menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Hà Ngọc Linh

Đường sắt Yên Viên - Ngọc Hồi gần 20 năm vẫn chưa khởi công

Dự án đường sắt đô thị Yên Viên - Ngọc Hồi được phê duyệt năm 2004, bao gồm xây cầu đường sắt mới để thay thế cầu Long Biên, song đến nay vẫn chưa được xây dựng.

Năm 2004, Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi, dài 28,7 km, là đường đôi khổ lồng 1.000 mm và 1.435 mm. Trên tuyến sẽ xây dựng hai cầu đường sắt mới qua sông Hồng và sông Đuống để thay thế cầu Long Biên và cầu Đuống hiện tại.

Đoạn phía bắc từ ga Hà Nội đi trên cao theo tim đường sắt hiện nay, qua phố Lê Duẩn, Trần Phú, Trần Nhật Duật đến Long Biên, qua cầu vượt sông Hồng. Sau đó, tuyến đường sẽ đi trên cao qua Long Biên, Gia Lâm, dừng ở ga Yên Viên. Đoạn phía nam đi trên cao từ ga Hà Nội theo đường Giải Phóng tới ga Ngọc Hồi.

Đường sắt sẽ được xây dựng cao tối thiểu 5 m so với mặt đất. Toàn tuyến có 16 ga, trong đó 5 ga dùng chung giữa đường sắt đô thị và đường sắt quốc gia là Ngọc Hồi, Giáp Bát, Hà Nội, Gia Lâm, Yên Viên.

Năm 2007, Bộ Giao thông Vận tải điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, tách ra làm hai giai đoạn. Giai đoạn một sẽ xây dựng tổ hợp Ngọc Hồi và đoạn Gia Lâm - Giáp Bát với tổng mức đầu tư 19.460 tỷ đồng, trong đó vốn vay ODA của Nhật Bản hơn 13.970 tỷ đồng, vốn đối ứng của Việt Nam là 5.480 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2017.

Giai đoạn hai gồm xây dựng đoạn Giáp Bát - Ngọc Hồi và đoạn Yên Viên - Gia Lâm. Trong đó, giai đoạn 2A cho đoạn Giáp Bát đến Ngọc Hồi dài 5,6 km, với tổng mức đầu tư 24.825 tỷ đồng (trong đó vốn vay ODA của Nhật Bản là hơn 20.340 tỷ đồng, vốn đối ứng 4.470 tỷ đồng).

Dự án được giao cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư. Năm 2009, doanh nghiệp này đã ký hợp đồng tư vấn kỹ thuật dự án với phía Nhật Bản. Nhà thầu tư vấn Nhật Bản là liên doanh 5 công ty mà đứng đầu là Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC).

Năm 2014, nhiều quan chức của Ban Quản lý dự án đường sắt (RPMU) thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam bị truy cứu hình sự vì nhận hối lộ của Công ty Tư vấn JTC Nhật Bản. Việc này đã ảnh hưởng tới quá trình triển khai dự án đường sắt đô thị Yên Viên - Ngọc Hồi. Hợp đồng với đơn vị tư vấn nước ngoài phải chấm dứt, hồ sơ thiết kế kỹ thuật của tư vấn không được phê duyệt.

Sau loạt bê bối, dự án đường sắt đô thị Yên Viên - Ngọc Hồi được chuyển giao chủ đầu tư là Bộ Giao thông Vận tải. Tuy nhiên, dự án vẫn chỉ tập trung vào giải phóng mặt bằng, thiết kế, lựa chọn nhà thầu cho các gói thầu chính, chưa triển khai được gói thầu thi công, xây lắp nào. Tổ hợp Ngọc Hồi đã thực hiện giải phóng mặt bằng hơn 100 ha đất.

Dự án tiếp tục được điều chỉnh thời gian hoàn thành đến năm 2024. Song hiện nay dự án vẫn chưa xong giải phóng mặt bằng do nguồn vốn đối ứng bố trí hàng năm không đáp ứng được so với nhu cầu.

Năm 2019, Bộ Giao thông Vận tải đã tính toán lại tổng mức đầu tư, dự kiến toàn tuyến đường sắt đô thị số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi cần khoảng 81.530 tỷ đồng mới đảm bảo triển khai.

Giải thích về dự án chậm triển khai và tăng vốn, Bộ Giao thông Vận tải cho biết do dự án có quy mô lớn, kỹ thuật - công nghệ mới, quá trình triển khai đã gặp phải nhiều khó khăn như xác định vị trí, phương án kiến trúc cầu đường sắt mới vượt sông Hồng; điều chỉnh hướng tuyến đoạn Gia Lâm đến ga Nam Long Biên để phù hợp với vị trí cầu mới; vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật và cơ chế tài chính, trượt giá xây dựng trong thời gian thực hiện.

Vị trí cầu Long Biên mới để thay thế cầu cũ cũng được các cơ quan bàn thảo, lấy ý kiến qua nhiều năm. Năm 2014, Bộ Giao thông Vận tải đã lấy ý kiến về phương án xây dựng cầu đường sắt Long Biên mới qua sông Hồng. Cầu mới nằm theo tim cầu hiện tại, di dời 9 nhịp cầu cũ về phía thượng lưu để bảo tồn với chi phí khoảng 7.980 tỷ đồng. Cầu mới sẽ có đường sắt đôi chạy giữa, hai bên dành cho ôtô, xe máy và xe thô sơ. Ngoài ra, còn có các phương án giữ nguyên cầu Long Biên cũ, làm cầu mới cách cầu cũ 30 m, 186 m hoặc 75 m.

Sau đó hai năm, Hà Nội mới chốt phương án xây dựng cầu Long Biên mới cách cầu Long Biên hiện tại 75 m về phía thượng lưu, kiến trúc dầm - vòm thép, chiều cao thấp để hạn chế che chắn tầm nhìn từ phía thượng lưu đối với cầu Long Biên. Mố, trụ cầu mới đảm bảo tương thích cầu cũ, chiều cao thông thủy đảm bảo tĩnh không thông thuyền.

Theo Luật Đường sắt, dự án đường sắt đô thị số 1 sẽ phải do UBND TP Hà Nội làm chủ đầu tư. Do đó, Bộ Giao thông Vận tải đang bàn giao hồ sơ, tài liệu liên quan đến dự án để TP Hà Nội tiếp tục nghiên cứu, đầu tư trong thời gian tới. Dự án này tiếp tục lỗi hẹn vào năm 2024, cầu Long Biên vẫn chưa được thay thế bằng cầu mới phục vụ giao thông đường sắt qua sông Hồng.

Trong khi đó, cầu Long Biên phục vụ ba tuyến đường sắt quốc gia gồm Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Đồng Đăng và Hà Nội - Lào Cai sau 120 năm xây dựng đã xuống cấp nghiêm trọng. Tháng 5 vừa qua, sàn cầu dành cho người đi bộ và xe thô sơ hai lần bị thủng, đơn vị quản lý phải vá tạm.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Mã liên quan
Giá
Biểu đồ

3,560.00

+88.00 (+2.53%)

Biểu đồ mã Steel
5 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại