EU cáo buộc Nga 'tống tiền' bằng khí đốt
EU cáo buộc Nga sử dụng khí đốt như "công cụ tống tiền" sau khi tập đoàn Gazprom ngắt dòng chảy năng lượng tới Ba Lan, Bulgaria.
"Thông báo của Gazprom rằng họ đơn phương ngừng cung cấp khí đốt cho khách hàng ở châu Âu là một nỗ lực nữa của Nga nhằm tống tiền chúng tôi bằng khí đốt. Điều này không chính đáng và không thể chấp nhận được, đồng thời một lần nữa cho thấy sự không đáng tin cậy của Nga với tư cách nhà cung cấp khí đốt", Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen hôm nay tuyên bố.
Bình luận được đưa ra sau khi tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga thông báo cắt toàn bộ nguồn cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria do hai nước này không thanh toán hợp đồng bằng ruble.
Gazprom đã thông báo cho nhà điều hành khí đốt quốc doanh Bulgargaz của Bulgaria và công ty khí đốt PGNiG của Ba Lan về việc "ngừng cung cấp khí đốt từ ngày 27/4 cho đến khi quá trình thanh toán được thực hiện" bằng đồng ruble.
Cả Ba Lan và Bulgaria, quốc gia gần như hoàn toàn phụ thuộc Nga về lượng khí đốt tiêu thụ hàng năm, cho biết đã được Gazprom thông báo về quyết định này trước đó một ngày.
"Chúng tôi đã chuẩn bị cho kịch bản như vậy. Chúng tôi liên hệ chặt chẽ với tất cả quốc gia thành viên, đã và đang làm việc để đảm bảo các lô hàng thay thế và mức lưu trữ tốt nhất có thể trên khắp EU", bà von der Leyen nói thêm. "Các quốc gia thành viên đã đưa ra kế hoạch dự phòng cho tình huống như vậy và chúng tôi phối hợp, đoàn kết với họ".
Bà cũng nói rằng nhóm điều phối khí đốt đang họp để vạch ra phản ứng của EU. "Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác quốc tế để đảm bảo nguồn cung thay thế. Và tôi sẽ tiếp tục làm việc với các lãnh đạo châu Âu cũng như thế giới để đảm bảo an ninh năng lượng ở châu Âu", bà nói thêm.
Nga chưa bình luận về tuyên bố của bà von der Leyen.
Theo AP, giá khí đốt châu Âu đã tăng 24% sau tuyên bố khóa van tới Ba Lan và Bulgaria của Gazprom, ngay cả khi thời tiết ấm hơn ở châu Âu, làm giảm nhu cầu sưởi ấm.
Thủ tướng Áo Karl Nehammer hôm nay thông báo chính phủ của ông cùng tập đoàn dầu khí quốc gia OMV đã chấp thuận thanh toán khí đốt Nga bằng đồng ruble.
"Chúng tôi đã chấp nhận các điều khoản thanh toán. Những điều khoản này được cho là phù hợp với lệnh trừng phạt. Đối với chúng tôi, điều này rất quan trọng", ông Nehammer nói tại cuộc họp báo, đồng thời lưu ý thực tế Ba Lan và Bulgaria bị Nga cắt nguồn cung khí đốt do từ chối thanh toán bằng đồng ruble.
EU là thị trường tiêu thụ khí đốt lớn của Moskva, khi nhập khoảng 40% nguồn cung từ Nga vào năm 2021. Bulgaria gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn khí đốt từ Nga với mức tiêu thụ hàng năm khoảng 3 tỷ mét khối.
Trước đó, Điện Kremlin từng cảnh báo các nước thành viên EU rằng nguồn cung khí đốt sẽ bị cắt nếu không thanh toán bằng đồng ruble. Ủy ban châu Âu (EC) hôm 22/4 ra khuyến nghị rằng các công ty châu Âu có thể hoàn thành nghĩa vụ thanh toán hợp đồng khí đốt với Nga bằng cách chuyển USD hoặc EUR cho ngân hàng Gazprombank của Nga, để ngân hàng này chuyển đổi sang đồng ruble, đáp ứng điều kiện do Moskva đề ra.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận