menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Phú Đô

EVFTA không phải là “cây đũa thần”

Theo nhận định của giới chuyên gia, EVFTA không phải “cây đũa thần” khi các DN không chủ động tìm hiểu và nắm bắt, biến những cơ hội tiềm tàng từ hiệp định trở thành lợi ích thiết thực. 

Dẫn số liệu về xuất khẩu sang EU trong tháng đầu triển khai EVFTA, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, VCCI cho biết, trong tháng 8, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường quan trọng này đạt 3,78 tỷ USD, trong đó tỷ lệ C/O ưu đãi theo EVFTA đạt 7,4%. Lũy kế 8 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU đạt 25,92 tỷ USD. Từ đó cho thấy những lợi ích đầu tiên đã được hiện thực hóa từ EVFTA trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế vì dịch bệnh.

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, sau hai tháng triển khai, nhiều DN đã rơi vào tình trạng lúc đầu vô cùng háo hức, nhưng sau đó là “hụt hơi” và “hụt hẫng” trước hiệp định. Bởi lẽ, EVFTA là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đi kèm với các ưu đãi về thuế quan hấp dẫn cũng là những yêu cầu khắt khe ở một thị trường khó tính, đòi hỏi các DN cần có nỗ lực cao nhất. Theo bà Lan, con đường tiến tới những lợi ích thiết thực từ các FTA luôn đòi hỏi DN phải cố gắng liên tục và bền bỉ, tự nâng cao sức mạnh nội lực của mình để tăng tính cạnh tranh trên thị trường ngày càng khốc liệt.

Cũng đồng tình với quan điểm này, ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên thuộc Bộ Công thương cho rằng, EVFTA không chỉ là xuất khẩu con tôm, cân gạo mà DN Việt đang kết nối với một môi trường có hàm lượng công nghệ bài bản. “Việc cơ quan quản lý nhà nước có thể làm đó là nếu vướng mắc liên quan đến hiệp định, chúng tôi sẽ nỗ lực tối đa để giải quyết”, ông Thái chia sẻ. Nếu DN không tự mình nâng tầm của mình lên, đưa sản phẩm với nguồn gốc xuất xứ rõ ràng thì sẽ không thể bước vào cuộc chơi và hưởng lợi từ nó.

Ở góc độ của ngành chăn nuôi, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) cũng cho rằng tất cả lợi ích từ EVFTA mới chỉ dừng ở tiềm năng, nếu không có giải pháp thì sẽ không có trái ngọt cho DN như mong muốn.

Về phía DN cho biết họ còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình tìm hiểu hiệp định và lấy các giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. “Nhiều khi muốn hỏi một vấn đề về sản phẩm nhưng lại phải đi qua mấy bộ, mỗi bộ lại có câu trả lời khác nhau khiến DN gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận cơ hội của mình. Bên cạnh đó, những thủ tục hành chính cũng cần giảm bớt để tạo điều kiện cho DN có thể tăng sức cạnh tranh trên thị trường”, lãnh đạo một DN đề xuất.

Cũng đồng tình với quan điểm này, ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên cho biết, việc lập ra một đầu mối duy nhất để giải đáp thắc mắc cho DN là điều vô cùng cần thiết. Đầu mối này sẽ mang tính kết nối giữa các bộ, ngành và DN, các trung tâm, hiệp hội… để có thể cập nhật tình hình cụ thể, rõ ràng của DN, từ đó có những hỗ trợ cụ thể, đồng nhất và thiết thực hơn.

Một trong những khó khăn được DN đề cập đó là vấn đề xây dựng chuỗi cung ứng, phát triển nguồn nguyên liệu từ trong nước để hỗ trợ DN. Theo bà Nguyễn Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, câu chuyện này còn là cơ hội để DN tham gia cao và sâu hơn trong chuỗi giá trị, chính vì thế không chỉ là yêu cầu cấp bách từ phía hiệp định, mà còn là yêu cầu lâu dài đem đến lợi ích cho chính DN.

Chính vì thế, từ phía Chính phủ cũng đang có những chính sách cho ngành công nghiệp phụ trợ phát triển, về phía VCCI, bà Trang cho biết đơn vị này cũng đang tham mưu với Chính phủ, làm việc với DN để đi từng bước một xây dựng kế hoạch cho từng lĩnh vực cụ thể.

Ngoài ra VCCI cũng có kế hoạch cùng với DN để thực hiện những biện pháp trước mắt như đào tạo kỹ năng, kỹ thuật cho công nhân lao động trong ngành công nghiệp phụ trợ, cơ sở hạ tầng cũng sẽ được quan tâm...

Một số chuyên gia cũng đề nghị các bộ, ngành sẽ quan tâm hơn tới việc xây dựng, sửa đổi các quy định liên quan đến chứng nhận xuất xứ, gỡ bỏ các rào cản thủ tục liên quan để tăng lợi thế cạnh tranh của DN Việt Nam.

Bên cạnh đó, tự bản thân DN cũng cần lưu tâm đến việc cải thiện năng lực cạnh tranh, cung cấp sản phẩm dịch vụ hàng hóa, chất lượng. “Nếu DN làm được điều này cộng với những lợi thế đến EVFTA, chúng ta sẽ có thể phát triển bền vững trong tương lai”, bà Trang nhận định.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại