menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Thúy Hà

Duy trì room tín dụng là cần thiết

Các chuyên gia cho rằng, thời điểm này vẫn cần thiết phải duy trì công cụ room tín dụng. Chuyên gia cho rằng với áp lực lạm phát như hiện nay, NHNN cần nên thận trọng với cung tiền và cần kiên định với định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm ở mức 14%.

Hướng dòng vốn vào sản xuất

Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đến ngày 31/8, tín dụng tăng 9,95% so với cuối năm 2021. Tuy nhiên, theo đánh giá của TS. Trương Văn Phước, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, tốc độ tăng trưởng tín dụng nêu trên phù hợp với tốc độ phục hồi của nền kinh tế. Bên cạnh đó theo ông Phước, việc NHNN nới room tín dụng cho các ngân hàng vào thời điểm này cũng hoàn toàn hợp lý để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, dự báo cả năm GDP có thể đạt mục tiêu 6,5% thậm chí cao hơn.

Đồng tình quan điểm này, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, việc nới room tín dụng của NHNN sẽ hỗ trợ tích cực cho nền kinh tế phục hồi. Tuy nhiên để phát huy hiệu quả tín dụng và ngăn ngừa rủi ro nợ xấu cũng như để tránh tạo áp lực lạm phát cho giai đoạn về sau, cần hướng dòng tín dụng tập trung vào sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên, các dự án của doanh nghiệp có khả năng phục hồi tốt, có sức lan tỏa cao; đồng thời cần tiếp tục kiểm soát chặt tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Trên thực tế theo tìm hiểu của phóng viên, ngay sau khi được nới room tín dụng, các ngân hàng đã bắt đầu giải ngân nhiều hơn các khoản vay phục vụ sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên. Lãnh đạo Vietcombank cho biết, với room tín dụng được cấp thêm, ngân hàng tập trung giải ngân vào các lĩnh vực sản xuất, ngành nghề thiết yếu của nền kinh tế. Trong khi lãnh đạo một ngân hàng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cũng thông tin, trên cơ sở được giao thêm, ngân hàng phân bổ vốn mới cho các chi nhánh nhưng có chọn lọc tập trung vào lĩnh vực ưu tiên, hạn chế vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như BĐS... “Đây cũng là cam kết của ngân hàng đối với NHNN khi được nới room”, vị này cho hay.

Trên thực tế, hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2022 được phân cho từng TCTD dựa trên hai cơ sở. Thứ nhất là kết quả xếp hạng từng TCTD theo quy định tại Thông tư 52/2018/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung); Thứ hai dựa trên một số yếu tố cụ thể hóa chủ trương, định hướng điều hành của Chính phủ, NHNN như việc TCTD tham gia hỗ trợ xử lý các TCTD yếu kém; giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân; tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro…

“Việc điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng theo Thông tư 52 là nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ đồng thời khuyến khích các tổ chức tín dụng nâng cao khả năng quản trị kinh doanh, an toàn hoạt động, góp phần lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng”, NHNN nêu rõ.

Kiên định định hướng tăng trưởng 14%

Cũng có ý kiến cho rằng, hiện áp lực lạm phát không còn căng thẳng như giai đoạn trước nữa nên có thể nghiên cứu mở rộng room tín dụng tăng cao hơn mục tiêu 14% để tăng nguồn lực cho các doanh nghiệp phục hồi lấy lại đà phát triển… Tuy nhiên theo TS. Võ Trí Thành, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, với áp lực lạm phát như hiện nay, NHNN cần nên thận trọng với cung tiền và cần kiên định với định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm ở mức 14%. Thậm chí theo TS. Thành, đây là con số tăng trưởng không hề thấp nếu xét trên nhiều yếu tố như tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam tăng nhanh trong giai đoạn gần đây và đang ở mức cao, khi đến cuối năm 2021 tỷ lệ này đã đạt 124%, tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống tài chính.

Gần đây WB, IMF, hay các tổ chức xếp hạng tín nhiệm toàn cầu đều cảnh báo về tỷ lệ này của Việt Nam. Chẳng hạn mới đây Moody’s đã nâng mức tín nhiệm quốc gia của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, nhưng tiếp tục cảnh báo tỷ lệ tín dụng trong nước/GDP và tỷ lệ tổng tài sản của ngân hàng trong nước/GDP đã tăng lần lượt lên 124% và 187% trong năm 2021, là một trong những tỷ lệ cao nhất trong số quốc gia xếp hạng Ba và Baa. Chưa kể áp lực ngắn hạn đối với tỷ giá, lãi suất vấn đề tăng vốn của các ngân hàng không theo kịp quy mô tăng tín dụng… cũng các tổ chức quốc tế (IMF, WB, Fitch Ratings, S&P) cảnh báo.

Theo TS. Thành, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải thúc đẩy phát triển thị trường vốn; cần nhanh chóng sửa đổi Nghị định 153 về giao dịch, chào bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ để thúc đẩy thị trường trái phiếu trở thành kênh dẫn vốn hiệu quả cho nền kinh tế.

Không phủ nhận nền kinh tế Việt Nam hiện nay cần vốn, theo TS. Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng, điều quan trọng là khả năng hấp thụ vốn. “Nếu hấp thụ được vốn thì việc bơm vốn mới có hiệu quả; còn không hấp thụ được vốn mà bơm vốn là họa chứ không phải là phúc”, TS. Lịch nhấn mạnh.

Cũng chung quan điểm, TS. Trần Đình Thiên, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, phối hợp chính sách tài khóa, tiền tệ là khâu quyết định bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không gây ra những căng thẳng cho nền kinh tế.

Không chỉ chuyên gia trong nước, các chuyên gia tại các tổ chức quốc tế cũng khuyến nghị NHNN nên thận trọng trong điều chỉnh chính sách. Ông Francois Phainchaud, Trưởng đại diện Văn phòng Đại diện IMF tại Việt Nam cũng cảnh báo, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng/GDP của Việt Nam tăng cao, trong khi các vấn đề như tăng vốn lại chưa theo tiêu chuẩn khu vực, tiềm ẩn rủi ro. Vì vậy NHNN cần tiếp tục tăng cường quản lý hệ thống ngân hàng với những chính sách cẩn trọng đối với vấn đề này. Nếu tăng trần tín dụng sẽ làm giảm hiệu lực các chính sách nêu trên trong kiềm chế lạm phát.

Đặc biệt các chuyên gia cho rằng, thời điểm này vẫn cần thiết phải duy trì công cụ room tín dụng. TS. Trần Hoàng Ngân nhìn nhận, mặc dù room tín dụng là một công cụ hành chính, nhưng vẫn phù hợp trong bối cảnh hiện nay. “Chỉ đến khi nào hệ thống ngân hàng được củng cố, tái cơ cấu ổn định mạnh mẽ. Có thể điều hành chính sách tiền tệ thông suốt không bị gãy ở những điểm thắt do yếu kém thì lúc đó mới có thể bỏ room”, TS. Ngân chia sẻ quan điểm.

Đồng tình như vậy, TS. Trương Văn Phước cho rằng, trước mắt việc duy trì room là rất quan trọng. Nhưng thời gian tới, chính sách tiền tệ cần phải định hướng dòng chảy tín dụng qua các hệ số rủi ro. Nếu ngân hàng cho vay ngành nghề nào rủi ro nhiều thì room phải thấp. “Việc xác định room tín dụng cho các ngân hàng cần dựa vào cơ cấu tín dụng và các hệ số rủi ro. Đây là cách hỗ trợ cho chính sách tài khóa một cách gián tiếp, vì nếu như dòng vốn đi vào nền kinh tế hiệu quả làm cho lạm phát thấp xuống”, TS. Phước nói thêm.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
2 Yêu thích
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại