EU-Nga hy vọng giải quyết vấn đề trung chuyển khí đốt qua Ukraine
Từ trước tới nay, phần lớn khí đốt của Nga đến châu Âu đều qua ngả Ukraine, tuy nhiên, thỏa thuận trung chuyển khí đốt giữa Kiev và Moskva hiện nay sẽ hết hạn vào cuối năm nay.
Nga và Liên minh châu Âu (EU) bày tỏ hy vọng hai bên có thể tìm được một giải pháp cho phép tiếp tục trung chuyển khí đốt qua lãnh thổ Ukraine từ năm 2020.
Từ trước tới nay, phần lớn khí đốt của Nga đến châu Âu đều qua ngả Ukraine. Thỏa thuận trung chuyển khí đốt giữa Kiev và Moskva hiện nay sẽ hết hạn vào cuối năm nay.
Với việc hai nước bất đồng trong vấn đề Bán đảo Crimea và cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine, giới quan sát dự báo Nga và Ukraine khó có thể sớm đạt thỏa thuận gia hạn hợp đồng.
Trong cuộc gặp ngày 13/6, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak và Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Maros Sefcovic bày tỏ hy vọng hai bên có thể sớm thu hẹp các bất đồng để tiến tới một giải pháp phù hợp.
Ông Sefcovi nhấn mạnh: "Chúng tôi tin rằng chúng tôi không cần kế hoạch B vì trong 4 năm qua, chúng tôi luôn phải đối mặt với nhiều vấn đề... và luôn tìm được các giải pháp tốt, mang tính xây dựng."
Về phần mình, Bộ trưởng Novak tái khẳng định lập trường rằng Nga sẵn sàng gia hạn thỏa thuận khí đốt với điều kiện trước đó.
Ông nhấn mạnh: "Nga có một lập trường xây dựng, đó là sẵn sàng tiếp tục trung chuyển khí đốt qua Ukraine và đảm bảo nguồn cung cho các khách hàng châu Âu."
Bộ trưởng Novak cũng nêu rõ Moskva sẵn sàng nối lại cung cấp khí đốt cho Kiev, vốn đã tạm dừng từ năm 2015.
Theo Bộ trưởng Novak, các cuộc đàm phán 3 bên về khí đốt giữa Nga, EU và Ukraine sẽ diễn ra từ giữa tháng 9 tới sau khi Ukraine tiến hành bầu cử Quốc hội trong mùa Hè.
Hiện tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga và Naftogaz của Ukraine đang vướng vào một tranh cãi pháp lý tại một tòa án của Thụy Điển.
Theo Bộ trưởng Novak, việc hai bên dàn xếp được tranh chấp này có ý nghĩa quan trọng đối với việc gia hạn thỏa thuận trung chuyển khí đốt.
Trước đây, Nga và Ukraine nhiều lần bất đồng về việc cung cấp khí đốt và Moskva buộc phải cắt giảm nguồn cung cho châu Âu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận