Duy trì phong độ, xuất khẩu đồ gỗ 9 tháng đạt 8,5 tỷ USD
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 9 tháng năm 2020 vẫn duy trì đà tăng trưởng tốt, ít chịu ảnh hưởng của đại dịch, với kim ngạch 8,5 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi phần lớn các ngành hàng xuất khẩu đều bị tác động bởi đại dịch Covid-19, khiến kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh, thì ngành sản xuất, biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ vẫn duy trì được "phong độ" xuất khẩu.
Theo Bộ Công Thương, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới, ngành gỗ tuy ít chịu tác động về nguồn nguyên liệu nhập khẩu nhưng vẫn bị ảnh hưởng mạnh do nhu cầu tiêu dùng đồ gỗ trên thế giới giảm, hàng hóa không xuất khẩu được. 9 tháng năm 2020, so với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa; sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện giảm 5,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Tuy nhiên, với sự nỗ lực, sáng tạo, đồng hành chia sẻ của toàn ngành cũng như các doanh nghiệp ngành gỗ, sự sáng tạo trong bán hàng giúp doanh nghiệp cải tiến quản trị, hay đàm phán tìm kiếm khách hàng, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 9 tháng qua vẫn duy trì đà tăng trưởng tốt, ước đạt 8,5 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước.
Đánh giá của Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest), trong quý II, do ảnh hưởng trầm trọng của đại dịch, nhiều doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng, hàng chục nghìn lao động phải tạm ngưng, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, một số nguồn tin dự báo ngành có tăng trưởng âm. Tuy nhiên, đầu từ tháng 6/2020, ngành gỗ đã tăng trưởng trở lại hai con số.
Bên cạnh các chính sách hỗ trợ kịp thời của Chính phủ trong giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch, cũng có những chuỗi cung ứng hoàn toàn không bị đứt gãy, thậm chí còn phát triển hơn trước giai đoạn đại dịch như mặt hàng tủ bếp, tủ nhà tắm, ván trang trí…
Cụ thể, chuỗi cung ứng của mặt hàng tủ bếp, tủ nhà tắm (chưa kể ván trang trí) không bị đứt gãy ở đỉnh điểm của đại dịch. 9 tháng đầu năm tháng xuất khẩu đạt trên gần 1 tỷ USD, tăng trên 80% so với cùng kỳ.
Trong 3 tháng cuối năm, các doanh nghiệp kỳ vọng tình hình dịch bệnh tại các thị trường xuất khẩu truyền thống của ngành chế biến gỗ sẽ được kiểm soát tốt hơn. Thêm vào đó, các doanh nghiệp cũng kỳ vọng vào Hiệp định EVFTA được triển khai thực thi hiệu quả sẽ thu hút nhiều đơn hàng xuất khẩu từ các nước thành viên trong thời gian tới.
Đặc biệt, với tốc độ tăng trưởng 12-15%, nếu không có gì đặc biệt, ngành gỗ sẽ cán đích 13 tỷ USD trong năm 2020.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận