ECB tăng lãi suất có cứu được các nước châu Âu đang ngập nợ?
Giới phân tích lo ngại lãi suất vay cao hơn sẽ gây khó dễ cho các quốc gia châu Âu đang chìm sâu trong nợ, trong đó có Italy và Hy Lạp.
Theo trang mạng Marketplace của đài phát thanh Minnesota (Mỹ), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 21/7 đã tăng lãi suất lần đầu tiên trong hơn 11 năm nhằm đối phó với tình trạng lạm phát tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu tăng vọt.
Cụ thể, ECB nâng lãi suất tiền gửi 50 điểm cơ bản lên 0%, vượt mức dự kiến trước đó là 25 điểm cơ bản. Trước đó, Ngân hàng Trung ương Anh và Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất để kìm hãm giá cả hàng hóa tăng vọt trên thị trường.
Xung đột ở Ukraine và các vấn đề về chuỗi cung ứng do COVID-19 gây ra đã gia tăng chi phí sinh hoạt trên toàn thế giới, gây sức ép lên các gia đình.
Khu vực đồng tiền chung châu Âu là khu vực dễ bị tổn thương do các nước này hiện phụ thuộc rất nhiều vào Nga về dầu và khí đốt. Tuần này, EU đã kêu gọi các quốc gia thành viên bắt đầu phân bổ nguồn cung trong bối cảnh lo ngại Nga sẽ ngừng cung cấp khí đốt trong năm nay, khiến giá tiếp tục tăng cao.
Mặc dù ECB đã tăng lãi suất song Chủ tịch Christine Lagarde dự đoán lạm phát sẽ vẫn ở mức cao không mong muốn trong thời gian tới do sức ép liên tục từ giá năng lượng và đường ống khí đốt.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia lo ngại lãi suất vay tăng có thể ảnh hưởng đến các quốc gia châu Âu đang nợ nhiều.
“ECB đang đứng trước hai tình thế đầy khó khăn. Một mặt, họ phải đối phó với lạm phát và tăng lãi suất là điều bắt buộc. Tuy nhiên, mức nợ trên khắp khu vực đồng tiền chung châu Âu đang quá cao đối với một số quốc gia và họ không thể trả lãi suất cao hơn”, bà Stefan Legge – giảng viên kinh tế tại Đại học St. Gallen ở Thụy Sĩ – nhận định.
Ví dụ, tại Hy Lạp, nợ công đã vượt 190% GDP, trong khi con số đó tại Italy – nền kinh tế lớn thứ 3 trong khu vực đồng tiên chung châu Âu – là khoảng 150%.
“Chúng tôi lo ngại Italy, Hy Lạp hoặc một số quốc gia khác sẽ không thể trả lãi suất cao hơn và cuối cùng dẫn tới vỡ nợ”, bà Legge giải thích.
Những lo ngại này đã thúc đẩy lợi suất trái phiếu của các chính phủ đang nợ nhiều nhất trong khu vực đồng euro, khiến họ vay và trả nợ khó khăn hơn.
Không có đồng tiền của riêng mình, các nền kinh tế yếu hơn không thể phá giá đồng tiền để thoát khỏi khó khăn. Ông Lorenzo Codogno, cựu chuyên gia kinh tế trưởng của Bộ Tài chính Italy, cho biết thực trạng hiện này gợi nhớ đến cuộc khủng hoảng nợ gần như thổi bay đồng euro cách đây 1 thập kỷ.
Nhằm ngăn cuộc khủng hoảng nợ xảy ra, ECB đã tìm cách xoa dịu những lo ngại của nhà đầu tư bằng cách mua một lượng lớn trái phiếu từ các nền kinh tế yếu hơn, chủ yếu là các nước khu vực phía Nam, với giá trị khoảng 5.000 tỷ USD. Điều này đã giữ cho lợi suất trái phiếu duy trì ở mức thấp và ngăn không cho chúng không quá chênh lệch với lợi suất hiện hành của các nền kinh tế mạnh hơn.
Sarah Fowler, nhà phân tích kinh tế quốc tế của Oxford Analytica, nhận xét: “Điều quan trọng là phải duy trì ổn định của liên minh tiền tệ và ngăn các quốc gia có nền kinh tế yếu hơn phải chịu đựng nhiều hơn những gì họ phải chịu trong đại dịch”.
Mặc dù vậy, bà Fowler vẫn chỉ ra rất khó để ECB thu hẹp khoảng cách giữa các nước phía Bắc và phía Nam khu vực, cũng như đối mặt với nguy cơ về một cuộc khủng nợ không xa.
“ECB đang ở một tình thế khó khăn hơn so với FED. Kết quả là, các nhà đầu tư ít có niềm tin hơn vào kế hoạch của ECB”, bà Fowler nói và bổ sung rằng các nhà đầu tư đã thể hiện điều này khi đồng euro giảm xuống mức thấp nhất so với đồng USD trong 20 năm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận