EU đóng cửa không phận với Nga, gia tăng trợ giúp vũ khí cho Ukraine
Theo quyết định, tất cả các máy bay của Nga, dù thuộc sở hữu của các hãng hàng không nhà nước hay cá nhân sẽ bị cấm bay, cấm hạ cánh, cất cánh hoặc cấm quá cảnh không phận của toàn bộ 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu.
Các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục gia tăng các trừng phạt đáp trả với hành động quân sự của Nga ở Ukraine khi trong ngày 27/2 thông báo đóng cửa toàn bộ không phận các quốc gia Liên minh châu Âu với các máy bay Nga, đóng cửa hai đài truyền hình Nga, đồng thời tăng tốc viện trợ quân sự cho Ukraine.
Theo quyết định được Chủ tịch EU, bà Ursula von der Leyen công bố chiều ngày 27/2 tại Brussels, tất cả các máy bay của Nga, dù thuộc sở hữu của các hãng hàng không nhà nước hay cá nhân sẽ bị cấm bay, cấm hạ cánh, cất cánh hoặc cấm quá cảnh không phận của toàn bộ 27 quốc gia thành viên EU. Quyết định có hiệu lực ngay lập tức.
Trên thực tế, trước khi EU ra quyết định chung của cả khối, rất nhiều nước thành viên EU đã ra các quyết định riêng đóng cửa không phận với toàn bộ các hãng hàng không Nga. Ngoài các nước EU, một số nước châu Âu khác không thuộc EU như Na Uy, Anh cũng đã ra các quyết định tương tự.
Ngoài quyết định đóng cửa không phận EU với máy bay Nga, EU cũng ra lệnh đóng cửa hai đài truyền hình Nga là Nước Nga ngày nay (Russia Today) và Sputnik với lí do hai đài này lan truyền thông tin sai lệch về cuộc chiến của Nga tại Ukraine.
Về phần các trợ giúp với Ukraine, đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU, ông Josep Borrell cho biết, các nước EU cũng sẽ lần đầu tiên cung cấp vũ khí sát thương cho quân đội Ukraine.
“Tôi đã đề xuất sử dụng Cơ chế hòa bình của châu Âu để tiến hành hai biện pháp trợ giúp khẩn cấp: đó là hỗ trợ tài chính cho quân đội Ukraine mua các loại vũ khí sát thương cũng như khẩn cấp hỗ trợ nhiên liệu, thiết bị bảo hộ cũng như vật tư y tế”.
Việc châu Âu gia tăng viện trợ quân sự cho Ukraine được xem là một bước leo thang trừng phạt mới của khối này, tiếp nối hành động của chính phủ các nước.
Trong ngày 27/2, các nước như Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch, Pháp và đặc biệt là Đức đều tuyên bố sẽ viện trợ vũ khí cho Ukraine, chủ yếu là các loại tên lửa chống tăng, súng phóng lựu và tên lửa phòng không vác vai, trong đó đáng chú ý nhất là việc chính phủ Đức lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ từ bỏ nguyên tắc không cung cấp vũ khí cho các bên đang trong xung đột và quyết định gửi viện trợ quân sự trực tiếp cho Ukraine.
Trong ngày 27/2, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng đưa ra một quyết định đáng chú ý khác, đó là bổ sung khẩn cấp 100 tỷ euro cho ngân sách quốc phòng Đức năm 2022, đồng thời cam kết nước Đức sẽ gia tăng ngân sách quốc phòng hàng năm lên trên mức 2% GDP nước này.
Trong nhiều năm qua, Đức luôn bị nhiều đồng minh NATO chỉ trích vì ít chi tiêu quân sự khi ngân sách quốc phòng hàng năm chỉ ở mức 1,5% GDP, bất chấp việc Đức là nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Ngoài việc gia tăng chi tiêu quân sự, Đức cũng thông báo sẽ xây dựng 2 cảng biển mới để gia tăng nhập khẩu khí gas hóa lỏng (LNG), thay thế nguồn cung khí đốt từ Nga./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận