Đường trên cao ở TP HCM dự kiến tăng vốn 8.000 tỷ đồng
Đường trên cao nối Nam Sài Gòn với khu vực sân bay Tân Sơn Nhất được đề xuất làm theo hình thức PPP, tổng vốn hơn 38.000 tỷ đồng, tăng gần 8.000 tỷ so với trước.
Nội dung đề cập trong báo cáo tóm tắt đề xuất dự án, vừa được Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM (CII) gửi cấp thẩm quyền thành phố. So với trước, phương án đầu tư tuyến đường hiện được nghiên cứu rõ hơn, đề xuất triển khai theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).
Dự án dài 14,1 km, 4 làn xe, điểm đầu từ nút giao Cộng Hoà - Trường Chinh (quận Tân Bình), sau đó chạy dọc các tuyến Cộng Hoà - Bùi Thị Xuân - hẻm 656 (đường Cách Mạng Tháng Tám) - Bắc Hải - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - dọc kênh Ông Lớn và kết thúc tại đường Nguyễn Văn Linh (quận 7). Tuyến được kết hợp từ các phân đoạn ba đường trên cao có trong quy hoạch gồm số 1, 2 và 3.
CII cho hay do chưa đủ điều kiện xác định thời điểm triển khai nên đơn vị tư vấn dựa theo thiết kế sơ bộ, suất đầu tư; chi phí giải phóng mặt bằng năm 2022 ước tính tổng vốn cho dự án. Theo đó, trong tổng mức đầu tư được khái toán khoảng 38.200 tỷ đồng, phần bồi thường chiếm gần 19.000 tỷ và xây dựng khoảng 19.200 tỷ đồng.
Mức tăng hơn 8.000 tỷ so với trước chủ yếu ở công tác giải phóng mặt bằng. Dự kiến diện tích giải toả làm dự án hơn 12 ha tại các quận Tân Bình, 3, 10, 1, 5 và 8; giải tỏa trắng gần 1.200 hộ dân.
Trong nhiều mô hình tài chính, CII cho biết dự án có mức đầu tư quá lớn nên việc triển khai toàn bộ theo hình thức PPP không khả thi. Vì vậy đơn vị đề xuất tách thành hai dự án, gồm: đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư (sử dụng ngân sách) và đầu tư xây đường trên cao bằng hình thức BOT. Thời gian thực hiện dự án thứ hai dự kiến 36 tháng sau khi dự án thứ nhất hoàn thành.
Về phương án hoàn vốn dự án, mức phí được đơn vị trên dự kiến thu tại năm 2026 là 130.000 đồng mỗi lượt (suốt tuyến), áp dụng cho ôtô dưới 12 chỗ, buýt, xe tải dưới hai tấn. Mức phí sau 5 năm điều chỉnh tăng một lần, mỗi lần 25%. Với mức thu này, CII dự tính phải hơn 50 năm nhà đầu tư mới hoàn 90% vốn. Do vậy đơn vị kiến nghị được khai thác dịch vụ phía trên đường trên cao để khả thi trong phương án tài chính.
Theo đó, CII đề xuất nhà đầu tư được xây dựng và khai thác căn hộ dịch vụ cho thuê 49 năm phía trên phần đường qua cù lao Nguyễn Kiệu (quận 4). Do tuyến trên cao xuyên qua nội đô, cần nhà điều hành có khả năng tiếp giáp nhằm phục vụ quản lý thu phí, duy tu, cứu hộ khẩn cấp... đơn vị trên kiến nghị được giao lô A9 thuộc khu C30 (quận Tân Bình) để xây dựng toà nhà và văn phòng cho thuê.
Đại diện CII cho biết các sở, ngành tại TP HCM đã xem xét đề xuất dự án, nhưng trong phương án đầu tư có thêm phần làm các căn hộ cho thuê nên đề nghị đơn vị tính lại và cập nhật thêm về chi phí đầu tư tuyến đường.
TP HCM được quy hoạch 5 đường trên cao dài gần 71 km, nhưng hiện chưa có tuyến nào được đầu tư. Năm ngoái, tuyến Số 5 giai đoạn một (nút giao Trạm 2 - ngã tư An Sương), tổng vốn hơn 15.400 tỷ đồng cũng được doanh nghiệp đề xuất nghiên cứu làm theo hình thức PPP, dự tính thực hiện từ nay đến năm 2025. Ngoài tuyến này, đường trên cao Số 1 (nút giao Lăng Cha Cả - đường Ngô Tất Tố) đang được đề xuất sớm thực hiện.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận