Đường dây buôn lậu điện thoại Nhật Cường vận hành ra sao?
Để buôn lậu trót lọt hàng trăm ngàn chiếc điện thoại di động, Bùi Quang Huy đã thuê 9 đường dây vận chuyển hàng lậu từ Hồng Kông về Việt Nam qua đường biển và hàng không, đồng thời tổ chức bộ máy cực kỳ tinh vi.
Liên quan đến vụ án “buôn lậu”, “vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Nhật Cường (Công ty Nhật Cường), Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) xác định đây là một đườn dây buôn lậu cực lớn với sự tổ chức đặc biệt tinh vi do Bùi Quang Huy, Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật, cầm đầu.
Công ty Nhật Cường được thành lập từ năm 2001, có trụ sở chính tại phố Lý Quốc Sư, Q.Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội. Từ năm 2013 đến năm 2019, Công ty Nhật Cường kinh doanh mua bán điện thoại di động và các thiết bị điện tử khác dưới các hình thức: nhập mua hàng hóa trong nước có hóa đơn giá trị gia tăng (hàng công ty); mua điện thoại di động và các thiết bị điện tử mới, có hóa đơn hợp pháp của các nhà cung cấp trong nước (hàng có VAT); nhập mua hàng hóa trong nước không có chứng từ nguồn gốc (không có VAT); mua điện thoại di động và các thiết bị điện tử của các nhà cung cấp trong nước (hàng trôi nổi, không có VAT); nhập khẩu không có hóa đơn chứng từ hợp pháp như mua điện thoại di động và các thiết bị điện tử mới và cũ của các nhà cung cấp nước ngoài (hàng nhập lậu) rồi thông qua hệ thống các cửa hàng bán lẻ tại Hà Nội để bán.
Theo kết luận điều tra, hành vi buôn lậu xảy ra tại Công ty Nhật Cường diễn ra như sau: từ năm 2014 đến ngày 9.5.2019 (thời điểm thực hiện khám xét khẩn cấp), Bùi Quang Huy sử dụng hệ thống nhân sự của Công ty Nhật Cường để giao dịch mua 2.502 đơn hàng, với 255.311 sản phẩm điện thoại di động iPhone các loại, máy tính, máy tính bảng, máy nghe nhạc, Apple (NASDAQ:AAPL) TV, đồng hồ và một số điện thoại nhãn hiệu khác, tổng trị giá 2.927 tỉ đồng của nhiều chủ hàng tại các nước Mỹ, UAE, Singapore, Hồng Kông... (thể hiện trên hệ thống phần mềm ERP của Công ty Nhật Cường là 16 chủ hàng nước ngoài.Sau khi mua hàng, Bùi Quang Huy và đồng phạm không ký hợp đồng với các nhà cung cấp để
nhập khẩu chính ngạch mà chi số tiền 72 tỉ đồng để thuê các đối tượng vận chuyển, tiếp nhận hàng của nhà cung cấp và tổ chức vận chuyển trái phép từ nước ngoài về Việt Nam.
Bùi Quang Huy là người quyết định việc chi tiền, tìm kiếm, giao dịch, làm việc với các đối tượng người Việt Nam và người nước ngoài để đặt vấn đề mua hàng tại nước ngoài. Sau đó, Bùi Quang Huy trực tiếp hoặc chỉ đạo nhân viên dưới quyền giao dịch với các nhà cung cấp để thỏa thuận về giá cả, số lượng, hình thức thanh toán, giao hàng... để đặt mua hàng.
Tài liệu điều tra xác định Bùi Quang Huy và đồng phạm đã thuê 9 đường dây vận chuyển hàng lậu từ Hồng Kông về Việt Nam. Việc vận chuyển hàng hóa trái phép được thực hiện theo đường biển về cảng Hải Phòng và đường hàng không về qua sân bay quốc tế Nội Bài và qua đường bộ, từ Quảng Châu (Trung Quốc) về khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc tại các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh và tập kết tại kho của Công ty Nhật Cường tại số 39, phố Lý Quốc Sư.
Vận chuyển trái phép hàng vạn điện thoại qua sân bay Nội Bài
Chỉ tính riêng một nhánh vận chuyển hàng lậu qua đường hàng không của đường dây này đã xác định từ tháng 1.2016 đến tháng 11.2017, nhân viên Công ty Nhật Cường đã tổ chức vận chuyển trái phép từ Hồng Kông về Việt Nam theo đường hàng không qua sân bay Nội Bài (với thủ đoạn lập khống hồ sơ hải quan) 322 đơn hàng, với 40.000 sản phẩm, tổng trị giá 549 tỉ đồng, giúp Bùi Quang Huy và đồng phạm hưởng lợi 39 tỉ đồng.
Một “chân rết” khác trong đường dây buôn lậu của Công ty Nhật Cường cũng được xác định trong thời gian từ tháng 11.2017 đến tháng 9.2018 đã vận chuyển trái pháp luật 183 đơn hàng, với 16.976 sản phẩm, tổng trị giá 307 tỉ đồng từ Hồng Kông về Việt Nam theo đường hàng không qua sân bay Nội Bài, giúp Bùi Quang Huy và đồng phạm hưởng lợi 20 tỉ đồng…
Đáng chú ý, C03 xác định, tổng số tiền mua hàng nhập lậu hàng chục tỉ đồng được Bùi Quang Huy và đồng phạm chuyển cho các tiệm vàng ở phố Hà Trung - Hà Nội để chuyển vào tài khoản tại nước ngoài của nhà cung cấp.
Toàn bộ hoạt động mua bán, thuê vận chuyển, tiếp nhận, tiêu thụ, thu tiền hàng của số sản phẩm nêu trên đều được Bùi Quang Huy và đồng phạm ghi chép chi tiết, đầy đủ trên hệ thống phần mềm ERP do Huy lập ra để quản lý. Song song với hệ thống này, Bùi Quang Huy cũng chỉ đạo nhân viên lập ra một hệ thống kế toán khác để đối phó cơ quan chức năng.
Từ ngày 29.1.2016, Bùi Quang Huy thành lập Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Nhật Cường (Công ty Nhật Cường SoftWare), giao cho Võ Minh Hiếu làm Giám đốc, đại diện pháp luật. Bộ phận phần mềm Công ty Nhật Cường và Công ty Nhật Cường SoftWare sử dụng nguồn tiền từ các hoạt động kinh doanh của Công ty Nhật Cường để xây dựng một số phần mềm công nghệ thông tin nhằm mục đích bán cho các đơn vị, tổ chức kinh tế sử dụng, trong đó nhiều phần mềm, thiết bị được bán, chuyển giao cho UBND TP.Hà Nội.
Hành vi sử dụng tiền có được từ hoạt động buôn lậu sang đầu tư, kinh doanh hợp pháp này có dấu hiệu của tội “rửa tiền”. Tuy nhiên, do Bùi Quang Huy đang bỏ trốn nên C03 đã tách riêng vụ án này để tiếp tục điều tra.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận