EVFTA: Cơ hội cho Việt Nam từ thông điệp thương mại mới của EU
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) mà Ủy ban châu Âu (EC) và Chính phủ Việt Nam vừa hoàn tất việc ký cuối tháng 6 vừa qua đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quan hệ đối tác bền vững, giúp thúc đẩy phát tr
“EU rất muốn trở thành nhà đầu tư lớn ở Việt Nam. EVFTA thế hệ mới này sẽ bảo vệ quyền của Chính phủ, công dân khi tiến hành các hoạt động đầu tư”, bà Cecilia Malmstrom - Cao uỷ Thương mại EU nêu rõ.
Theo bà Cecilia Malmstrom, trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang tăng lên với quan điểm cho rằng việc phụ thuộc lẫn nhau là thách thức, EU đang tìm kiếm thêm những người bạn ở châu Âu cũng như những đối tác lớn từ ASEAN để đặt nền móng cho việc hội nhập giữa hai khu vực, điều này sẽ đảm bảo xử lý được những vấn đề hiện tại, đặc biệt là chính sách bảo hộ trái phép của các quốc gia. Mà EVFTA chính là thông điệp quan trọng gửi ra thế giới.
“Những DN và người dân sẽ trực tiếp vận hành hiệp định nên những chủ thể này có vai trò vô cùng quan trọng. Cao uỷ Thương mại EU đã sẵn sàng cho việc đảm bảo các lộ trình thực hiện sau khi hiệp định đi vào thực thi. Cao uỷ Thương mại EU bảo vệ người tiêu dùng EU khi nhập khẩu hàng hoá, chính vì thế Việt Nam cần có những nỗ lực để tuân thủ những tiêu chuẩn quốc tế, không chỉ được quy định bởi EVFTA này mà cả những hiệp định khác”, bà Cecilia Malmstrom chỉ rõ.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, mục tiêu cao nhất của hiệp định này chính là thay vì ngăn chặn hàng rào nội địa bằng việc hướng tới những cơ hội mới giữa Việt Nam và EU thông qua trao đổi thương mại... Chính phủ Việt Nam xác định 2 hiệp định này trong khuôn khổ thế hệ mới sẽ tạo ra nhiều cơ hội cũng như những thách thức cho DN Việt Nam. Quốc hội Việt Nam và EC sẽ đồng ý và hy vọng hiệp định được thực thi vào cuối năm 2019 này. Khi đó các hiệp định sẽ tạo sự tương tác giữa khu vực công và tư, giữa Chính phủ các nước với cộng đồng DN.
EVFTA mang tính bổ sung rất lớn cho cơ cấu thương mại giữa Việt Nam với EU. Thị trường EU với 28 quốc gia rất phù hợp với các sản phẩm mang tính đặc thù của những ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam. Dung lượng cũng như quy mô thị trường của EU là điều kiện cho các DN Việt Nam khai thác cơ hội. Như sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam không chỉ mang lại giá trị gia tăng lớn mà còn có điều kiện tạo nên chuỗi giá trị toàn cầu. EVFTA có hiệu lực sẽ giúp Việt Nam có điều kiện cải thiện năng suất lao động, trình độ công nghệ.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì cho rằng, ngoài những quy tắc về tự do thương mại công bằng, EVFTA còn có mẫu số chung về bền vững với thế hệ FTA có giá trị lớn hơn. Cộng đồng DN sẽ là chủ thể trong quan hệ hợp tác và trực tiếp tham gia vào thị trường chung, từ việc thiết kế mẫu mã đến các quy trình sản xuất, không chỉ thực hiện gia công sản phẩm theo đơn hàng như trước đây, đó chính là ý tưởng lý tưởng nhất của hiệp định này.
“Điều quan trọng của EVFTA không chỉ là tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá, mà còn có sự tác động của các dịch vụ phục vụ cho sản xuất như logistics phát triển; mở ra cơ hội việc làm cho hàng chục triệu lao động trong khu vực nông sản, thuỷ sản… khi tiếp cận thị trường 600 triệu dân với đòi hỏi sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao”, ông Lộc nhìn nhận.
Tương tự như các FTA khác, chắc chắn EVFTA sẽ tạo ra thách thức cạnh tranh nhưng không quá nghiêm trọng vì nội lực của các DN Việt Nam hiện nay đã có nhiều kinh nghiệm khi mở cửa, tham gia vào nhiều các FTA khác. Hiệp định cũng đã mở rộng lộ trình từ 3 - 7 năm trong đó có tính tới sự vươn lên của DN Việt Nam, nên khi đó, sẽ có thêm rất nhiều sản phẩm của Việt Nam và EU không cạnh tranh trực tiếp mà sẽ có cơ cấu bổ sung nhau.
Tuy nhiên theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, EVFTA càng đưa vào thực thi sớm thì hiệu quả càng cao, cho nên thách thức sẽ không nằm trong ý nghĩ chủ quan mà sẽ phát sinh trong quá trình thực thi. Vì vậy, nhà nước cần tiếp tục cải cách thể chế để tiến tới đáp ứng các nhu cầu của DN và người dân. Nếu có sự tương tác chặt chẽ và hiệu quả giữa cộng đồng DN với người dân cũng như khu vực công thì những khó khăn sẽ biến thành hiệu quả và cơ hội.
Để tận dụng những cơ hội mà EVFTA cũng như IPA mang lại, người đại diện cho cộng đồng DN Việt Nam khuyến cáo: Các DN cần quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Đặc biệt là cần đáp ứng đúng các quy tắc xuất xứ. Hiện nay, nhiều mặt hàng của Việt Nam còn phải nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc, cho nên để vượt qua được quy tắc xuất xứ sẽ là một nỗ lực lớn của các DN.
Bên cạnh đó, hàng rào kỹ thuật của EU là hàng rào cao nhất thế giới cũng là những cái khó đối với DN Việt Nam. Do đó, các DN rất cần nâng cao sự hợp tác đối với các DN EU về kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như được hỗ trợ về chính sách, từ đó đáp ứng được yêu cầu hàng hóa, tiêu chuẩn của phía EU.
“Khó khăn còn phát sinh ở chi phí tuân thủ của các DN Việt Nam để đáp ứng các tiêu chuẩn của EU, nên Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ nâng cấp cho DN”, ông Lộc đề xuất và khuyến nghị. Điều cần làm trước nhất là việc nâng cấp DN vì DN Việt Nam đội sổ tại khu vực ASEAN về quản trị DN, cùng với đó là 30% DN hoạt động với mô hình kinh tế hộ gia đình nên năng lực quản trị yếu. Việt Nam cũng mong muốn châu Âu là đối tác không chỉ trong thương mại mà còn hỗ trợ đào tạo nhân lực, nâng cấp quản trị DN vì hệ thống quản trị DN của EU luôn đứng hàng đầu thế giới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận