Đường sắt Bắc - Nam dừng chạy, hàng nghìn người lao động bị mất việc
Chủ tịch Tổng công ty Đường sắt khẳng định, chắc chắn việc dừng chạy tàu Bắc – Nam đã ảnh hưởng trực tiếp tới người lao động, hàng nghìn người bị mất việc.
Hôm nay (23/8), ngành đường sắt chính thức bãi bỏ tàu SE8 xuất phát tại ga Sài Gòn và bãi bỏ tàu SE7 xuất phát tại Ga Hà Nội kể từ ngày 25/8 cho đến khi có lệnh mới.
Mục đích của việc tạm dừng hoạt động tuyến đường sắt Bắc – Nam là do Covid-19 diễn biến phức tạp tại TP.HCM và tỉnh phía Nam nhằm để đảm bảo an toàn hành khách trước diễn biến phức tạp dịch Covid-19.
Tuy nhiên, ngành đường sắt vẫn duy trì các tuyến tàu được tổ chức chạy nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hoá, thiết bị y tế, lực lượng phòng chống dịch Covid-19 tới TP.Hồ Chí Minh.
Trên thực tế, việc dừng chạy tàu khách tuyến đường sắt Bắc – Nam đã gây ảnh hưởng trực tiếp tới người lao động của ngành đường sắt, nhiều người bị mất việc không có công ăn việc làm. Bên cạnh đó, một nhiều người phải tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc đi làm theo phương án giãn cách.
Vậy bài toán hỗ trợ, giải quyết công ăn việc làm với những lao động bị ngừng hợp đồng lao động sẽ được thực hiện ra sao?
Trao đổi với PV Dân Việt, Chủ tịch Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) Vũ Anh Minh cho biết: "Hiện nay, toàn bộ tàu chở khách đã tạm dừng hoạt động, chỉ còn những đôi tàu vận chuyển hàng hoá vẫn đang hoạt động ổn định. Thực tế, chúng tôi không muốn dừng tàu khách, nhưng do các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Chính phủ nên không có khách đi tàu, buộc phải dừng tuyến đường sắt Bắc – Nam".
Về việc người lao động bị ảnh hưởng, ông Minh khẳng định: "Chắc chắn việc dừng chạy tàu Bắc – Nam đã ảnh hưởng trực tiếp tới người lao động".
Người lao động bị ảnh hưởng được chia thành 2 nhóm: Thứ nhất là nhóm làm việc trực tiếp, thứ 2 là nhóm làm việc gián tiếp. Trong đó, khối trực tiếp sẽ tạm hoãn HĐLĐ khoảng 30% và luôn phiên làm việc giãn cách để duy trì đóng bảo hiểm và có trách nhiệm với công việc.
Ngoài ra, còn có nhóm chấm dứt HĐLĐ. Đặc biệt, đối với nhóm nhân viên phục vụ tàu khách thì phải tạm nghỉ vì không bố trí được việc. Những người được hưởng chế độ theo Nghị quyết 68 và và quyết định 23, Nghị quyết 26 của Thủ tướng Chính phủ thì sẽ làm các thủ tục tại địa phương để hỗ trợ.
Thông tin về số lao động bị ảnh hưởng, ông Minh cho biết: "Trong 6 tháng đầu năm có khoảng 1.725 người bị ảnh hưởng, trong đó có trên 1.700 người nghỉ luôn phiên, tạm hoãn HĐLĐ là gần 1.300 người, người chấm dứt HĐLĐ thì đang tổng hợp".
Ông Minh ví von: "Hiện nay, 100% tàu khách đã dừng hoạt động coi như "đóng băng" đường sắt vận tải hành khách dẫn sản lượng kinh doanh bị sụt giảm 50% trên tổng doanh thu của Tổng công ty".
"Hoạt động đường sắt chỉ còn lại các tuyến tàu hàng chạy liên vận quốc tế và qua biên giới. Đối với trục tàu hàng Bắc – Nam thì do doanh nghiệp thuộc các tỉnh phía Nam đã tạm dừng sản xuất dẫn đến bị đứt gãy chuỗi sản xuất, chiều Bắc vào Nam thì có hàng hoá, nhưng chiều ngược lại thì tàu chạy rỗng không có hàng", ông Minh cho biết.
"Hiện nay, đường sắt tăng trưởng được 20% vận tải hàng hoá so với năm 2019. Thiệt hại vận tải hành khách là 100%", ông Minh chia sẻ.
Về việc tái cơ cấu ngành đường sắt, ông Minh thông tin: "Hiện nay, đề án đã được gửi tới Bộ GTVT và Thủ tướng Chính phủ, vì vậy, Tổng công ty vẫn đang chờ các quyết định để thực hiện tái cơ cấu".
Trong thời gian tạm dừng chạy tàu Bắc - Nam, Tổng công ty Đường sắt VN có chính sách hỗ trợ đối với hành khách đã mua vé đi trên các đoàn tàu SE7, SE8 sẽ được làm thủ tục trả và bảo lưu tiền vé. Hành khách có thể thực hiện việc trả vé online hoặc tại ga (đối với các địa phương không thực hiện giãn cách).
Trong trường hợp hành khách không thể đến ga làm thủ tục trả vé do địa phương đang thực hiện các biện pháp hạn chế người dân đi lại để phòng chống dịch thì người dân có thể trả vé sau thời gian tàu chạy theo quy định.
Đối với tàu hàng vẫn được hoạt động phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19, VNR yêu cầu các Công ty vận tải chỉ đạo các Chi nhánh vận tải, đoàn tiếp viên phối hợp chặt với các ga và các đơn vị phải đảm bảo các quy định về công tác phòng chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương.
Các đơn vị trên phối hợp với các ga, các xí nghiệp đầu máy để kiểm soát chặt chẽ công tác tổ chức chạy tàu hàng, không để người dân lợi dụng tàu hàng để di chuyển giữa các địa phương, gây mất an toàn chạy tàu và vi phạm các quy định về công tác phòng chống dịch.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận