EVFTA: Động lực để doanh nghiệp phát triển bền vững
Bên cạnh kết quả xuất khẩu (XK) khả quan sau 2 tháng thực thi, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) còn tạo động lực để doanh nghiệp (DN) phát triển bền vững nhờ đáp ứng các đòi hỏi khắt khe của thị trường. Đây là chia sẻ của ông Tô Hoài Nam –
Đến nay, EVFTA đã được thực thi hơn 2 tháng, ông có thể cho biết đánh giá về tác động tới tình hình sản xuất - kinh doanh của DN, đặc biệt là DNNVV?
Sau hơn 2 tháng thực thi, Hiệp định EVFTA đã mang lại nhiều kết quả tích cực cho DN XK, đặc biệt là nông sản khi hàng loạt các mặt hàng như gạo, cà phê, trái cây… đã liên tiếp được XK sang thị trường EU ngay sau thời điểm hiệp định có hiệu lực. Cũng phải khẳng định, việc đàm phán để áp dụng các dòng thuế đối với từng lĩnh vực, dòng hàng trong EVFTA đều rất khoa học, phù hợp với năng lực, bối cảnh của Việt Nam. Đặc biệt là khai thác được thế mạnh của DN Việt Nam.
Việc tận dụng tốt lợi thế từ EVFTA đã giúp Việt Nam giữ được vị thế là một trong ít những quốc gia đảm bảo mức tăng trưởng về XK trong những tháng đầu năm 2020, trong bối cảnh thương mại toàn cầu đang bị xáo trộn.
EU là thị trường có những đòi hỏi khắt khe, DN Việt Nam muốn tiếp cận buộc phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe đó. Đây là thách thức, song cũng tạo nên sự phát triển bền vững cho DN trong sân chơi thương mại quốc tế.
Nhiều ý kiến cho rằng, kết quả mới chỉ là bước đầu, nhưng để “đi đường dài” thì còn rất nhiều việc phải làm, ông có thể phân tích rõ hơn về vấn đề này?
Đúng vậy. Như tôi đã đề cập, EU là thị trường có quy định khắt khe bậc nhất thế giới, vì vậy, muốn khai thác, tận dụng hiệp định hiệu quả không thể vội vàng mà buộc DN phải nghiên cứu kỹ thị trường, chuẩn bị cặn kẽ các nguồn lực, sản xuất các hàng hóa chất lượng.
Mặt khác, dưới tác động của dịch Covid-19, EU đang có thêm những quy định rất khắt khe đối với hàng hóa nhập khẩu. Tuy nhiên, nếu nhìn ở khía cạnh cơ hội thì đây cũng là điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam có thêm thời gian chuẩn bị để chinh phục thị trường EU.
Trong bối cảnh tiềm lực của nhiều DN XK còn hạn chế, Chính phủ và các bộ, ngành cần có những chính sách, cơ chế mang tính đột phá, tạo môi trường thuận lợi để khích lệ tinh thần khởi nghiệp, kinh doanh sáng tạo, nhất là tập trung hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT). Bởi thị trường EU có những tiêu chuẩn rất khắt khe đối với nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, buộc DN XK phải tuân thủ.
Muốn phát triển công nghiệp hỗ trợ, chúng ta phải thay đổi quan điểm về lợi thế trước đây như nhân công rẻ mà phải dựa vào những chuẩn mới, đáp ứng được đòi hỏi của xu thế phát triển của thị trường. Đó là thúc đẩy đổi mới sáng tạo dựa vào khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên, cộng đồng DN Việt Nam đang còn hạn chế, yếu kém trong nghiên cứu khoa học để có những sáng kiến kinh doanh, phát triển sản phẩm. Vì vậy, để tháo gỡ rào cản này, cần tạo điều kiện cho các DN tiếp cận các công trình nghiên cứu khoa học để áp dụng và sản xuất kinh doanh; đồng thời cũng phát huy được giá trị của các công trình nghiên cứu - một nguồn tài nguyên lớn.
Ngoài ra, để thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, buộc phải tăng đào tạo đội ngũ nhân lực có trình độ, tay nghề, thích ứng được với xu thế số hóa hiện nay. Một điều đáng mừng là hiện nhận thức của DN về số hóa trong sản xuất, kinh doanh cũng đang thay đổi mạnh mẽ sau Covid-19. Nếu như trước đây, cạnh tranh bán hàng online thấp thì nay tỷ lệ đối chọi này trên thị trường tăng lên nhiều lần. Trong khó khăn của đại dịch, nhiều DN, kể cả DNNVV đều tăng cường áp dụng công nghệ, triển khai các hoạt động marketing để mở rộng kinh doanh.
Một hạn chế khác của DN Việt Nam là mức độ hiểu biết thị trường chưa đầy đủ. Hiệp định EVFTA có rất nhiều quy định, nhiều cam kết; DN sẽ “bơi” trong hiệp định nếu cơ quan chức năng không có một định hướng rõ ràng cho từng dòng hàng, từng ngành sản xuất. Theo đó, để DN nắm được nội dung cam kết, quy định của hiệp định, cơ quan quản lý cần đẩy mạnh tuyên truyền về nội dung hiệp định theo hướng không quá ôm đồm, mà tập trung vào từng lĩnh vực cụ thể sao cho hiệu quả, để DN thấy được tầm quan trọng của hiệp định đối với từng lĩnh vực, ngành nghề..
Ngoài các chính sách hỗ trợ của cơ quan quản lý, DN cần lưu ý điều gì để tận dụng hiệu quả hiệp định, thưa ông?
Trước hết, để tận dụng hiệu quả hiệp định, DN phải tự tin vào khả năng để nâng cao tính cạnh tranh. Thứ hai, DN cần quan tâm đến quy tắc xuất xứ, lao động, an toàn, môi trường, văn hóa tiêu dùng của EU. Đồng thời, EU là thị trường lớn, sẽ mang lại những lợi thế cho hàng hóa Việt Nam. Tuy nhiên, EU cũng có chính sách bảo hộ bằng các hàng rào kỹ thuật khắt khe, đòi hỏi DN phải lưu ý nếu không sẽ khó khăn khi tiếp cận thị trường.
Xin cảm ơn ông!Hiệp định EVFTA với những cam kết mạnh mẽ nhất của cả hai phía EU và Việt Nam về mở cửa thị trường và về các cải cách về thủ tục, thể chế chính sách… Đây là một cơ hội rất lớn cho các DN Việt Nam khi phát triển thị trường xuất khẩu sang EU.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận