menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Cao Bích Ngọc

EVFTA: Cơ hội lớn, làm sao tận dụng?

Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (IPA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam sẽ được ký kết tại Hà Nội vào ngày 30 6 2019, kỳ vọng sẽ tạo ra cú huých lớn cho xuất khẩu Việt Nam cũng như sẽ đón nhận các dòng đầu tư chất lượng

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI: "Lót ổ cho đại bàng"

Với EVFTA, Việt Nam thực sự có thêm động lực mới để thúc đẩy quá trình phát triển của Việt Nam trên cả 2 khía cạnh: là không gian thị trường, tiếp cận các nguồn lực về công nghệ, về vốn cho sự phát triển; và là động lực thúc đẩy cải cách thể chế ở trong nước.

Châu Âu và Việt Nam là 2 nền kinh tế có tính bổ sung, tương hỗ rất lớn và không cạnh tranh trực tiếp nên cơ hội rất lớn. Sau khi hai bên đã hoàn tất nền tảng là EVFTA, việc kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU tăng gấp đôi trong tương lai là hoàn toàn có thể xảy ra nếu chúng ta thực hiện việc thúc đẩy cải cách thể chế mạnh mẽ, các doanh nghiệp Việt Nam có những nỗ lực để cải thiện hệ thống quản trị, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện chất lượng an toàn sản phẩm…

EVFTA không những đẩy mạnh xuất khẩu mà mở cơ hội tạo điều kiện để Việt Nam thu hút các dòng đầu tư có chất lượng cao hơn và thân thiện với môi trường hơn, có giá trị gia tăng lớn hơn và phù hợp với yêu cầu phát triển mới của nền kinh tế. EU là nơi tập trung các nền kinh tế hàng đầu, ở đó có các tập đoàn toàn cầu, các công ty đa quốc gia thống lĩnh nền kinh tế thế giới. Hiệp định này, Việt Nam có thể tăng cường được quan hệ hợp tác về thương mại và đầu tư giữa các DN Việt Nam với các tập đoàn này và gia nhập được chuỗi giá trị toàn cầu hàng đầu của thế giới.

Nhưng không có nghĩa là không có các áp lực, nhất là về phía các DN Việt Nam. Muốn phát triển và muốn thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình thì chúng ta chỉ có cách là đương đầu với áp lực để tận dụng cơ hội. Muốn làm được những điều này thì Chính phủ cần tiếp tục thúc đẩy cải cách thể chế mạnh mẽ hơn để tạo hệ sinh thái cho DN Việt Nam phát triển. Song song với đó, bản thân các DN cũng cần nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, phải đổi mới sáng tạo theo hướng phát triển bền vững.

Chúng ta đều biết là hiện nay có một thách thức rất lớn là cơ hội mở ra nhiều nhưng khả năng tận dụng của DN Việt Nam vẫn còn rất hạn chế. Với các FTA đã ký, hiện nay chúng ta mới tận dụng được chưa đầy 40% cơ hội xuất khẩu sang các thị trường đó. Và trong 40% đó thì có tới 70% là DN FDI tận dụng được, như vậy thì DN trong nước mới chỉ tận dụng được một phần rất nhỏ.

Chính vì vậy, việc tập trung hỗ trợ, đặc biệt là cho cộng đồng DN trong nước, cộng đồng DNNVV có thể tận dụng được các cơ hội của Hiệp định này là một thách thức rất lớn và đây phải là trọng tâm trong chương trình hành động của chúng ta.

Để hiện thực hóa các mục tiêu khi EVFTA được ký kết, trước hết phải đẩy mạnh cải cách thể chế mạnh mẽ hơn để có một môi trường kinh doanh thuận lợi, lót ổ cho những “con chim đại bàng” phát triển. Cần có chương trình hành động, phân định trách nhiệm rõ ràng và phổ biến ngay các thông tin hội nhập về các hiệp hội DN, đến từng ngành hàng, đến từng dòng thuế để định hướng lại hoạt động của các DN.

Các DN cũng cần căn cứ vào đó để so sánh các thị trường để tìm ra thị trường có lợi nhất để định hướng sản xuất kinh doanh, để tìm đối tác. Phải nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo ra những sản phẩm, dịch vụ phù hợp với chất lượng cao, giá thành cạnh tranh, tăng cường đổi mới sáng tạo, cải thiện hệ thống quản trị và nâng tầm quản trị của mình lên với ngang tầm với các đối tác châu Âu, châu Mỹ.

Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam: Thúc đẩy tốc độ cải cách và hội nhập quốc tế

Là một ngân hàng mang sứ mệnh tài trợ thương mại quốc tế, HSBC rất hoan nghênh và chào đón EVFTA này, một Hiệp định mà chính Cao ủy châu Âu coi là “tham vọng nhất” mà EU từng ký với một quốc gia. Điều này phản ánh vị thế của Việt Nam khi là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU trong khối ASEAN sau Singapore.

Các vòng đàm phán của EVFTA bắt đầu từ giữa năm 2012, tức là Chính phủ và cộng đồng DN hai bên cũng đã có thời gian tương đối dài để chuẩn bị cho Hiệp định này trước khi đi vào thực hiện. Chúng tôi kỳ vọng Hiệp định sẽ gia tăng trung bình 0,1% (dao động trong khoảng 0,0 – 0,3%) GDP thực sự của Việt Nam mỗi năm chỉ tính đến các tác động thương mại thuần túy. Một khi đi vào thực hiện hoàn toàn, những tiêu chuẩn cao của EVFTA sẽ thúc đẩy tốc độ cải cách và hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Những cam kết mở cửa mạnh mẽ trong Hiệp định sẽ giúp mở cửa hơn nữa thị trường xuất khẩu cho Việt Nam, đặc biệt những hàng dệt may, nông thủy sản, đồ gỗ. Theo các nhà phân tích của HSBC, các ngành như may mặc và da giày của Việt Nam được kỳ vọng hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định. Xuất khẩu may mặc và da giày của Việt Nam sang châu Âu đạt gần 9 tỷ đô la Mỹ trong năm 2018 trong khi thuế suất trung bình châu Âu áp cho các sản phẩm này ở mức 9%. Những mức thuế quan này sẽ được dỡ bỏ trong vòng ba năm hoặc ngay lập tức sau khi EVFTA có hiệu lực đối với những hàng hóa ít nhạy cảm.

Bên cạnh những lợi ích, chúng ta cần nhận thức rằng Việt Nam cần phải xây dựng một ngành công nghiệp dệt may nội địa (mang ý nghĩa giảm các thành tố nhập khẩu) để có thể tận dụng được hết những lợi ích này. Yêu cầu rất nghiêm khắc về xuất xứ hàng hóa đối với các sản phẩm may mặc nhập khẩu vào châu Âu có thể làm giảm các lợi ích đối với Việt Nam khi phần lớn các nguyên liệu chính đều được nhập khẩu từ các quốc gia khác. Hiện tại chỉ có các DN có quy mô sản xuất lớn và DN FDI có khả năng đáp ứng được tỷ lệ tự chủ nguồn nguyên phụ liệu tuân thủ quy tắc xuất xứ của Hiệp định.

Bên cạnh việc DN cần tự phát triển nội tại, những quy định hướng dẫn và hoạt động của Chính phủ giúp cung cấp thông tin và nâng cao nhận thức cho DN về Hiệp định này là hết sức cần thiết, như quy hoạch phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, hướng dẫn về cam kết của Việt Nam đối với EVFTA, những gì DN cần làm, cụ thể như cam kết về môi trường, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, xuất xứ hàng hóa…

Bên cạnh đó, những cải cách triệt để về hành chính nhằm tháo gỡ những thủ tục về xuất nhập khẩu cho DN, việc hoàn thiện khung pháp lý để đáp ứng những điều kiện về lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ phù hợp với chuẩn mực quốc tế và châu Âu cần được coi là một ưu tiên.

Đặt sang bên cạnh tất cả các lợi ích kinh tế mà EVFTA mang lại, tôi rất hoan nghênh những yếu tố phát triển bền vững mà Hiệp định bao hàm như cam kết thực hiện Hiệp định về biến đổi khí hậu Paris, cam kết tôn trọng và thực hiện những quy tắc của tổ chức lao động quốc tế ILO liên quan tới quyền cơ bản của người lao động…

EVFTA vẫn là một Hiệp định mà Việt Nam đã mong chờ mà tôi tin Việt Nam sẽ tận dụng những lợi ích và hóa giải được những thách thức, áp lực để thúc đẩy đất nước trên con đường phát triển bền vững.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại