EVFTA là "cú hích" để doanh nghiệp may mặc đa dạng hóa nguồn cung
EVFTA là cú hích cần thiết thôi thúc doanh nghiệp Việt đa dạng hóa nguồn cung cũng là để tránh sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
EVFTA là cú hích cần thiết thôi thúc doanh nghiêp Việt đa dạng hóa nguồn cung, cũng là để tránh sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc vốn đang bị đình trệ do ảnh hưởng dịch bệnh.
Đại diện Bộ Công thương từng nhấn mạnh, dịch bệnh và EVFTA là thời điểm để quyết tâm tái cơ cấu ngành dệt may. Bởi hiện tại, Việt Nam là 1 trong 5 nước sản xuất hàng may mặc lớn nhất thế giới nhưng nguồn cung về vải lại thiếu.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Hóa Dệt Hà Tây cho biết, Công ty chuyên sản xuất giầy lưu hóa, giầy thể thao, ép phun với công suất tối đa đạt 120.000 đôi/tháng. Thị trường xuất khẩu chính là châu Âu, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, trong đó, 60% xuất sang thị trường Anh.
Công ty chủ yếu sản xuất giày lưu hóa nên tỷ lệ nội địa hóa trên 70% (đế giầy, vải thô, lót và một phần PU, một số phụ kiện trang trí, đinh tán). Một số vải đặc chủng (như vải dệt kẻ, vải in hoa...) thì vẫn cần nhập khẩu. Do đó, dù tỷ lệ nội địa hóa cao nhưng theo ông Nguyễn Thanh Tùng, cũng như nhiều doanh nghiệp da giày khác, Công ty đang gặp khó khăn trong vấn đề nguyên liệu.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chia sẻ, với tỷ lệ nội địa hóa cao, có những đôi giày lên đến 95% như vậy, Công ty nên tìm kiếm các thị trường nguyên liệu khác, ưu tiên khai thác thị trường trong nước, tránh để phụ thuộc vào một thị trường cụ thể. Bộ trưởng cũng giao Cục Công nghiệp, Cục Xúc tiến thương mại cùng với hệ thống thương vụ, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, kết nối và mở rộng thị trường để xúc tiến, quảng bá sản phẩm rộng rãi hơn.
Bàn về các giải pháp trong bối cảnh dịch bệnh có thể kéo dài, ông Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ, do sản xuất theo hình thức FOB, Công ty đã và đang chủ động liên hệ, tìm kiếm các nhà cung cấp trong và ngoài nước, đồng thời chủ động đàm phán với khách hàng đề nghị lùi đơn hàng, hoặc thay đổi một số loại nguyên phụ liệu.
Cũng theo đại diện Bộ Công Thương, ngay cả trong bối cảnh không có dịch bệnh, tận dụng xuất xứ vải từ Hàn Quốc là một lựa chọn, tuy nhiên, sản lượng vải từ Hàn Quốc không lớn, giá thành cũng khá cao. Để tận dụng các ưu đãi thuế quan trọng trong EVFTA về dệt may, vấn đề mấu chốt trong dài hạn là thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp dệt và công nghiệp phụ trợ dệt may tại Việt Nam.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận