EVFTA: “Bệ đỡ” giúp doanh nghiệp sớm phục hồi hậu Covid-19
Được ví như tuyến đường cao tốc kết nối EU, Hiệp định Việt Nam – EU (EVFTA), được kỳ vọng sẽ là một bệ đỡ giúp doanh nghiệp sớm phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Ngày 29/6, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị “Tận dụng hiệu quả Hiệp định EVFTA: Cơ hội phát triển cho doanh nghiệp Việt Nam sau cú sốc Covid-19”.
Hội nghị phổ biến về Hiệp định EVFTA kể từ sau khi Quốc hội Việt Nam chính thức phê chuẩn Hiệp định vào ngày 8/6/2020.
Hội nghị do Bộ Công Thương phối hợp tổ chức
Kỳ vọng từ Hiệp định
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về Kinh tế và Thương mại quốc tế khẳng định, chỉ khoảng một thời gian ngắn nữa, Hiệp định EVFTA sẽ chính thức đi vào cuộc sống.
“Với những cam kết sâu rộng, Hiệp định EVFTA được kỳ vọng sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại - đầu tư song phương giữa Việt Nam và EU nói riêng, cũng như thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam nói chung và từ đó góp phần vào công cuộc đổi mới và hiện đại hóa đất nước” - Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.
Do ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, tình hình kinh tế, thương mại của Việt Nam trong thời gian qua đã bị sụt giảm đáng kể. Về thương mại, tính đến hết tháng 5/2020 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước giảm 2,8%, trong đó xuất khẩu giảm 0,9%, và nhập khẩu giảm 4,6%. Nếu tính riêng tháng 4/2020, xuất khẩu giảm 27,1% và nhập khẩu giảm 16,4% so với tháng trước đó, và lần lượt giảm 13,9% và 11,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng, trong bối cảnh đó, Hiệp định EVFTA khi được đưa vào thực thi sẽ giúp tạo thêm động lực cho các doanh nghiệp Việt Nam phục hồi và phát triển hoạt động kinh doanh. Với EVFTA, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường gần 460 triệu dân với GDP bình quân hơn 35.000 USD với mức thuế bằng 0 ngay từ thời điểm Hiệp định có hiệu lực cho hơn 85% số dòng thuế.
Ngoài ra, các doanh nghiệp còn có thể tham gia các chuỗi cung ứng mới thay thế cho các chuỗi cung ứng truyền thống vốn đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ do dịch Covid-19, đồng thời mở rộng và đa dạng hóa hơn thị trường xuất nhập khẩu, giảm sự lệ thuộc vào một nhóm thị trường nhất định.
Ví việc tham gia Hiệp định FTA là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam “vươn ra biển lớn”, ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) lưu ý, cách chơi trên thế giới hiện nay đã khác hơn so với trước đây, tức chuyển đổi sang hợp tác thông qua hiệp định mang tính song phương, với tiêu chuẩn cao.
“Đây là cơ hội song cũng đi kèm thách thức. Hiệp định EVFTA được Thủ tướng ví như đường cao tốc kết nối với EU. Tuy nhiên, nếu ra đường cao tốc mà không trang bị tốt, khả năng tai nạn còn cao hơn”, ông Thái cảnh báo.
Doanh nghiệp vẫn thờ ơ
Nhận định về sự chuẩn bị của doanh nghiệp cho EVFTA, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng, doanh nghiệp vẫn còn thiếu chủ động. Ông cho biết, EVFTA đã kết thúc đàm phán được 5 năm, trong khoảng thời gian đó các Bộ, ngành đã thực hiện không biết bao nhiêu hội nghị, hội thảo. Đặc biệt thông qua cổng thông tin có chuyên mục hỏi đáp để tất cả các doanh nghiệp quan tâm có thể đặt câu hỏi. Tuy nhiên, cho đến giờ phút này, khi mà hiệp định sắp có hiệu lực thì Bộ vẫn chưa nhận được bất kỳ câu hỏi nào của cộng đồng doanh nghiệp.
“Đa số các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu đang hoạt động theo kiểu ngồi ở nhà bán hàng chờ khách hàng đến mua, chẳng cần biết ông đấy là ai. Còn nhập khẩu thì hoạt động theo kiểu ngồi ở nhà chờ hàng về để nhận nên không quan tâm đến thuế bên ngoài. Đang rất ít doanh nghiệp tỏ ra quan tâm tới EVFTA”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho hay.
Theo ông, để hiện thực hóa các cơ hội do Hiệp định EVFTA mang lại, Chính phủ và các doanh nghiệp còn khá nhiều việc phải làm.
Về phía Chính phủ, các Bộ ngành, các cơ quan liên quan cần nhanh chóng hoàn thiện kế hoạch thực thi cũng như ban hành các văn bản pháp luật cần thiết, đồng thời tăng cường công tác trao đổi, đối thoại với các doanh nghiệp để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hướng dẫn doanh nghiệp tận dụng cơ hội mà EVFTA mang lại.
Về phía doanh nghiệp, cần chủ động hơn nữa trong tìm hiểu nội dung Hiệp định, chuẩn bị đầy đủ nguồn lực, điều kiện cần thiết để đáp ứng yêu cầu không chỉ của Hiệp định mà của cả thị trường EU.
“Muốn có vụ mùa bội thu phải dậy từ sớm để đi ra đồng, người dậy lúc 9-10 giờ sẽ không thể có được vụ mùa bội thu”, Thứ trưởng ví von, nhấn mạnh tầm quan trọng của sự chủ động nắm bắt cơ hội từ phía doanh nghiệp.
Doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa trong tìm hiểu nội dung Hiệp định
Đau đầu bài toán chứng nhận C/O
Nhiều doanh nghiệp có mặt tại Hội nghị cũng bày tỏ những vướng mắc, khó khăn sau dịch Covid-19. Một trong những vướng mắc đang “cản đường” các doanh nghiệp xuất khẩu tiến đến thị trường EU chính là giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O).
Một doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ chia sẻ, C/O là mảng vất vả nhất khi xuất khẩu sang các thị trường bởi có những giấy chứng nhận C/O phải mất 2,5 tháng mới lấy được, khiến nhiều lô hàng bị lỗ vì không lấy được C/O và không thông quan được hàng.
Hiện, công ty đang xúc tiến sang thị trường EU đối với mặt hàng gỗ dán, sản phẩm nội thất, cửa tủ bếp, tuy nhiên, vấn đề liên quan đến giấy C/O rất khó khăn để làm được.
Ngoài giấy chứng nhận C/O, vấn đề truy xuất nguồn gốc cũng là điều mà nhiều doanh nghiệp quan tâm. Ông Trần Việt Cường – Tổng giám đốc Công ty Cacao Đồng Nai cho biết, sản phẩm cacao của công ty dù sản xuất 100% trong nước nhưng lại khó khăn trong việc chứng minh nguồn gốc sản phẩm với đối tác.
“Khi không chứng minh dược dẫn tới mất cơ hội với đối tác, để các đối thủ cạnh tranh ở Indonesia và Philippines lấy mất thị trường”, ông Cường bức xúc.
Vì vậy, ông Cường khuyến nghị, các cơ quan chức năng nên tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân, nhà sản xuất bằng việc làm đồng bộ, áp dụng mã vạch cho từng khâu chuẩn, minh bạch để doanh nghiệp có phương tiện làm việc với đối tác.
Giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp, bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cũng cho rằng, giấy chứng nhận C/O là một tiêu chuẩn quan trọng đối với doanh nghiệp. “Muốn hưởng ưu đãi thuế quan phải chứng minh được các tiêu chí xuất xứ, từ nguyên liệu đầu vào đáp ứng chuẩn của Hiệp định”, bà Trang nói.
Theo bà Trang, ý thức được tầm quan trọng của vấn đề này, ngày 15/6/2020, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư 11 hướng dẫn các doanh nghiệp xuất khẩu về vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Thông tư được kỳ vọng sẽ “gỡ khó” cho doanh nghiệp khi triển khai chứng nhận xuất xứ hàng hóa, giúp thêm nhiều sản phẩm thương hiệu Việt đến với thị trường các nước.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận