Đường sắt hành động để cạnh tranh với các loại hình vận tải
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) kết thúc năm sản xuất kinh doanh 2020 với mức lỗ hơn 1.300 tỷ đồng, mức lương người lao động giảm 14% và đang tiếp tục đứng trước nguy cơ "bốc hơi" 3.200 tỷ đồng vốn chủ sở hữu khi đối mặt với đợt dịch COVID-19 lần 3, trong khi ngành vẫn yếu thế nếu cạnh tranh với các loại hình vận tải khác. Thực tế này đòi hỏi VNR phải hành động ngay để không bị thụt lùi.
Hoạt động lay lắt
Theo Chủ tịch HĐTV VNR Vũ Anh Minh, năm 2020 và tháng đầu năm 2021, ngành Đường sắt đã chịu những tác động tiêu cực từ dịch bệnh COVID-19 và những bất lợi về điều kiện thời tiết cho lịch chạy tàu tại miền Trung. Bên cạnh đó, hạ tầng đường sắt lạc hậu, bị bó buộc bởi nhiều cơ chế chính sách chưa được tháo gỡ... Thực tế này đã phá vỡ toàn bộ kế hoạch khôi phục vận tải hành khách của các đơn vị vận tải đường sắt trong các đợt vận tải cao điểm hè, lễ, Tết. Số lượng hành khách đi tàu có tháng chỉ đạt 30-35% so với cùng thời điểm năm 2018-2019, mức thấp nhất trong lịch sử ngành đường sắt.
Cùng với đó, việc triển khai thi công dự án cải tạo, nâng cấp hạ tầng tuyến đường sắt Hà Nội-TP Hồ Chí Minh trị giá 7.000 tỷ đồng, cũng ảnh hưởng tới hoạt động chạy tàu, khi có tới hơn 50 điểm chạy chậm hoặc phải phong tỏa theo khu đoạn, khiến đường sắt phải cắt giảm chạy tàu khách trên tất cả các tuyến, dẫn đến người lao động thiếu việc làm, phải bố trí cho lao động tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ luân phiên không hưởng lương từ 5-13 ngày công/tháng...
Trong 5 tháng qua, nhiều thời điểm, VNR có đoàn tàu chỉ đạt 10-15% lượng khách, nhưng vẫn phải chạy để duy trì mặc dù lỗ nặng, nhiều tuyến tàu du lịch vắng khách, nên phải tạm dừng hoạt động, cắt giảm tần suất như tuyến Hà Nội-Lào Cai, trong khi doanh thu của ngành vốn phụ thuộc lớn vào hoạt động vận tải. “Với tình hình như hiện nay và dịch bệnh COVID-19 vẫn tiếp diễn đến hết năm 2021, thì đến năm 2022 vốn chủ sở hữu hơn 3.250 tỷ đồng của VNR đứng trước nguy cơ về 0, vì không có thu bù chi, đồng nghĩa với việc VNR mất sạch vốn”, ông Vũ Anh Minh nhận định.
Còn theo bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, năm 2020 là năm đầu tiên VNR làm ăn thua lỗ, mức thua lỗ lớn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của VNR trong những năm tới. VNR hiện đang được giao quản lý nhiều tài nguyên, tài sản, nhưng khai thác có doanh thu gần như không có, chủ yếu dựa vào ngân sách. Ngành Đường sắt cần có các chính sách thu hút vốn tư nhân để khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng đường sắt trình Chính phủ phê duyệt.
Hành động thay vì chờ cơ chế
Các chuyên gia đường sắt cho rằng, việc VNR sản xuất kinh doanh thua lỗ là điều có thể dự báo được bởi ảnh hưởng của thiên tai, bão lụt, đặc biệt là của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, VNR không thể “bắt” bão lũ và dịch bệnh phải chịu hết trách nhiệm về tình hình kinh doanh sụt giảm. Trong khi vận tải đường bộ ngày càng phát triển với mạng lưới đường cao tốc không ngừng nối dài, vận tải hàng không thậm chí còn phát triển nóng, thì vận tải ngành đường sắt vẫn chậm phát triển. Điều này, khiến cho người dân đang dần từ bỏ đường sắt để lựa chọn đi máy bay, xe khách.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, VNR cần phải tranh thủ để tái cơ cấu để phát triển sản xuất; tích lũy thành quả có được để từng bước phục hồi ngành vận tải xương sống này. Chính phủ đã đề ra nhiệm vụ kép là vừa phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch bệnh, nếu chỉ ngồi lo dịch bệnh, chờ cơ chế, mà không sản xuất, không vận động thì các doanh nghiệp đường sắt sẽ tự suy kiệt, phá sản.
Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Anh Minh khẳng định, VNR sẽ tái cơ cấu, sắp xếp lại tổ chức để sớm hoàn thiện Đề án trình Thủ tướng Chính phủ và lên kế hoạch sản xuất, đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2021-2025 trình Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; đồng thời, chủ động cân đối các nguồn vốn (ngắn hạn, dài hạn) để duy trì các hoạt động thường xuyên, đảm bảo tình hình tài chính ổn định.
Ngoài ra, VNR sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan, các Ban quản lý dự án (PMU Rail và Ban 85) để triển khai thực hiện các dự án quan trọng, cấp bách sử dụng gói 7.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng của kế hoạch đầu tư trung hạn 2016-2020 đảm bảo đúng tiến độ và hạn chế tối đa ảnh hưởng đến hoạt động vận tải.
"Những khó khăn và nội tại về hạ tầng là điểm nghẽn, điểm yếu của ngành Đường sắt. Trong khi tái cơ cấu bộ máy VNR chậm tác động đến nhiều hoạt động quản lý khai thác kết cấu hạ tầng", Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận