Evergrande chính thức sụp đổ, khủng hoảng bất động sản Trung Quốc vẫn ‘chưa chạm đáy’
Việc buộc phải thanh lý China Evergrande là điển hình cho những khó khăn của ngành bất động sản Trung Quốc. Trên toàn quốc, doanh số bán hàng giảm và hàng triệu ngôi nhà đã được thanh toán nhưng chưa được giao.
Mất niềm tin
Trước đây, niềm tin vững chắc của người mua nhà Trung Quốc rằng bất động sản là khoản đầu tư không thể thua lỗ đã thúc đẩy lĩnh vực bất động sản của nước này trở thành xương sống của nền kinh tế.
Nhưng trong hai năm qua, khi các công ty sụp đổ dưới gánh nặng nợ nần chồng chất và doanh số bán nhà mới sụt giảm, người tiêu dùng Trung Quốc đã có một niềm tin không thể lay chuyển: Bất động sản đã trở thành một khoản đầu tư thua lỗ.
Sự mất niềm tin sâu sắc vào bất động sản, nguồn tài sản chính của nhiều gia đình Trung Quốc, là một vấn đề ngày càng gia tăng đối với các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc, những người đang tìm mọi cách để vực dậy ngành công nghiệp đang suy yếu này. Tuy nhiên, cho tới nay các biện pháp hầu như không có tác dụng.
Những rắc rối của lĩnh vực bất động sản Trung Quốc đã lộ rõ khi một tòa án Hồng Kông ngày 29/1 ra lệnh cho China Evergrande ngừng hoạt động và thanh lý công ty đang gánh khoản nợ hơn 300 tỷ USD.
Giống như ngành công nghiệp mà nó từng thống trị, Evergrande “chật vật” tồn tại trong hai năm sau khi không trả được nợ cho các nhà đầu tư. Evergrande đã cố gắng phát đi thông điệp rằng các căn hộ của họ vẫn là một khoản đầu tư đúng đắn. Thị trường chắc chắn sẽ phục hồi trở lại, giống như những đợt suy thoái trước đây.
Nhưng đợt suy thoái, vốn đã kéo dài nhất trong lịch sử, không chỉ kéo dài mà còn tăng tốc.
Năm 2023, doanh số bán nhà ở của Trung Quốc giảm 6,5%. Theo Dongxing Securities, một ngân hàng đầu tư Trung Quốc, chỉ riêng trong tháng 12, doanh số bán hàng đã giảm 17,1% so với một năm trước đó. Đầu tư cho các dự án mới cũng chậm lại. Phát triển bất động sản đã giảm 9,6% trong năm ngoái.
Alicia Garcia-Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Natixis cho biết: “Thị trường vẫn chưa chạm đáy. Vẫn còn một chặng đường dài để đi.”
Năm ngoái, ngay cả khi nền kinh tế Trung Quốc được kỳ vọng sẽ được hưởng lợi từ nhu cầu tiêu dùng bị dồn nén sau khi dỡ bỏ các hạn chế về đại dịch, thị trường bất động sản vẫn đè nặng lên tăng trưởng. Bất động sản chiếm khoảng 1/4 nền kinh tế Trung Quốc.
Một nguyên nhân kéo dài gây lo ngại cho một số người mua nhà tiềm năng vẫn là số lượng lớn căn hộ chưa hoàn thiện, đã bán trước. Trong nhiều năm, người mua nhà đồng ý mua căn hộ mới và bắt đầu trả tiền thế chấp nhiều năm trước khi căn hộ được xây dựng. Tuy nhiên, một số nhà phát triển bất động sản đình chỉ xây dựng các căn hộ đã bán trước vì họ thiếu tiền trả cho các nhà thầu và nhà xây dựng.
Trong khi chính phủ thúc đẩy các doanh nghiệp hoàn thành việc xây dựng các căn hộ đã bán trước thì vẫn còn nhiều dự án chưa hoàn thiện.
Nới lỏng các quy định
Lĩnh vực bất động sản bắt đầu chững lại sau khi Bắc Kinh lo ngại về bong bóng nhà đất và tác động của nó đối với hệ thống tài chính, đưa ra một loạt quy định vào năm 2020 nhằm hạn chế việc vay quá mức của các nhà phát triển bất động sản.
Không dễ dàng tiếp cận nợ, các nhà phát triển phải vật lộn để trả hết các khoản vay và hoàn thành việc xây dựng các tài sản đã được bán trước cho người mua nhà.
Nomura Securities, một công ty dịch vụ tài chính Nhật Bản, ước tính vẫn còn 20 triệu căn nhà đã được bán đang chờ hoàn thiện, đòi hỏi 450 tỷ USD vốn để hoàn thành.
Hiên Trung Quốc đã bãi bỏ các hạn chế đó. Các cơ quan quản lý tài chính đang kêu gọi các ngân hàng cho vay nhiều hơn đối với các nhà phát triển bất động sản. Tuần trước, Xiao Yuanqi, Phó Giám đốc Cơ quan Quản lý Tài chính Quốc gia Trung Quốc, cho biết các tổ chức tài chính của nước này có “trách nhiệm không thể trốn tránh trong việc cung cấp hỗ trợ mạnh mẽ” cho lĩnh vực bất động sản.
Ông Xiao nói thêm, các ngân hàng không nên cắt ngay các khoản cho vay đối với các dự án gặp khó khăn mà nên tìm cách hỗ trợ họ bằng cách kéo dài thời gian trả nợ hoặc cấp vốn bổ sung.
Tuần trước, ngân hàng trung ương và cơ quan quản lý tài chính Trung Quốc cho biết họ sẽ cho phép một số nhà phát triển sử dụng khoản vay ngân hàng để mua bất động sản thương mại để trả các khoản vay hoặc trái phiếu khác.
Kể từ năm 2021, hơn 50 công ty bất động sản Trung Quốc vỡ nợ, trong đó có hai công ty từng thống trị thị trường nhà đất nước này: Evergrande và Country Garden. Từng là đối thủ chính của Evergrande trong vị trí dẫn đầu ngành, Country Garden đã vỡ nợ vào tháng 10. Tình hình của công ty trở nên tồi tệ hơn vì doanh số bán hàng sụt giảm.
Country Garden cho biết doanh số bán trước những căn hộ chưa hoàn thiện, một chỉ số quan trọng về doanh thu trong tương lai, đã giảm tháng thứ 9 liên tiếp trong tháng 12, xuống còn 6,91 tỷ nhân dân tệ (tương đương 962 triệu USD). Con số này đã giảm 69% so với một năm trước đó. Vào nửa cuối năm 2023, doanh số bán trước đã giảm 74% so với một năm trước đó.
Trong một báo cáo nghiên cứu tháng này, ông Larry Hu, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc của Macquarie Group, cho biết sự sụt giảm bất động sản là “tự xảy ra”, vì nợ nần của các nhà phát triển bất động sản khiến người mua tránh xa và gây áp lực lên doanh số bán nhà, trong khi sự khan hiếm của hoạt động kinh doanh mới chỉ làm sâu sắc thêm các vấn đề tài chính của các công ty đó.
Tô Châu, một thành phố ở miền đông Trung Quốc, mới đây đã dỡ bỏ hầu hết các hạn chế mua nhà, xóa bỏ giới hạn về số lượng nhà mà một người có thể mua và miễn mọi yêu cầu về cư trú.
Nhưng ngay cả việc nới lỏng các quy định cũng không giúp vực dậy thị trường. Các khoản cho vay thế chấp chưa thanh toán của Trung Quốc vào năm ngoái đã giảm 1,6% so với năm 2022, một năm mà các doanh nghiệp và người dân ở nhiều thành phố vẫn đang phải vật lộn với lệnh phong tỏa do đại dịch.
Theo tạp chí kinh doanh Caixin của Trung Quốc, đây là lần suy giảm đầu tiên trong gần hai thập kỷ. Các khoản thế chấp đã tăng hơn 10% mỗi năm cho đến năm 2021.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận