Elon Musk mua, không mua… rồi lại mua Twitter, nhưng đây mới là bên hưởng lợi nhất
Mua, không mua … và mới đây nhất, chỉ vài ngày trước khi ra tòa, tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk lại “quay xe”, thông báo mua lại Twitter theo đúng thỏa thuận mà 2 bên đã đồng ý từ tháng 5. Tuy nhiên, dù không phải bên mua bán trực tiếp, có một bên ở giữa chắc chắn được hưởng lợi lớn từ thương vụ mua bán rắc rối hiếm có trong lịch sử này.
Người phát ngôn của Twitter cho biết công ty đã nhận được lời đề nghị của tỷ phú Elon Musk đồng ý thực hiện thỏa thuận mua lại Twitter với mức giá ban đầu là 54,20 USD/cổ phiếu, tương đương 44 tỷ USD. Hiện chưa rõ Twitter có chấp nhận đề nghị hay không và có khả năng vụ việc vẫn phải đưa ra tòa xét xử.
Ngay cả đối với một thỏa thuận được mệnh danh là rắc rối bậc nhất lịch sử thì diễn biến vừa qua vẫn khiến nhiều người ngỡ ngàng. Việc dàn xếp kiện tụng trước khi phiên tòa diễn ra không phải hiếm gặp. Tuy nhiên, mất nhiều tháng trời để dàn xếp theo đúng thỏa thuận từ trước đó thì quả là bất thường.
Nếu thỏa thuận được tiến hành, đó sẽ là một chiến thắng rực rỡ cho Twitter. Công ty sẽ thành công trong việc đảm bảo mức giá tốt nhất có thể cho các cổ đông. Tuy nhiên, mạng xã hội này cũng tự đặt mình vào tay một tỷ phú khá thất thường và thực tế đã chứng minh là chưa hiểu hết về mô hình hoạt động của công ty. Rất nhiều nhân viên Twitter phản đối làm việc cho người giàu nhất hành tinh, người đã công khai chế giễu và chỉ trích công việc của họ. Hơn nữa, trên chính Twitter, các bài đăng của Elon Musk cũng thường xuyên là đề tài để cư dân mạng đùa giỡn.
Trong khi đó, dường như chắc chắn Elon Musk sẽ là bên thua cuộc khi phải rút ra hàng chục tỷ USD cho một công ty mà ông không còn mặn mà, thậm chí từng phải mất rất nhiều công sức và tiền bạc nhằm mong có thể chấm dứt hợp đồng.
Vậy ai là người chắc chắn giành phần thắng ở đây? Chính là các luật sư.
Twitter đã kiện Elon Musk vào tháng 7 nhằm yêu cầu ông phải hoàn thành thương vụ theo đúng thỏa thuận. Đây cũng là khởi đầu cho cuộc chiến qua lại giữa những hãng luật quyền lực nhất nước Mỹ.
Twitter đã thuê công ty luật Wachtell, Rosen, Lipton & Katz - một hãng luât hàng đầu từ New York, nơi mỗi luật sư trung bình kiếm được khoảng 8 triệu USD mỗi năm, theo Bloomberg. Về phía Musk, ông chọn một công ty quyền lực khác ở Phố Wall là Skadden, Arps, Slate, Meagher & Flom. Doanh thu hãng luật này năm ngoái là 3 tỷ USD. Bên cạnh đó, 2 bên cũng thuê thêm một số tư vấn pháp lý khác.
Peter Ladig, một luật sư với nhiều kinh nghiệm tại tòa án Delaware, nơi cuộc chiến giữa Musk và Twitter dự kiến diễn ra cho biết phí tổn kiện tụng của 2 bên sẽ lên đến con số hàng chục triệu USD. Ladig cho biết: “Có vẻ như Twitter đã vận dụng mọi nguồn lực có thể vào cuộc chiến này, họ có thể đã thuê đến 20 luật sư vì lượng tài liệu quá lớn".
Luật sư 2 bên đã liên tục công kích nhau, việc mà người trong ngành hay đùa là “nã trát hầu tòa vào nhau” nhằm lấy lời khai và bằng chứng. Phía Musk cần chứng minh rằng Twitter đã vi phạm các điều khoản của thỏa thuận. Twitter cáo buộc rằng Musk đã sử dụng vấn đề kỹ thuật như một cái cớ để rút lui khỏi một thương vụ mà ông không còn thấy hợp lý về mặt kinh tế. Luật sư của các hãng thường tính phí trên 1.000 USD/giờ. Và quy mô của vụ việc khiến họ phải làm 14-16 giờ mỗi ngày, liên tục trong nhiều tháng.
Tuy nhiên, theo nguồn tin nội bộ, nhóm pháp lý của Musk nhận ra rằng vụ việc đang diễn ra không suôn sẻ về phía mình, thẩm phán Kathaleen St. J. McCormick liên tục đứng về phía Twitter trong các phán quyết trước xét xử. Phiên tòa chính thức được lên lịch vào ngày 17/10. Ngay sau thông tin Elon Musk đồng ý mua lại Twitter, cổ phiếu của mạng xã hội này đã tăng vọt 20% và phải tạm dừng giao dịch 2 lần vì biến động quá lớn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận