menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Thanh Cường

eKYC: Cửa đã mở, nhưng không nên vội

eKYC nếu làm nghiêm túc có thể an toàn hơn là xác thực trực tiếp, nhưng độ tin cậy cũng như bảo mật thông tin khách hàng và phòng chống rủi ro là yếu tố sống còn của ngân hàng.

Một trong những quy định giúp các ngân hàng giải toả bớt áp lực và mạnh dạn hơn trong việc chuyển đổi ngân hàng số là tại Nghị định số 87/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 116/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng, chống rửa tiền, có điểm sửa đổi quan trọng liên quan đến việc triển khai định danh khách hàng theo phương thức điện tử (e-KYC), đó là cho phép ngân hàng được quyết định gặp mặt hoặc không gặp mặt khách hàng lần đầu khi thực hiện các giao dịch liên quan đến công nghệ mới.

Mặc dù các ngân hàng phải đảm bảo có các biện pháp, hình thức và công nghệ để nhận biết và xác minh khách hàng nhưng đây cũng là một thông tin rất quan trọng. Như lãnh đạo Vụ Thanh toán NHNN từng ví von nó như tấm vé gửi xe đầu tiên cho các ngân hàng chuyển đổi số hoá.

Là một ngân hàng có bước đột phá trong chuyển đổi ngân hàng số, Tổng giám đốc TPBank Nguyễn Hưng cho rằng, thay đổi này đã tháo gỡ một trong những vướng mắc lớn nhất của các nhà băng về ngân hàng số. “Quy định của Nghị định 87/2019/NĐ-CP là tiền đề để ngân hàng tiếp xúc khách hàng dễ dàng hơn”, ông Hưng nói.

Ông Nguyễn Đình Thắng - Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank cho biết, đây là thông tin vui cho các ngân hàng. LienVietPostBank cũng chuẩn bị cách đây cả năm để sẵn sàng triển khai eKYC. Tuy nhiên, để đưa eKYC vào hiện thực thì cần có quy định rõ ràng nên ngân hàng sẽ phải chờ khi nào có quy định hướng dẫn chi tiết của NHNN mới triển khai. Vì thực tế, khi không gặp mặt trực tiếp, ngân hàng cần có biện pháp, hình thức và công nghệ để nhận biết và xác minh khách hàng. Chẳng hạn như chụp chứng minh thư lưu 2 mặt, quay camera trực tiếp khuôn mặt người đó trên online… Nhưng ở Việt Nam vẫn còn xảy ra tình trạng làm giả chứng minh thư, thẻ căn cước…

Do vậy, điều cần nhất đối với các ngân hàng khi triển khai eKYC phải kết nối được cơ sở dữ liệu quốc gia của Bộ Công an mới đảm bảo thông tin chính xác được. “Giả sử trong trường hợp khách hàng mất chứng minh thư, thì ra công an xác nhận đúng vân tay của người đó mới tin tưởng được. Chứ khuôn mặt giờ có thể phẫu thuật thẩm mỹ nên độ tin cậy không cao”, ông Thắng nói thêm.

Lãnh đạo một ngân hàng lớn khác cũng cho biết, do chưa có hệ thống dữ liệu quốc gia có thể chia sẻ cho các bên, nên các ngân hàng phải tự thu thập làm dày thông tin dữ liệu của khách hàng bằng nhiều cách như xây dựng hệ thống nhận dạng thông qua sinh trắc học riêng, chủ động kết nối với các nhà mạng viễn thông thu thập thông tin khách hàng… Tất nhiên, đối với hệ thống càng hiện đại, ngân hàng sẽ phải đầu tư khoản chi phí lớn mà điều này không phải ngân hàng nào cũng sẵn sàng. Ngoài ra, eYKC cũng gặp những trở ngại về lưu trữ dữ liệu lớn cho việc phân tích và so sánh trong khi chưa có sự liên thông các dữ liệu của các tổ chức với nhau…

Về vấn đề cơ sở dữ liệu quốc gia, tại buổi làm việc với đại diện Citibank ASEAN, lãnh đạo NHNN cũng thừa nhận, đây cũng là vướng mắc của các ngân hàng. Cơ sở dữ liệu dân cư lớn nhất của Việt Nam do Bộ Công an quản lý. Theo quy định các ngân hàng chưa được phép truy cập dữ liệu này. Thời gian qua, Chính phủ nhận ra sự cần thiết của vấn đề này nên cũng đã giao cho Bộ Công an trong năm 2020 phải cơ bản hoàn thành xây dựng trung tâm dữ liệu dân cư và nguồn dữ liệu này cũng sẽ phải số hóa. “NHNN hy vọng lúc đó các ngân hàng có thể kết nối truy cập dữ liệu và phát triển dịch vụ ngân hàng số”, lãnh đạo NHNN bày tỏ.

Liên quan đến quy định về eKYC, đại diện Vụ Thanh toán thuộc NHNN thông tin thêm, NHNN mà trực tiếp là Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh đã chỉ đạo Vụ Thanh toán khẩn trương xây dựng Thông tư hướng dẫn Nghị định thay thế Nghị định 101, trong đó đặc biệt lưu ý hướng dẫn chi tiết quy định mở tài khoản không gặp mặt trực tiếp.

“NHNN hiểu rằng nguyên tắc trong Nghị định 87 là mở đường cho ngân hàng phát triển ngân hàng số, tuy nhiên trong Thông tư sửa đổi bổ sung sắp tới, NHNN đề ra nguyên tắc cụ thể làm sao vừa đảm bảo thuận tiện cho ngân hàng, khách hàng tuy nhiên phòng ngừa rủi ro về phòng chống rửa tiền, phòng chống tài trợ khủng bố, phòng ngừa gian lận giả mạo giao dịch”, đại diện Vụ Thanh toán chia sẻ định hướng của NHNN đối với vấn đề này.

Sự thận trọng đối với triển khai eKYC được cho rằng là cần thiết. Tại cuộc họp gần đây, chia sẻ kinh nghiệm triển khai eKYC từ thị trường khác, đại diện của McKinsey cho hay, dù không phủ nhận eKYC có rất nhiều lợi ích nhưng cũng nhiều rủi ro, nhất là rủi ro gian lận. Đặc biệt, là hạ tầng công nghệ có hỗ trợ tốt cho thực hiện eKYC hay không.

Do đó, đây là vấn đề cần cẩn trọng nên thử nghiệm trước khi áp dụng đại trà và tham khảo bài học cả thành công và thất bại ở một số nước để ứng dụng eKYC tại Việt Nam sao cho đạt hiệu quả cao nhất mà hạn chế được rủi ro.

“Các ngân hàng Việt Nam có thể áp dụng eKYC với một sản phẩm hay dịch vụ cụ thể thay vì áp dụng ồ ạt. Ví dụ, có thể áp dụng với thẻ tín dụng… Đồng thời, phải theo dõi đánh giá tác động với sản phẩm thử nghiệm trước khi nhân rộng ra đại trà với sản phẩm khác nhau”, đại diện của McKinsey gợi ý về cách tiếp cận đối với eKYC.

eKYC nếu làm nghiêm túc có thể an toàn hơn là xác thực trực tiếp, nhưng độ tin cậy cũng như bảo mật thông tin khách hàng và phòng chống rủi ro là yếu tố sống còn của ngân hàng. Do vậy, lãnh đạo một số ngân hàng cho biết, nếu không kiểm soát được rủi ro họ chưa dám triển khai eKYC. “Dù không muốn bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua ngân hàng số, nhưng an toàn của cả ngân hàng và khách hàng vẫn là trên hết. Cánh cửa đầu tiên với ngân hàng số đã được mở, nhưng chưa dễ vào”, lãnh đạo một ngân hàng khẳng định.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả