EVFTA: Rộng cửa cho hàng hóa xuất khẩu
Đến thời điểm này, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được đánh giá là một trong những hiệp định thương mại tự do được doanh nghiệp tận dụng tương đối tốt để tăng cường xuất khẩu hàng hóa.
Tận dụng tốt cơ hội thị trường
Theo Bộ Công Thương, trong 5 tháng đầu tiên thực hiện Hiệp định EVFTA (từ đầu tháng 8 đến hết tháng 12 năm 2020), kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU-27 đạt 15,62 tỷ USD, tăng 3,8% so cùng kỳ năm 2019. Giá trị xuất khẩu bình quân tháng đạt khoảng 3,12 tỷ USD/tháng.
Kết quả tăng trưởng này tuy còn thấp hơn tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước nhưng là tích cực khi so sánh với xuất khẩu sang EU trong 7 tháng đầu năm. Bởi tính chung 7 tháng này, xuất khẩu của nước ta sang thị trường EU đạt 19,52 tỷ USD, giảm 5,9% so với cùng kỳ và giá trị xuất khẩu bình quân tháng chỉ đạt khoảng 2,79 tỷ USD/tháng.
Đến đầu năm 2021, XK của Việt Nam sang EU 2 tháng đầu năm nay đạt con số 6,3 tỷ USD, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm trước. Bộ Công Thương nhận định, DN Việt Nam đã nhanh chóng tiếp cận và tận dụng tốt cơ hội từ EVFTA, khiến xuất siêu trong 2 tháng đầu năm với thị trường EU là 4 tỷ USD, tăng 36,3% so với cùng kỳ năm trước.
Những mặt hàng có tăng trưởng xuất khẩu sang EU cao nhất trong 5 tháng đầu EVFTA có hiệu lực là chất dẻo nguyên liệu; sản phẩm từ cao su; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; sắt thép; hóa chất… Xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản cũng ghi nhận tăng trưởng tích cực, trong đó tiêu biểu là thủy sản, rau quả, gạo.
Hiện nay, tình hình thị trường thế giới cũng có nhiều tín hiệu tích cực khi các quốc gia lớn như khu vực EU và Hoa Kỳ đã triển khai tiêm vacxin. Tại Việt Nam, dù trong tháng 1 có sự lo ngại sự bùng phát dịch bệnh trở lại tuy nhiên hiện nay tình hình đã được kiểm soát. Bởi vậy, trong thời gian tới, hoạt động thương mại có nhiều điều kiện thuận lợi để tăng trưởng tích cực.
Trong thời gian tới, các Hiệp định thương mại thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKFTA được cho là sẽ tiếp tục tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với mức thuế quan ưu đãi hơn cùng với những cam kết về tạo thuận lợi giảm thiểu các rào cản. Ngoài CPTPP đã được đưa vào thực thi từ năm 2019, các Hiệp định EVFTA mới được đưa vào thực thi và UKFTA mới được ký kết trong thời gian qua sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam trong giai đoạn tới đặc biệt khi đã có những tín hiệu tích cực của việc triển khai tiêm vacxin ở các thị trường thành viên cũng như các doanh nghiệp đã trải qua giai đoạn thích nghi để có thể tận dụng hiệu quả các ưu đãi mang lại của Hiệp định.
Tiếp tục truyền thông mạnh về thị trường cho doanh nghiệp
Theo Bộ Công Thương, ngoài những tín hiệu tích cực, thách thức đối với cộng đồng doanh nghiệp khi tiếp cận, tận dụng EVFTA là các cam kết thuế quan của EVFTA được xây dựng dựa trên lộ trình. Vì vậy, trong dài hạn, mức thuế quan nhập khẩu đối với hàng hóa của Việt Nam vào thị trường EU sẽ ngày càng ưu đãi hơn chứ chưa thể có một cú sốc giảm thuế hay tăng trưởng vượt bậc về kim ngạch. Ngoài ra, để hiểu đúng, đầy đủ và thực thi có hiệu quả quy tắc xuất xứ trong EVFTA, cộng đồng doanh nghiệp cũng cần thời gian để thích nghi, chuyển đổi quá trình sản xuất đặc biệt trong vấn đề nguồn cung cấp nguyên vật liệu
Ngoài ra, rào cản kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu từ phía EU rất chặt chẽ. Điển hình như với nông sản, dù EVFTA có ưu đãi với những quy định SPS linh hoạt nhưng đa số ngành hàng nông sản của nước ta như chè, rau quả... vẫn vấp phải những hạn chế do thiếu tính đồng nhất trong từng lô hàng, công tác thu hoạch bảo quản chưa tốt nên chất lượng còn hạn chế.
Ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam chia sẻ thêm, EU là thị trường có quy định khắt khe bậc nhất thế giới, đặc biệt là về quy tắc xuất xứ, vì vậy, muốn khai thác, tận dụng hiệp định hiệu quả, không thể vội vàng mà buộc DN phải nghiên cứu kỹ thị trường, chuẩn bị cặn kẽ các nguồn lực, sản xuất các hàng hóa chất lượng. Mặt khác, dưới tác động của dịch Covid-19, EU đang có thêm những quy định rất khắt khe đối với hàng hóa nhập khẩu.
Để giải bài toán quy tắc xuất xứ, trong tình hình khó khăn chung cũng như tiềm lực của DN còn hạn chế, Chính phủ, Bộ, ngành cần có những chính sách, cơ chế mang tính đột phá, tạo môi trường để khích lệ tinh thần khởi nghiệp, kinh doanh sáng tạo, nhất là tập trung hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ. Bởi thị trường EU có những tiêu chuẩn rất khắt khe đối với nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, buộc DN XK phải tuân theo.
Muốn phát triển công nghiệp hỗ trợ, phải thay đổi quan điểm về lợi thế trước đây như nhân công rẻ mà phải dựa vào những chuẩn mới, đáp ứng được đòi hỏi của xu thế phát triển của thị trường. Đó là thúc đẩy đổi mới sáng tạo dựa vào khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên, cộng đồng DN Việt Nam đang còn hạn chế, yếu kém trong nghiên cứu khoa học để có những sáng kiến kinh doanh, phát triển sản phẩm. “Vì vậy, để tháo gỡ rào cản này, cần tạo điều kiện cho các DN tiếp cận các công trình nghiên cứu khoa học để áp dụng và sản xuất kinh doanh; đồng thời cũng phát huy được giá trị của các công trình nghiên cứu - một nguồn tài nguyên lớn”, ông Tô Hoài Nam kiến nghị.
Về phía cơ quan chức năng, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chương trình đào tạo, truyền thông các nội dung về xuất xứ hàng hóa, các điều kiện tiếp cận thị trường đến các doanh nghiệp. Trong đó, thực hiện đa dạng hóa hình thức đào tạo ứng dụng các hình thực đào tạo trực tuyến để có thể tiếp cận đến số lượng lớn các doanh nghiệp hơn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận