EU cam kết sẽ cùng nhau trở thành một thế lực mạnh hơn
Tại Hội nghị thượng đỉnh không chính thức ở Sibiu, Romania, 27 quốc gia còn lại trong EU cam kết cùng nhau vượt qua mọi thách thức để trở thành một thế lực mạnh hơn sau nhiều năm chia rẽ nội bộ.
Hội nghị diễn ra ngày 9/5, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố "thế giới không ngủ yên. EU phải đổi mới. EU phải mạnh mẽ và phải đoàn kết".
Kế hoạch rời EU của nước Anh là mối bận tâm lớn của Khối trong hơn hai năm qua, vì vậy Hội nghị thượng đỉnh lần này là cơ hội để đưa ra lời kêu gọi rõ ràng về sự thống nhất và một lần nữa khẳng định lại các nguyên tắc cơ bản của EU.
Các nhà lãnh đạo dù quan điểm khác nhau như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho tới vị Thủ tướng mang tư tưởng hoài nghi châu Âu của Hungary, Viktor Orban, đã cùng tìm thấy một danh sách 10 điểm chung mà tất cả đều có thể chấp nhận được.
Ông Macron cho rằng EU cần phải trở thành một mặt trận chung để có thể đối trọng với Trung Quốc và Mỹ như một bên bình đẳng. Ông cảnh báo sự chia rẽ chính là điểm yếu của châu Âu.
Hiện nước Anh vẫn còn là một thành viên của EU, nhưng Thủ tướng Theresa May đã không tham dự Hội nghị thượng đỉnh tại Romania mà ở lại London trong nỗ lực đạt được việc thông qua thỏa thuận rút lui đã ký với EU.
Trên thực tế, 27 quốc gia còn lại của EU không hài lòng về vụ "ly hôn" với Vương quốc Anh. Sự bế tắc chính trị trong việc thông qua thỏa thuận "ly hôn" đã khiến bà May phải yêu cầu hoãn lại ngày Brexit, vốn ban đầu được ấn định vào ngày 29/3/2019 nhưng cuối cùng đã bị đẩy lùi đến 31/10/2019.
Thủ tướng Đức Merkel cho rằng vì vô số thời gian và nỗ lực đã bỏ ra cho vấn đề Brexit, các nhà lãnh đạo EU cần phải nhóm họp thường xuyên hơn để giải quyết các vấn đề khác. Vì vậy, bà đã đưa ra đề xuất hai tháng họp Hội nghị thượng đỉnh một lần.
Danh sách những cam kết chung mà các nhà lãnh đạo EU tuyên bố sẽ bảo vệ bao gồm nguyên tắc pháp quyền dân chủ, một nền quốc phòng mạnh mẽ hơn và cải thiện việc làm cho công dân của Khối.
Trong số những điều mà các nhà lãnh đạo gọi là "tinh thần của Sibiu" được nêu tại bản tuyên bố chung, họ đã cam kết sẽ gắn bó và thống nhất với nhau trong môi trường toàn cầu để tận dụng tối đa những cơ hội thương mại mới cũng như phối hợp giải quyết các vấn đề mang tầm toàn cầu như bảo vệ môi trường hay chống biến đổi khí hậu.
Trên thực tế, những bất đồng đã rõ ràng trong các vấn đề về môi trường. Ông Macron tán thành cách tiếp cận của 9 quốc gia về biến đổi khí hậu, trong khi bà Merkel và những người khác đã gạt vấn đề này sang một bên vì họ cho rằng phương án này dựa quá nhiều vào các nguồn năng lượng truyền thống.
Thủ tướng Áo Sebastian Kurz đánh giá "nếu đặt cược vào năng lượng hạt nhân là hoàn toàn sai lầm. Chúng ta phải chống lại biến đổi khí hậu nhưng cả năng lượng hạt nhân và nhà máy nhiệt điện than đều không phải là giải pháp".
Quá trình lựa chọn các vị trị đứng đầu của EU tại Brussels cũng sẽ là một chủ đề tranh cãi căng thẳng. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker sẽ cùng kết thúc nhiệm kỳ vào cuối năm nay.
Chủ tịch Tusk đã thông báo triệu tập một Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt vào ngày 28/5, hai ngày sau khi cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu kết thúc, nhằm hợp lý hóa thủ tục và đẩy nhanh tiến trình lựa chọn các ứng cử viên.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte được nhiều người coi là một trong những lựa chọn đầu tiên để thay thế ông Tusk. Nhưng ngày 9/5, ông này đã nói rằng mình không phải là một ứng cử viên. Ông Juncker cũng dự kiến sẽ mãn nhiệm vào tháng 11 tới và việc thay thế ông dự kiến sẽ phức tạp hơn do phụ thuộc rất nhiều vào kết quả của cuộc bầu cử châu Âu sẽ diễn ra trong các ngày 23-26/5./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận