EU “bật đèn xanh” thông qua gói cứu trợ 750 tỷ euro đối phó Covid-19
EU vừa đạt thỏa thuận về ngân sách cho giai đoạn 2021 - 2027, mở đường kích hoạt gói phục hồi kinh tế trị giá 1.800 tỷ euro nhằm đưa nền kinh tế của khối "xanh" hơn và mang tính số hóa nhiều hơn.
Nghị viện châu Âu (EP) và các nhà đàm phán của các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) vừa thống nhất chi tiết ngân sách năm 2021-2027, giúp tháo gỡ bế tắc trong việc thông qua ngân sách dài hạn trị giá 1.100 tỷ euro và gói cứu trợ trị giá 750 tỷ euro để phục hồi kinh tế khu vực sau những tác động của đại dịch Covid-19.
Trong thông báo đưa ra hôm thứ Ba, Sebastian Fischer - người phát ngôn của Đức, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, thông báo: "Các nhà đàm phán của Hội đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu đã đạt thỏa thuận chính trị về ngân sách và gói phục hồi của EU". Tuy nhiên, người phát ngôn Sebastian Fischer nói thêm rằng văn bản này vẫn cần được chính thức ký kết.
Thỏa thuận ngân sách này đạt được sau gần 4 tháng thảo luận, nêu rõ rằng các chính phủ chỉ có thể nhận được ngân sách của EU nếu tôn trọng luật pháp. Đây là một điều kiện mà Ba Lan và Hungary từng phản đối vì hai nước này đang bị EU điều tra về các cáo buộc phá vỡ tính độc lập của cơ quan tư pháp. Trước đó, trong thư gửi Ủy ban châu Âu và Chủ tích các nhà lãnh đạo EU Charles Michel, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã cảnh báo phủ quyết gói cứu trợ liên quan các nguồn ngân sách trên nếu như việc giải ngân cho các nước thành viên phải đi kèm điều kiện pháp quyền. Thủ tướng Orban cho biết lý do ông không thể nhất trí với điều kiện đi kèm là vì nó không phù hợp với gói cứu trợ được thông qua hồi tháng 7 vừa qua.
Theo thỏa thuận, phần chi cho y tế, giáo dục và an ninh trong ngân sách 1.100 tỷ euro sẽ tăng 16 tỷ so với thỏa thuận ban đầu của các lãnh đạo EU hồi tháng 7. Thỏa thuận cũng lập ra các khoản thu nhập mới để ngân sách của EU có thể tái chi 750 tỷ euro đã lên kế hoạch cho các khoản vay nhằm giúp các nước thành viên phục hồi sau dịch Covid-19.
Trong hội nghị thượng đỉnh tổ chức hồi tháng 7 để thống nhất về gói cứu trợ kinh tế "chưa từng có tiền lệ" dưới các hình thức cho vay hoặc trợ cấp, các lãnh đạo EU cũng đã nhất trí về nguyên tắc cần có điều kiện pháp quyền kèm theo dự luật.
Đức, quốc gia đang đảm nhận vai trò chủ tịch luân phiên của EU,nóng lòng muốn dự luật ngân sách dài hạn và gói cứu trợ được thông qua càng sớm càng tốt, đặc biệt trong bối cảnh châu lục này lại đang phải đương đầu với làn sóng dịch bệnh thứ hai được dự đoán là sẽ còn gây tác động nặng nề hơn tới các quốc gia thành viên so với làn sóng thứ nhất. Tuy nhiên, sau khi vấn đề trên được giải quyết, thách thức tiếp theo sẽ là làm sao để thống nhất được một kế hoạch cụ thể cách phân bổ ngân sách.
Dự kiến trong những tuần tới, các nghị sỹ EU và các đại diện của chính phủ các nước thành viên sẽ tiếp tục thảo luận chi tiết của gói cứu trợ kinh tế trị giá 750 tỷ euro, trong đó 672,5 tỷ euro sẽ được phân phối đến các chính phủ dưới dạng các khoản vay và hỗ trợ trên cơ sở các kế hoạch phục hồi của từng nước gồm các dự án và các cuộc cải cách. Dự kiến, sau khi thỏa thuận ngân sách được chính thức ký kết, gói kích thích kinh tế đối phó dịch Covid-19 sẽ được EU giải ngân vào nửa cuối năm sau./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận