menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Lê Kiều Trang

EU cạn phương cách siết trừng phạt Nga

Sau loạt lệnh trừng phạt chưa từng có, EU gần như không còn không gian để tăng sức ép với Nga và những đòn tiếp theo chỉ mang tính biểu tượng.

Kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin ra lệnh mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Nga đã hứng chịu các lệnh trừng phạt nặng nề từ phương Tây hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.

Nga không còn khả năng xuất khẩu than sang Liên minh châu Âu (EU) và sẽ sớm mất 90% doanh số bán dầu cho khối này. EU cũng đã cấm xuất khẩu hàng trăm loại hàng hóa sang Nga, từ các thiết bị quân sự công nghệ cao hay chất bán dẫn có thể dùng trong vũ khí dẫn đường chính xác, đến đồ trang điểm, túi xách hay quần áo, vốn mang lại lợi nhuận lớn cho các doanh nghiệp Nga.

EU ngày 6/10 công bố vòng trừng phạt thứ tám với Nga, trong đó áp lệnh cấm sâu rộng đối với việc cung cấp dịch vụ tiền điện tử cho người Nga. 30 cá nhân và 7 thực thể ở Nga cũng bị thêm vào danh sách đen của EU, trong đó có quan chức do Nga bổ nhiệm ở 4 tỉnh Ukraine mới sáp nhập, quan chức quốc phòng Nga và các công ty liên quan quốc phòng.

Châu Âu tới nay đã đóng băng tài sản và áp dụng lệnh cấm đi lại với 1.239 cá nhân cùng 116 công ty Nga. Tổng thống Litva Gitanas Nauseda, một trong những người ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất tại châu Âu, cho rằng EU vẫn có khả năng tiến xa hơn.

"Các biện pháp trừng phạt chúng ta tung ra đang phát huy tác dụng, nhưng rất tiếc, chúng không mang lại kết quả như chúng ta mong đợi", ông Nauseda nói tại hội nghị thượng đỉnh của EU hôm 20/10. "Tôi nghĩ chúng ta vẫn có tiềm năng rất lớn để cải thiện các biện pháp trừng phạt và thắt chặt chúng".

Nhưng sau 8 vòng trừng phạt, các quan chức EU lo ngại khối gần như không còn biện pháp gây áp lực nào khả thi với Nga.

"Các quốc gia thành viên đang nghiên cứu những biện pháp có thể bổ sung, nhưng chúng tôi cần xem xét phạm vi, bởi chúng tôi đến nay đã áp dụng quá nhiều lệnh trừng phạt và không gian còn lại khá hạn chế", một quan chức cấp cao EU cho hay.

Ba Lan và các nước vùng Baltic đề xuất một số biện pháp trừng phạt bổ sung, trong đó có cấm khí hóa lỏng Nga, cũng như chấm dứt hợp tác với Moskva về năng lượng hạt nhân. Họ cũng muốn lấp lỗ hổng trong các lệnh trừng phạt trước đó bằng cách cấm máy bay không người lái dân dụng, điện thoại thông minh và nhanh chóng chấm dứt buôn bán một số kim loại với Nga. Nhóm thậm chí còn muốn cấm bán tủ lạnh trữ rượu chuyên dụng cho Nga, loại xa xỉ phẩm đã bị loại khỏi danh sách trừng phạt trước đó.

Đan Mạch, Thụy Điển và Phần Lan ủng hộ ý tưởng này, nhưng nhiều quốc gia Tây Âu như Đức, Pháp và Bỉ, tỏ ra thận trọng hơn. Berlin cho rằng còn rất ít phương án có thể thực hiện nhằm gia tăng áp lực lên Nga, dù các quan chức Đức nói rằng họ không phản đối nếu EU quyết định áp vòng trừng phạt thứ chín.

Một nhà ngoại giao giấu tên cho rằng vài biện pháp trừng phạt được đề xuất có nguy cơ gây tổn hại cho châu Âu nhiều hơn Nga. "Nếu ta gây tổn hại cho nền kinh tế của chính chúng ta, tạo cơ hội để phe cực hữu lên nắm quyền, thì Nga sẽ thắng", ông cho hay.

Thậm chí một số người theo xu hướng ưu tiên trừng phạt cũng nói rằng những biện pháp dễ dàng nhất đều đã được áp dụng và các bước đi tiếp theo nhiều khả năng sẽ chỉ mang tính biểu tượng, thay vì đóng vai trò như một đòn giáng mang tính quyết định vào nền kinh tế Nga.

EU cũng đang nhắm đến các quốc gia hỗ trợ chiến dịch quân sự của Nga. Tuần qua, khối tuyên bố áp đặt trừng phạt với 3 chỉ huy cấp cao Iran và công ty phát triển máy bay không người lái (UAV) mà phương Tây cho rằng đã cung cấp UAV để Nga sử dụng ở Ukraine. Đối với nhiều người trong cuộc, đây mới chỉ là khởi đầu.

"Đó là động thái quan trọng để gửi thông điệp chính trị tới Iran cũng như các bên khác đang nghĩ đến việc hỗ trợ Nga", một nhà ngoại giao EU nói. EU đang chuẩn bị các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Belarus, trong trường hợp nước này quyết định tham chiến ở Ukraine, sau khi lập lực lượng hiệp đồng với Nga.

Phát biểu hôm 21/10, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết EU rất lo ngại về "các hành vi can thiệp từ nước thứ ba" và hiện có thể áp dụng biện pháp trừng phạt đối với những cá nhân giúp Moskva né tránh các hạn chế. "Và đây là một biện pháp răn đe rất mạnh", bà cho biết thêm.

Một điểm nhức nhối trong nỗ lực trừng phạt Nga của EU là mặt hàng kim cương, vốn đã nhiều lần được miễn trừ. Điều này đồng nghĩa kim cương Nga vẫn có thể tiếp tục được các đại lý Antwerp mua. Trước cuộc xung đột, Bỉ là điểm đến hàng đầu của kim cương Nga, với giá trị nhập khẩu lên đến hơn hai tỷ USD.

Một số nhà ngoại giao châu Âu đang gay gắt chỉ trích vì những gì họ cho là Bỉ đang vận động hành lang để bảo vệ lợi ích của riêng mình, khi mọi quốc gia thành viên đều được yêu cầu phải hy sinh. Brussels cho biết hoạt động thương mại với Moskva đang giảm dần và khẳng định chưa bao giờ chặn lệnh cấm với kim cương Nga.

Tranh cãi bùng phát hồi tháng trước, khi một danh sách trừng phạt được đề xuất, trong đó có cả công ty kim cương nhà nước Nga Alrosa. Giới chức EU tin rằng công ty này đang hỗ trợ hải quân Nga. Tuy nhiên, công ty sau đó lại được lại khỏi danh sách trừng phạt.

Tiếng nói phản đối quyết liệt hơn đến từ Thủ tướng Hungary Viktor Orban, người đã chỉ trích các lệnh trừng phạt của EU, tuyên bố rằng chúng đang "phá hủy nền kinh tế châu Âu và Hungary".

Trong lúc các biện pháp trừng phạt được tung ra nhắm vào nguồn nhiên liệu Nga, lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) mà EU nhập khẩu từ nước này lại đang tăng. Trong bối cảnh Nga cắt dòng chảy khí đốt qua các đường ống tới châu Âu, một số thành viên EU đã âm thầm tăng cường nhập khẩu LNG từ họ.

Trước khi xung đột Ukraine bùng phát, Nga là nhà cung cấp LNG lớn thứ tư thế giới và năm nay, 78% LNG của Nga lại được mua bởi các quốc gia đã trừng phạt họ, theo Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu thuộc Đại học Columbia, Mỹ.

Maria Pastukhova, chuyên gia tại viện nghiên cứu E3G ở Berlin, đánh giá LNG vẫn chỉ chiếm một phần không đáng kể so với khí đốt tự nhiên được vận chuyển qua đường ống của Nga tới châu Âu. Bà cho rằng hoạt động này không được chú ý bởi Novatek, nhà sản xuất LNG lớn nhất Nga, là một công ty tư nhân.

Novatek đóng thuế tương đối ít ở Nga, vì vậy không thể được coi là một tác nhân thúc đẩy chiến dịch quân sự của Moskva tại Ukraine. Nhưng điều đó đang thay đổi. Từ năm 2023, thuế đánh vào các dự án LNG sẽ tăng lên 32%, trong khi trước đó, Novatek chỉ nộp thuế 13%, theo truyền thông Nga.

Trong khi EU tranh cãi về cách đối phó với cú sốc năng lượng khiến hóa đơn của người tiêu dùng tăng vọt, ngay cả những người ủng hộ trừng phạt mạnh mẽ nhất cũng không đề xuất cấm LNG Nga. "Sẽ rất khó tìm ra phương án thỏa hiệp về vấn đề này", một nhà ngoại giao EU lưu ý.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Bình luận
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại