Đường sắt Cát Linh-Hà Đông bị ràng buộc ra sao khi vay Trung Quốc?
Việc vay vốn Trung Quốc trước mắt giải quyết được các vướng mắc về vốn đầu tư cho dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông, nhưng gặp những ràng buộc, bất lợi cho phía Việt Nam như phải thực hiện chỉ định thầu cho nhà thầu Trung Quốc thực hiện 13.751,4 tỷ đồng, chiếm 77% tổng mức đầu tư.
Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông được Bộ GTVT giao cho Cục Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư dự án từ năm 2008, tổng thầu EPC được phía Trung Quốc chỉ định là Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc.
Sau những thông tin ban đầu do Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên cung cấp và được thông tin tới độc giả trong bài viết Đường sắt Cát Linh-Hà Đông đội vốn 205%, thực hiện chắp vá và rủi ro chất lượng, mới đây, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã công bố kết quả kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông.
Bộ GTVT có vượt quyền Chính phủ?
Theo đó, KTNN phát hiện hàng loạt sai phạm trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh tăng vốn và ký kết hợp đồng dự án…
“Dự án phải thực hiện theo thiết kế tổng thể, nhưng vì chậm tiến độ nên Bộ GTVT cho phép thực hiện theo thiết kế từng phần. Dù thực hiện giải pháp như vậy nhưng tiến độ vẫn không đảm bảo. Thực hiện chắp vá như thế ảnh hưởng đến tiến độ và có khả năng rủi ro cả về chất lượng. Trong vấn đề quản lý nhà nước, Bộ GTVT cần nghiêm túc đánh giá”, Phó Tổng KTNN Đoàn Xuân Tiên cho biết. |
Cụ thể, việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án từ 8.769 tỷ đồng lên 18.001 tỷ đồng, tăng 205% so với tổng vốn đầu tư ban đầu được duyệt.
Song khi quyết định điều chỉnh tăng vốn dự án vào tháng 2/2016, Bộ GTVT không báo cáo Thủ tướng để trình Quốc hội thông qua chủ trương điều chỉnh vốn là chưa thực hiện đúng Nghị quyết 49 của Quốc hội, trái với quy định của Luật Đầu tư công. Cụ thể, dự án sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỷ đồng trở lên phải trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương và Thủ tướng Chính phủ ra quyết định đầu tư.
Về tài chính của dự án đến ngày 30/6/2018, số vốn đầu tư vào đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông theo báo cáo của chủ đầu tư khoảng 11.337 tỷ đồng nhưng kết quả kiểm toán chỉ ghi nhận khoảng 8.679 tỷ đồng đã đầu tư vào dự án.
Số chênh lệch khoảng 2.656 tỷ đồng do chủ đầu tư tính sai khối lượng 360 triệu đồng, sai đơn giá 175 tỷ đồng, sai khác 698 tỷ đồng, chưa đủ điều kiện quyết toán 1.781 tỷ đồng.
Chỉ riêng hạng mục thiết bị và đoàn tàu của dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông đã được điều chỉnh tăng vốn khoảng 3.143 tỷ đồng. Trong đó, hạng mục đoàn tàu tăng 364 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 34,4%, hạng mục thiết bị tăng 2.778 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 227%.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT đã phê duyệt phụ lục hợp đồng EPC phần thiết bị với đơn giá 178,7 triệu USD, cao hơn khoảng 8,3 triệu USD so với giá trong hợp đồng EPC không đúng chỉ đạo của Thủ tướng.
Trong quá trình đàm phán, Ban quản lý dự án đường sắt chưa làm rõ chênh lệch tăng 3,19 triệu USD trong việc thay đổi vật liệu vỏ tàu, chi phí vận chuyển tăng 3,945 triệu USD theo quy định của Bộ GTVT.
Ngoài ra, KTNN cũng chỉ ra lưu lượng hành khách sử dụng đường sắt Cát Linh - Hà Đông được đơn vị tư vấn Trung Quốc giả định tính toán, phân tích hiệu quả kinh tế dự án cao hơn nhiều lần so với số liệu dự báo của Viện Chiến lược giao thông vận tải.
Đặc biệt, khi phân tích hiệu quả kinh tế dự án, chủ đầu tư không xem xét đến chi phí vận hành cao, chiếm tỷ trọng lớn trong giai đoạn khai thác dự án nên kết luận đường sắt Cát Linh-Hà Đông hiệu quả về kinh tế là thiếu chính xác. Phương án tài chính của dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông ngay từ khi lập dự án đã phải bù lỗ nhưng các bên liên quan chưa đề xuất phương án khai thác hiệu quả…
Với những sai phạm trên, KTNN kiến nghị Ban quản lý dự án đường sắt xử lý về tài chính gần 900 tỷ đồng. Trong đó, thu hồi nộp ngân sách nhà nước 91 triệu đồng và xử lý tài chính đối với tổng thầu EPC là hơn 600 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Ban quản lý dự án đường sắt phải xác định trách nhiệm của các đơn vị tư vấn còn để xảy ra các tồn tại, sai sót để xử lý theo quy định của hợp đồng.
KTNN cũng kiến nghị Bộ GTVT chấn chỉnh công tác đầu tư công, kiểm điểm trách nhiệm của cá nhân, tập thể trong việc phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư sai quy định như đã nêu ở trên.
Những ràng buộc khi vay vốn Trung Quốc
Đối với công tác lựa chọn nhà thầu, KTNN đánh giá, Bộ GTVT phê duyệt kế hoạch đấu thầu gói thầu tư vấn giám sát theo hình thức đấu thầu rộng rãi giữa các nhà thầu Trung Quốc.
Cục Đường sắt Việt Nam sau đó tổ chức đấu thầu và phê duyệt trúng thầu trước khi được Chính phủ cho phép sử dụng nguồn vốn vay Trung Quốc để thanh toán cho gói thầu này là chưa đúng quy định tại Nghị định số 85/2009/NĐ-CP của Chính phủ.
Dự án Cát Linh-Hà Đông chịu nhiều ràng buộc do vay vốn Trung Quốc.
Cụ thể, Hiệp định vay 1,2 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 169 triệu USD, ký ngày 2210/2008, có hiệu lực ngày 27/4/2010, bắt đầu tạm ứng (15% giá trị hợp đồng EPC) từ năm 2009 và thanh toán cho khối lượng xây lắp từ tháng 12/2012 và đến tháng 9/2015.
Hiệp định vay bổ sung 1,597 tỷ nhân dân tệ, tương đương 250,62 triệu USD, ký ngày 11/5/2017 (ngày 25/12/2017 mới có hiệu lực), nhưng đến 17/4/2018 mới bắt đầu giải ngân và đến hết tháng 6.2018 mới giải ngân được 9,3 triệu USD, chiếm 3,7%.
"Việc vay vốn của Trung Quốc trước mắt giải quyết được các vướng mắc về vốn đầu tư cho dự án, nhưng gặp những ràng buộc, bất lợi cho phía Việt Nam như phải thực hiện chỉ định thầu cho nhà thầu Trung Quốc thực hiện 13.751,4 tỷ đồng, chiếm 77% tổng mức đầu tư", KTNN cho biết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận