EU hối thúc Trung Quốc “có đi có lại” trong thương mại và đầu tư
EU tăng sức ép với Trung Quốc trong việc thực thi nguyên tắc có đi có lại trong quan hệ thương mại và đầu tư sau cuộc họp cấp cao trực tuyến chiều 22/6.
Thiết lập sân chơi thương mại công bằng, thực hiện các cam kết có đi có lại trong quan hệ thương mại giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc là một trong các chủ đề quan trọng nhất được các lãnh đạo EU bàn thảo với Thủ tướng Trung Quốc, Lý Khắc Cường tại cuộc họp cấp cao trực tuyến EU - Trung Quốc chiều tối ngày 22/6.
Theo Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen, cho đến nay, hai phía EU và Trung Quốc vẫn chưa thực sự đạt được bước tiến trong vướng mắc này, dù phía EU đã nhiều lần nêu vấn đề với phía Trung Quốc.
“Chúng tôi vẫn đang tiếp tục một mối quan hệ thương mại và đầu tư không cân bằng. Chúng tôi vẫn chưa đạt được tiến bộ nào như đã nêu ra trong tuyên bố tại cuộc họp cấp cao năm ngoái trong vấn đề về các rào cản tiếp cận thị trường. Chúng tôi cần phải tiếp tục theo đuổi các cam kết này một cách cấp bách và chúng tôi cũng cần thấy tham vọng nhiều hơn từ phía Trung Quốc để có thể hoàn tất các đàm phán về một hiệp định đầu tư”.
Trong nhiều năm gần đây, lãnh đạo EU và các nước như Đức, Pháp đã liên tiếp yêu cầu Trung Quốc thực thi nguyên tắc có đi - có lại, mở cửa thị trường nội địa Trung Quốc cho các doanh nghiệp châu Âu, bãi bỏ các quy định về chuyển giao công nghệ trong đầu tư, đồng thời đòi hỏi Trung Quốc minh bạch hơn trong việc trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước.
Phía châu Âu cho rằng do các rào cản và điều kiện cạnh tranh không công bằng do phía Trung Quốc đặt ra, các doanh nghiệp châu Âu ngày càng bị thua thiệt.
Ngoài vấn đề thương mại, trong thông cáo phát đi tối ngày 22/6 sau khi kết thúc cuộc gặp cấp cao trực tuyến với Trung Quốc, hai lãnh đạo EU là Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Charles Michel đã ra thông cáo chung về cuộc họp.
Phía châu Âu tuyên bố kiên quyết bảo vệ các lợi ích và giá trị của châu Âu trong mối quan hệ đối tác phức tạp nhưng mang tính sống còn với Trung Quốc. Châu Âu cũng khẳng định, cần phải thừa nhận rằng Trung Quốc không chia sẻ các giá trị chung với châu Âu, đồng thời có những khác biệt về hệ thống chính trị và cách tiếp cận với chủ nghĩa đa phương.
Đáng chú ý, các lãnh đạo EU đã lên tiếng yêu cầu Trung Quốc huỷ bỏ luật an ninh Hong Kong, và cảnh báo sẽ có những hậu quả “rất tiêu cực” nếu Trung Quốc tiếp tục theo đuổi kế hoạch này./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận