“Duyệt” hơn 1.058.000 tỷ đồng, ưu tiên thanh toán nợ đọng, dự án cấp bách
Chiều nay (13/11), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2021, “duyệt” dự toán tổng chi 1.058.271 tỷ đồng, ưu tiên thanh toán nợ đọng, dự án cấp bách...
Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2021 được thông qua với 93,15% đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.
Cụ thể: Tổng số thu ngân sách trung ương là 739.401 tỷ đồng; tổng số thu ngân sách địa phương là 603.929 tỷ đồng. Tổng số chi ngân sách Trung ương là 1.058.271 tỷ đồng, trong đó dự toán 350.804 tỷ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.
Theo Nghị quyết, Quốc hội giao Chính phủ nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước và mức phân bổ ngân sách trung ương cho từng bộ, cơ quan trung ương và từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo đúng quy định của pháp luật và thông báo bằng văn bản đến từng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn các bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phân bổ vốn đầu tư ngân sách nhà nước theo thứ tự ưu tiên đã được quy định trong Luật Đầu tư công, Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có liên quan;
Ưu tiên thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi vốn ứng trước, dự án cấp bách, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, các dự án đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa bố trí đủ vốn, vốn đối ứng cho dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài;...
Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trình HĐND cùng cấp quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, dự toán chi ngân sách địa phương, bội chi ngân sách địa phương, tổng mức vay của ngân sách địa phương (bao gồm vay để bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc), quyết định phân bổ dự toán ngân sách theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật.
Quốc hội giao Chính phủ điều hành kinh phí chi trả chi phí phát hành, mua lại, hoán đổi, thanh toán trái phiếu chính phủ trong phạm vi dự toán chi trả nợ lãi của ngân sách trung ương năm 2021 được Quốc hội quyết định. Chủ động thực hiện các giải pháp cơ cấu lại nợ công theo quy định của Luật Quản lý nợ công.
Nghị quyết giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban khác của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc phân bổ ngân sách Trung ương năm 2021 của các bộ, cơ quan ngang bộ, các cơ quan khác ở Trung ương và hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân các cấp.
Kiểm toán Nhà nước, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tiến hành kiểm toán việc thực hiện phân bổ ngân sách Trung ương bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
Quốc hội cũng giao Chính phủ tiếp tục thực hiện cơ chế tài chính đặc thù được cấp có thẩm quyền quy định đối với một số cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước cho tới khi thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TƯ ngày 21/5/2018 của trung ương; giao, hướng dẫn nhiệm vụ thu, chi năm 2021 cho các cơ quan, đơn vị này tiết kiệm chi tối thiểu 15% so với năm 2020.
Đối với một số địa phương thu ngân sách địa phương năm 2021 giảm lớn, ngân sách trung ương hỗ trợ bảo đảm mặt bằng dự toán chi cân đối ngân sách địa phương năm 2021 không thấp hơn dự toán năm 2017 tính theo đúng nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên ngân sách nhà nước đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định; đồng thời, hỗ trợ theo quy định để đảm bảo địa phương này đủ nguồn kinh phí thực hiện chính sách tiền lương, chính sách an sinh xã hội đã được cấp có thẩm quyền ban hành.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận