),Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA)
Đối với Nhà nước, việc ban hành Nghị quyết không tạo ra một cơ chế mới để nhà đầu tư kiện nhà nước Việt Nam, không tăng rủi ro thua kiện của Việt Nam.
Tránh mở rộng cam kết
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, pháp luật Việt Nam đã quy định đầy đủ, cụ thể về cơ chế công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài, nhưng chưa có quy định về thủ tục công nhận và cho thi hành phán quyết theo quy định của Hiệp định EVIPA.
Do vậy, việc trình Quốc hội ban hành văn bản để hướng dẫn áp dụng Điều 3.57 của Hiệp định (mỗi Bên sẽ công nhận phán quyết chung thẩm của Cơ quan giải quyết tranh chấp (Phán quyết EVIPA) và cho thi hành các nghĩa vụ tài chínhtheo Phán quyết đó trên lãnh thổ của mình) là phù hợp với Luật Điều ước quốc tế năm 2016 và cần thiết cho việc thi hành kịp thời Hiệp định ngay sau khi có hiệu lực, đồng thời bảo đảm tính khả thi, thống nhất và ổn định của hệ thống pháp luật”.
“Nghị quyết này bảo đảm tối đa lợi ích của Việt Nam, tránh mở rộng cam kết cho các đối tượng không thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định; bảo đảm tính khả thi, ổn định và thống nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam về công nhận và cho thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Theo quy định tại Điều 3.57 của Hiệp định, Việt Nam chỉ phải thi hành các nghĩa vụ về tài chính theo các phán quyết chung thẩm của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư. Nội dung nghĩa vụ tài chính phải thi hành đã được quy định rõ tại Điều 3.53 của Hiệp định, gồm thiệt hại về tiền và lãi suất áp dụng; chuyển giao tài sản và được bồi thường thiệt hại bằng tiền, lãi suất áp dụng thay cho việc chuyển giao tài sản.
Toàn bộ nội dung nêu trên đều là các nghĩa vụ tài chính mà không bao gồm các nghĩa vụ khác. Do vậy, để phù hợp với quy định tại các Điều 3.53 và 3.57 của Hiệp định, đồng thời bảo đảm không mở rộng nghĩa vụ của Việt Nam đối với những vấn đề khác thì Nghị quyết này chỉ quy định việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam đối với Phán quyết chung thẩm về nghĩa vụ tài chính do cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư ban hành theo quy định tại Mục B, Chương 3 của Hiệp định.
“Như vậy, Nghị quyết chỉ quy định việc áp dụng pháp luật, thủ tục tương tự để cơ quan có thẩm quyền ra quyết định công nhận và cho thi hành Phán quyết mà không đặt ra một cơ chế mới để thi hành Phán quyết này”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng giải thích.
Đánh giá tác động của việc ban hành Nghị quyết, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đối với các bên tranh chấp, các quy định của Nghị quyết này góp phần thực hiện các quyền của các bên tranh chấp một cách đơn giản, nhanh chóng, hiệu quả, tiết kiệm chi phí. Đối với Nhà nước, việc ban hành Nghị quyết không tạo ra một cơ chế mới để nhà đầu tư kiện nhà nước Việt Nam, không tăng rủi ro thua kiện của Việt Nam.
Nhưng còn băn khoăn cơ chế giải quyết tranh chấp thông qua tòa án nước ngoài
ĐB Lê Anh Tuấn (Hà Tĩnh) đặt câu hỏi, dự thảo quy định, quyết định của Tòa án Việt Nam về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định sẽ không bị kháng cáo, kháng nghị liệu có vi phạm về thủ tục tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự Việt Nam hay không?
“Không thể tước đi quyền kháng nghị của Viện Kiểm sát cùng cấp và Viện Kiểm sát cấp trên trong trường hợp Tòa án Việt Nam không công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định EVIPA”, ĐB Lê Anh Tuấn nêu quan điểm.
Băn khoăn về việc công nhận và cho thi hành phán quyết, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) cho biết, phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định EVIPA về bản chất không phải phán quyết của trọng tài nước ngoài, mà chỉ là phán quyết của cơ quan thường trực trọng tài nước ngoài.
ĐB Trương Trọng Nghĩa đề nghị Tòa án Nhân dân Tối cao phối hợp với các cơ quan hữu quan, các chuyên gia trong và ngoài ngành tòa án để tổng kết việc thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài theo Công ước New York, từ đó chỉnh lý dự thảo Nghị quyết này, đảm bảo quyền lợi chính đáng của các bên.
“Dù Nghị viện châu Âu đã phê chuẩn, nhưng mới chỉ có 2 nước thành viên phê chuẩn, còn tới hơn 20 nước chưa phê chuẩn, họ sẽ nhìn chúng ta vào cách chúng ta xử lý vấn đề để quyết định”, ĐB Trương Trọng Nghĩa lưu ý.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận