menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Đỗ Văn Chính

Ecotree - Doanh nghiệp bí ẩn vừa kịp thay “tên đổi họ” để xin đầu tư chứng chỉ carbon tại Lâm Đồng

Ngày 18/05, UBND tỉnh Lâm Đồng thông báo nhận được tờ trình của CTCP Ecotree về việc xin chủ trương khảo sát lập dự án trồng rừng bền vững trên diện tích đất trống các rừng phòng hộ, rừng bảo tồn đặc dụng quốc gia, lập chứng chỉ carbon trồng rừng, rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh chuyển Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND huyện Đam Rông xem xét đề nghị của Ecotree, đề xuất, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 17/06.

Trước đó, ngày 08/05, CTCP Ecotree (do ông Lê Thanh Tùng làm Chủ tịch) có văn bản gửi UBND tỉnh Lâm Đồng, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xin chủ trương này .

Ecotree cho biết: “Dựa vào năng lực của Công ty định hướng đầu tư phát triển trồng rừng bền vững, chăm sóc và quản lý bảo vệ tài nguyên môi trường, về những giá trị lớn cho hệ sinh thái và tiềm năng lợi ích phát triển kinh tế xã hội.

Từ môi trường rừng Ecotree đề xuất cấp tín chỉ carbon đạt tiêu chuẩn châu Âu, các nhà sản xuất tại châu Âu có nhu cầu đầu tư tín chỉ, từ đó đem lại giá trị tài chính lớn tạo ra nguồn vốn ổn định lâu dài để đầu tư phát triển trồng rừng bền vững tại Việt Nam, tuân thủ điều ước quốc tế về lâm nghiệp mà Việt Nam là thành viên”.

Cũng theo Ecotree , diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn Lâm Đồng tính đến 2021 là 978,120 ha. Trong đó có 454,868 ha rừng tự nhiên, 83,873 ha rừng trồng.

Do đó, dự án trồng rừng bền vững, phủ xanh diện tích đất trống chưa có rừng các khu rừng phòng hộ, rừng đặc dụng bảo tồn Quốc Gia là hết sức cần thiết và cấp bách, Nhà nước phải chi bằng vốn ngân sách hàng năm để đầu tư trồng rừng bền vững, chăm sóc quản lý bảo vệ phát triển bảo tồn tài nguyên rừng.

Để giảm trừ từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, Ecotree có giải pháp tài chính, tạo ra nguồn vốn ổn định lâu dài từ tín chỉ carbon, để duy trì thực hiện hiệu quả về đầu tư phát triển trồng rừng bền vững.

Ecotree có kinh nghiệm trồng rừng ra sao?

Công ty tự giới thiệu là “một tổ chức tin cậy, đã trải qua thời gian tìm hiểu và làm việc cùng các nhà khoa học tại châu Âu, CHLB Đức về dự án phát triển bảo tồn rừng bền vững, bảo vệ môi trường chống biến đổi khí hậu do Tiến sĩ Joachim Krug là người trực tiếp giúp đỡ chúng tôi thực hiện dự án này”.

Để có đủ điều kiện thuận lợi đầu tư phát triển trồng rừng bền vững được phủ xanh diện tích đất trống các khu rừng phòng hộ, rừng đặc dụng bảo tồn quốc gia trên địa bàn tỉnh Kon Tum được thành công. Công ty khẳng định “chiến lược đột phát có khả thi cao và giá trị kinh tế cho xã hội”.

Sau khi được UBND tỉnh Lâm Đồng chấp thuận chủ trương khảo sát, Công ty sẽ sắp xếp lịch mời chuyên gia Đức đến làm việc tại Lâm Đồng thời gian tới.

Ecotree cũng đính kèm phương án tóm tắt thí điểm trồng rừng khu vực rừng Phi Liêng tại xã Phi Liêng, huyện Đam Rông, Lâm Đồng.

Trong đó, Ecotree giới thiệu họ là “một công ty khởi nghiệp xanh”, trụ sở tại TPHCM, chuyên tạo ra các giải pháp tài chính và môi trường bền vững.Thành lập năm 2014, hoạt động chủ yếu ở lĩnh vực kinh doanh cây trồng lâm nghiệp và phát triển các dự án trồng rừng.

“Ecotree cũng là đơn vị đối tác với các chuyên gia lâu năm và nhiều kinh nghiệm bên CHLB Đức để sản xuất và cung cấp tín chỉ carbon đạt tiêu chuẩn châu Âu. Các nhà đầu tư có thể đầu tư vào các dự án trồng cây bền vững của Ecotree và nhận được lợi nhuận từ tài sản của họ khi cây trưởng thành và được bán cho các công ty sản xuất”, nguyên văn giới thiệu của Ecotree.

Ecotree - Doanh nghiệp bí ẩn vừa kịp thay “tên đổi họ” để xin đầu tư chứng chỉ carbon tại Lâm Đồng
Hình ảnh về nhà sáng lập và CEO được Công ty giới thiệu trong văn bản gửi UBND tỉnh Lâm Đồng.
Ecotree - Doanh nghiệp bí ẩn vừa kịp thay “tên đổi họ” để xin đầu tư chứng chỉ carbon tại Lâm Đồng
Một đoạn thư ngỏ của CEO Krug về mục tiêu trồng rừng.

Liên quan đến “rừng phòng hộ Phi Liêng” ở khu vực phía Nam tỉnh Lâm Đồng, theo thông tin Ecotree đưa ra, tổng diện tích khu vực rừng được bảo vệ là gần 17,704 ha. Trong đó, đất có rừng là gần 11,900 ha, được chia thành ba loại rừng gồm rừng phòng hộ 7,727 ha, rừng sản xuất 6,173 ha, đất không có rừng là 3.8 ha.

Đồng thời, Công ty cũng tính toán các chi phí về nhân công, hạt giống, máy móc, bảo vệ tham gia trồng rừng khoảng 25 tỷ đồng, và nếu khó khăn công ty sẽ thực hiện chi trả toàn bộ cho tổng diện tích hơn 2,744 ha.

Ecotree - Doanh nghiệp bí ẩn vừa kịp thay “tên đổi họ” để xin đầu tư chứng chỉ carbon tại Lâm Đồng
Rừng Phi Liêng, nơi có nhiều con thác đẹp tại Lâm Đồng.

Ecotree là ai?

Theo tìm hiểu của người viết, CTCP Ecotree thành lập tháng 09/2014, trụ sở ban đầu tại quận Phú Nhuận, TPHCM. Đến nay sau khoảng gần 9 năm, Công ty có đến 3 lần đổi tên .

Cụ thể, , tên gọi ban đầu là Công ty TNHH Mắc ca Anh Quốc, ngành nghề kinh doanh chính là trồng cây có hạt chứa dầu (mắc ca), vốn điều lệ 20 tỷ đồng do ông Lê Thành Tùng (giữ chức Giám đốc) góp 60%, bà Nguyễn Thị Tự 40%.

Tháng 03/2015, cơ cấu cổ đông thay đổi khi ông Tùng giảm sở hữu còn 35%, bà Tự giữ nguyên 40%, xuất hiện cổ đông mới là bà Trịnh Thị Kim Cúc nắm 14% và Trần Ngọc Châu 11%. Đồng thời trụ sở chuyển đến số 27 Thạch Thị Thanh, phường Tân Định, quận 1, TPHCM.

Tháng 09/2019, Công ty đổi tên thành Công ty TNHH MTV Kingdom Group. Tháng 10/2019, Công ty bổ sung thêm trồng cây cacao trong ngành đăng ký kinh doanh chính, và dời trụ sở đến số 360 Hai Bà Trưng, phường Tân Định, quận 1, TPHCM.

Ngày 10/05, ngay thời điểm gửi văn bản đề xuất dự án trồng rừng lên UBND tỉnh Lâm Đồng, Công ty chính thức đổi tên thành CTCP Ecotree, đồng thời tiếp tục thay đổi trụ sở đến số 28B Đặng Tất, phường Tân Định, quận 1, TPHCM. Ngoài ra, Công ty cũng sửa đổi ngành nghề kinh doanh chính thành “trồng cây cacao, cây mắc ca và trồng cây hàng năm khác”. Đáng chú ý, cơ cấu cổ đông thay đổi khi ông Tùng giảm sở hữu còn 25%, xuất hiện loạt cổ đông mới gồm ông Phan Thanh Trung sở hữu 20%, ông Đào Hoàng Ngọc (sinh năm 1992, giữ chức Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật) 15%, bà Lê Thị Hoài Phương nắm 10%, ông Lê Ngọc Tiến 5%, ông Lê Quang Trung 5%, ông Nguyễn Văn Đinh 5%, Lê Ngọc Hân 5%, ông Trần Việt Hùng 5%, ông Nguyễn Minh Tuấn 5%.

Ông Lê Thanh Tùng và những dự án tại Đắk Lắk

Bên cạnh Ecotree, ông Lê Thanh Tùng (thường trú tại Đắk Lắk) góp vốn thành lập một loạt doanh nghiệp tại Đắk Lắk. Đầu tiên là CTCP Đại Khánh Solar được thành lập vào tháng 04/2017 với ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất, truyền tải và phân phối điện. Vốn điều lệ ban đầu 90 tỷ đồng do ông Tùng (giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc) góp 50%, CTCP Cà phê Anh Quốc 25%, ông Võ Hoàng Sơn 25%.

Tháng 05/2017, Cà phê Anh Quốc chuyển toàn bộ cổ phần cho ông Trần Tiến Lợi, ông Sơn cũng chuyển cho ông Lợi và bà Lê Thị Tuyết Vy, ông Tùng chuyển nhượng một phần cho bà Vy.

Ecotree - Doanh nghiệp bí ẩn vừa kịp thay “tên đổi họ” để xin đầu tư chứng chỉ carbon tại Lâm Đồng
Các cổ đông chuyển nhượng vốn trong Đại Khánh Solar

Về cổ đông lớn - CTCP Cà phê Anh Quốc, được thành lập tháng 03/2014 với tên gọi ban đầu là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Cao su Anh Quốc, vốn điều lệ 50 tỷ đồng; trong đó ông Tùng góp 51%, bà Trịnh Thị Kim Cúc (giữ chức Giám đốc) 49%. Tháng 08/2014, Công ty đổi tên thành Công ty TNHH Cao su Anh Quốc, cơ cấu cổ đông thay đổi khi ông Tùng giảm còn 41%, bà Cúc 49% và xuất hiện cổ đông mới Hồ Thị Kim Anh nắm 10%. Tháng 04/2015, Công ty đổi tên thành CTCP Cà phê Anh Quốc như hiện nay, ông Tùng nâng sở hữu lên 80% và giữ chức Chủ tịch HĐQT, bà Cúc giảm còn 10%, bà Lê Thị Tuyết Vy 10%.

Liên quan tới Đại Khánh Solar và ông Tùng, có Công ty TNHH Anh Quốc. Công ty này thành lập năm 2003 với tên gọi ban đầu là CTCP Anh Quốc, tháng 04/2016 đổi tên thành Công ty TNHH Anh Quốc và ông Tùng giữ vai trò Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật. Tháng 01/2017, Công ty có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, trong đó ông Tùng nắm 50% và bà Nguyễn Thu Thảo 50%. Tháng 04/2019, Công ty đổi tên thành Công ty TNHH Bảo Đại Group và giữ nguyên cho đến nay.

Vào năm 2011, Công ty Anh Quốc được UBND tỉnh Đắk Lắk cho thuê 1,165 ha đất xã Cư M’lan, huyện Ea Súp để sử dụng vào mục đích thực hiện dự án trồng cao su, trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng. Tuy nhiên, trong giai đoạn đến năm 2015, Công ty Anh Quốc lấy lý do thời tiết khô hạn kéo dài, vườn cây cao su và keo lai của Công ty bị chết khô hàng loạt Sau đó, Công ty xin chuyển mục đích sử dụng 700 ha để làm nhà máy điện mặt trời.

Cuối năm 2016, UBND tỉnh Đắk Lắk có công văn 9960/UBND-TH gửi Công ty TNHH Anh Quốc, Công ty TNHH Đại Khánh – đại diện Tập đoàn Canadian Solar, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương, UBND huyện Ea Súp về việc xét đề nghị của Công ty TNHH Anh Quốc đầu tư dự án điện năng lượng mặt trời tại Đắk Lắk. Theo đó, UBND tỉnh đồng ý cho những công ty này khảo sát lập đề xuất dự án với công suất dự kiến 350 Mw, quy mô 700 ha tại Tiểu khu 293 xã Cư M’Lam, huyện Ea Súp. Kinh phí thực hiện do nhà đầu tư chi trả.

Tuy nhiên, đến tháng 02/2017, UBND tỉnh Lâm Đồng ra Quyết định thu hồi 1,165 ha đất cùng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho Công ty Anh Quốc thuê, lý do Công ty vi phạm pháp luật về đất đai.

Sau thất bại tại dự án trên, ngày 14/01/2021, ông Tùng góp vốn thành lập Công ty TNHH H&T Solar Energy với ngành nghề chính là sản xuất điện, trụ sở tại số 57 Phạm Văn Đồng, phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Công ty có vốn điều lệ 9 tỷ đồng, ông Tùng (giữ chức Giám đốc) góp 50% và ông Lê Xuân Hùng 50%. Tháng 01/2023, toàn bộ phần vốn của ông Hùng được chuyển cho bà Lê Thị Tuyết Vy (có cùng địa chỉ liên lạc với ông Tùng) nắm giữ.

Đáng ngờ hơn, trong cùng ngày 14/01/2021 và tại địa chỉ 57 Phạm Văn Đồng, ông Tùng còn thành lập Công ty TNHH T&H Capital cùng ngành nghề sản xuất điện và số vốn, cơ cấu cổ đông giống y hệt T&H Solar Energy. Thậm chí ngày 18/01/2023, Công ty này cũng thay đổi cổ đông tương tự T&H Solar Energy.

Trong mảng sản xuất điện, ông Tùng còn góp vốn thành lập, đứng tên và làm Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp Xanh Đắk Lắk vào tháng 05/2021, vốn điều lệ 35 tỷ đồng. Hay Công ty TNHH Gia Tường BMT vào tháng 08/2020, vốn điều lệ 9 tỷ đồng; đến tháng 06/2022, chức Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật được chuyển giao từ ông Tùng sang ông Lê Văn Ba.

Ông Tùng còn lấn sân ở mảng xây nhà để ở, cụ thể Công ty TNHH MTV HCĐ thành lập tháng 09/2018 với vốn điều lệ 30 tỷ đồng, do bà Nguyễn Thị Khánh Chi (sinh năm 1997) làm Giám đốc khi mới 21 tuổi. Tháng 08/2020, ông Tùng được thay thế làm Giám đốc cho đến nay.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại