EVFTA và cơ hội cho ngành gỗ Việt
Khi trao đổi với DĐDN, ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng, EVFTA sẽ mang lại cơ hội rất tốt để ngành gỗ Việt Nam phát triển.
- EVFTA sẽ mang đến những cơ hội nào cho ngành gỗ Việt Nam, thưa ông?
Chúng tôi kỳ vọng rằng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam sẽ tăng lên ít nhất 15-20% so với khi Việt Nam chưa tham gia ký kết EVFTA.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp gỗ Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi từ nguồn hàng hóa, nguyên liệu nhập khẩu từ EU. Đặc biệt, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội được tiếp cận với nguồn máy móc, thiết bị, công nghiệp/kỹ thuật cao để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm của mình.
Về mặt nhập khẩu, EU là một trong những thị trường chính cung cấp nguồn gỗ nguyên liệu cho Việt Nam. Gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ EU được đánh giá có mức độ rủi ro rất thấp. Các mặt hàng gỗ nhập khẩu chính của Việt Nam từ EU bao gồm: gỗ xẻ, gỗ tròn, veneer. Đồng thời, EU cũng là nguồn cung gỗ hợp pháp lớn thứ hai cho Việt Nam sau thị trường Mỹ.
Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp gỗ Việt Nam nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh của mình, áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm.
Toàn cảnh Hội thảo ”Nhận diện cơ hội kinh doanh- đầu tư trong bối cảnh EVFTA sớm được thông qua” do VCCI tổ chức mới đây tại Hà Nội
- Nhưng bên cạnh đó, EVFTA cũng tạo ra nhiều thách thức đối với các doanh nghiệp gỗ Việt Nam, thưa ông?
Thách thức trước tiên và cũng là thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp gỗ Việt Nam chính là nguồn gốc gỗ nguyên liệu. Theo đó, EVFTA yêu cầu nguyên liệu gỗ của Việt Nam là gỗ có nguồn gốc hợp pháp. Thật ra, EVFTA cho phép doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu từ các nước trong EVFTA nhưng để chủ động được nguồn nguyên liệu thì nội tại trong nước phải có. Bởi vậy, trong nước phải xây dựng những cánh rừng, có giấy phép xuất khẩu gỗ hợp pháp.
Đó là chưa kể đến việc các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ trong thời gian tới sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt về nguồn nguyên liệu, nhất là từ thị trường Trung Quốc.
Thách thức tiếp theo xuất phát từ chính doanh nghiệp Việt Nam, bởi nội lực của doanh nghiệp Việt Nam ở thời điểm hiện tại là tương đối thấp. Nhưng việc nâng cao năng lực của doanh nghiệp lại không phải là vấn đề có thể thực hiện được trong một sớm, một chiều.
Ngoài ra còn là thách thức về lao động đối với ngành gỗ. Hiện nay, chúng ta có rất nhiều các trường cao đẳng, đại học đào tạo các ngành nghề khác nhau nhưng cho tới thời điểm hiện tại vẫn chưa có bất kỳ một trường nào đào tạo nhân lực cho ngành gỗ.
- Từ góc độ Hiệp hội, ông có khuyến nghị gì cho doanh nghiệp có thể tận dụng được các lợi thế mà EVFTA mang lại?
Để tận dụng tốt cơ hội từ EVFTA, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan quan tâm và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp gỗ Việt Nam tập trung nguồn lực để đổi mới công nghệ, đặc biệt có kế hoạch cụ thể để triển khai khâu thiết kế sản phẩm và xây dựng thương hiệu sản phẩm gỗ Việt Nam.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành liên quan cũng sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn việc thực hiện hiệp định EVFTA trong năm 2019 để giúp cho cộng đồng doanh nghiệp có căn cứ để xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm kinh doanh phù hợp trong thời gian tới.
Đồng thời, ở phía doanh nghiệp cũng phải chủ động trong tìm hiểu thông tin về các thị trường mới, các ngành hàng mà doanh nghiệp mình muốn xuất khẩu.
Có thể nói EVFTA như là một cơ hội quan trọng để nâng cao thương hiệu cho đồ gỗ Việt Nam, giúp các doanh nghiệp gỗ Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu. Nhờ vậy, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sẽ tăng không chỉ ở các quốc gia trong EU, mà còn ở các quốc gia khác. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam sẽ được tiếp cận công nghệ tiên tiến của EU thay thế cho những công nghệ cũ, lạc hậu hiện nay.
- Xin cảm ơn ông!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận