Đường sắt Nhổn - ga Hà Nội sắp nhận đủ tàu, có kịp khai thác cuối năm 2021?
Dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội với công nghệ tiên tiến của châu Âu cần sớm đưa vào khai thác để lấy lại “thể diện” cho các dự án Metro của Thủ đô...
Dự án đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội có chiều dài 12,5km, gồm 8,5km đi trên cao và 4km đi ngầm, với mục tiêu hoàn thành, đưa vào khai thác đoạn trên cao vào cuối năm 2021 và toàn tuyến vào cuối năm 2022. Hiện nay đoạn trên cao của dự án chỉ còn hơn 10% khối lượng công việc để đạt mục tiêu. Tuy nhiên, do tác động của dịch Covid-19, mục tiêu này khó khả thi.
Nhiều hạng mục đạt gần 90% công việc
Theo báo cáo của Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB), tính đến tháng 8/2021, tiến độ tổng thể của dự án đạt 74%, trong đó tiến độ triển khai đoạn trên cao từ khu Depot tới ga S8-Cầu Giấy đạt 89,4%.
Ông Lê Trung Hiếu, Phó giám đốc Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, khó khăn hiện nay của dự án là vừa phải tổ chức thi công vừa phải chống dịch Covid-19 và duy trì sản xuất.
“Hiện trên toàn công trường, trung bình mỗi ngày có khoảng 530 người thi công, riêng hai ngày cuối tuần có khoảng 200 người”, ông Hiếu nói.
Dự án có 9 gói thầu, hiện gói thầu huy động nhiều nhân lực nhất là CP6 (cung cấp, lắp đặt các đoàn tàu, thiết bị trung tâm điều hành OCC; thông tin, tín hiệu khu Depot…) với 140 nhân lực.
“Gói thầu này đang tập trung thi công hạng mục lắp đặt và thử nghiệm hệ thống thiết bị dọc tuyến đoạn trên cao và tại Depot. Đây cũng là gói thầu được đánh giá có vai trò quan trọng của dự án, bởi tập trung thiết bị, công nghệ và đoàn tàu được chế tạo, nhập khẩu từ nước ngoài”, ông Hiếu nói.
Theo lãnh đạo MRB, trong thời gian vừa qua, các đoàn tàu của dự án bắt đầu được đưa vào vận hành thử toàn dọc tuyến trên cao có độ dài 8,5km, từ Depot Nhổn đến ga S8 (Nhổn-Cầu Giấy) và ngược lại nhằm đánh giá, đảm bảo sự kết nối giữa các hệ thống thành phần cũng như đảm bảo các chức năng của toàn bộ hệ thống đường sắt Nhổn-ga Hà Nội được thực hiện một cách an toàn, ổn định khi đưa vào khai thác.
“Sau khi hoàn thành công tác thử nghiệm liên động, dự án sẽ chuyển sang giai đoạn kiểm tra chạy thử”, ông Hiếu thông tin.
Dịch Covid-19 làm chậm bàn giao các đoàn tàu và thiết bị
Theo lãnh đạo MRB, trong hợp đồng ký kết, nhà thầu thực hiện thiết kế, chế tạo và lắp đặt 10 đoàn tàu dành riêng cho tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội. Các đoàn tàu đều được chế tạo tại Pháp, dự kiến tháng 7/2021 hoàn thành vận chuyển đủ các đoàn tàu.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tiến độ sản xuất, vận chuyển bị chậm hơn. Đoàn tàu đầu tiên được đưa về dự án vào tháng 10/2020 và đến nay mới nhận được 8 đoàn tàu.
"Trong tháng 9/2021, nhà thầu sẽ hoàn thành việc vận chuyển 10 đoàn tàu về dự án để lắp đặt, thử nghiệm theo quy trình", lãnh đạo MRB thông tin.
Cũng theo MRB, từ tháng 7/2021, nhà thầu gói CP6 bắt đầu vận hành thử nghiệm đoàn tàu và thử nghiệm liên động hệ thống thông tin, tín hiệu dọc đoạn 8,5km trên cao, từ Depot Nhổn đến ga S8 Cầu Giấy và ngược lại.
“Các bước thử nghiệm đoàn tàu và hệ thống thông tin, tín hiệu tại dự án gồm: kiểm tra nghiệm thu tĩnh đoàn tàu trong Depot (không điện và có điện); kiểm tra nghiệm thu chạy thử trên tuyến chính; kiểm tra nghiệm thu liên động tích hợp với các hệ thống thiết bị của dự án; nghiệm thu chạy thử (với sự tham gia của Cục Đăng Kiểm VN, tư vấn đánh giá độc lập về an toàn hệ thống); sau cùng mới nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng”, MRB cho biết.
Khả năng cao là không thể hoàn thành vào cuối năm
Theo lãnh đạo MRB, gói thầu CP09 của “Hệ thống thu vé tự động” cũng là gói thầu cuối cùng và quan trọng của dự án đường sắt đô thị đoạn Nhổn-ga Hà Nội chính thức khởi công vào ngày 22/10/2020. Tuy nhiên, ngày 30/8 vừa qua, hệ thống thu vé tự động mới chính thức về Việt Nam để chuẩn bị cho việc lắp đặt, vận hành thương mại đoạn trên cao.
“Gói thầu này dự kiến hoàn thành vào tháng 4/2021, nhưng cách đây vài ngày mới vận chuyển xong thiết bị về dự án do bị chậm vì dịch Covid-19. Hiện MRB vừa phối hợp cùng các nhà thầu hoàn tất các thủ tục thông quan tại cảng Hải phòng và đang tiến hành vận chuyển các thiết bị thuộc hệ thống thu vé tự động phục vụ cho giai đoạn vận hành đoạn trên cao về Hà Nội bằng xe chuyên dụng”, ông Hiếu cho biết.
Lãnh đạo MRB cho biết, các thiết bị của hệ thống thẻ vé đã được vận chuyển từ Pháp về đến Việt Nam bao gồm máy bán vé tự động, hệ thống cửa, máy bán vé đặt tại phòng vé (TOM), máy khởi tạo thẻ (CIM), thiết bị soát vé cầm tay (PCD)…cùng các phụ kiện, vật tư dự phòng của các thiết bị này để lắp đặt, phục vụ cho việc vận hành thương mại của giai đoạn 1 - tuyến đoạn trên cao.
Phạm vi công việc bao gồm thiết kế, cung cấp và lắp đặt hệ thống thu vé tự động gồm 4 hạng mục chính: phương tiện vé (vé không tiếp xúc và thẻ không tiếp xúc); các thiết bị nhà ga phục vụ giao diện hành khách (gồm các máy bán vé tự động, các cổng kiểm soát vé ra vào tự động…); các thiết bị điều khiển và giám sát tại các nhà ga; thiết lập và điều khiển dữ liệu tại trung tâm điều hành; hệ thống được thiết kế theo tiêu chuẩn châu Âu, các thiết bị có xuất xứ chủ yếu từ Pháp.
Theo ông Hiếu, dịch Covid-19 kéo theo việc nhập khẩu thiết bị, huy động chuyên gia nước ngoài bị ảnh hưởng. Các công trường cũng không thể huy động toàn bộ nhân lực thi công để đảm bảo yêu cầu chống dịch.
“Dự án đang tiếp tục nỗ lực cao nhất để thi công các gói thầu trong điều kiện vừa làm vừa chống dịch. Tuy vậy, khả năng dự án sẽ không đạt được mốc tiến độ khai thác, vận hành vào cuối năm 2021”, ông Hiếu thông tin.
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thuỷ cho rằng, một thực tế hiện nay là chúng ta đưa ra nhiều nhưng kết quả chưa được là bao vì hiện chưa có tuyến đường sắt đô thị nào vận hành, người dân chưa được thụ hưởng về đường sắt đô thị.
Trong khi xe buýt không thể cạnh tranh nổi với các phương tiện cá nhân đày đặc vào bất kỳ khung giờ nào trong ngày, hiện người dân chỉ cần biết phương tiện nào thuận lợi hơn thì họ sử dụng các tuyến Metro.
“Giao thông đô thị phải làm nhanh gọn, nếu làm chậm sẽ tốn kém, lãng phí, nếu kéo dài sẽ không phù hợp với công nghệ và sự phát triển của dân số, do đó phải làm “cuốn chiếu” từng phần theo sự phát triển của đô thị”, ông Thuỷ lưu ý.
Mặt khác, ông Thủy cho rằng, sau quá nhiều tai tiếng của dự án Đường sắt Cát Linh – Hà Đông, thì Dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội với công nghệ tiên tiến của châu Âu cần sớm đưa vào khai thác để lấy lại “thể diện” cho các dự án Metro của Thủ đô./.
Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội có chiều dài 12,5km, gồm 8,5km đi trên cao và 4km đi ngầm. Dự án có tổng mức đầu tư 1.176 triệu Euro, từ nguồn vốn vay ODA Ngân hàng đầu tư châu Âu, Chính phủ Pháp, Ngân hàng phát triển châu Á và vốn đối ứng trong nước.
Năm 2019, Hà Nội đặt mục tiêu đưa đoạn trên cao vào khai thác, vận hành vào cuối năm 2021 và toàn tuyến vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, đơn vị quản lý dự án cho biết, do ảnh hưởng của dich Covid-19 nên tiến độ các gói thầu bị chậm. Vì vậy, dự án sẽ không kịp khai thác, dự án dự kiến sẽ hoàn thành, khai thác trước đoạn trên cao vào cuối năm 2021, toàn tuyến vào cuối năm 2022.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận