menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Mai Thị Trương

Đường biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc

Tính đa dạng về sắc tộc cũng như mối quan hệ thân thiết giữa các cộng đồng dân tộc tạo cho khu vực biên giới Việt Nam-Trung Quốc phong phú về văn hoá.

Đường biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc bắt đầu từ giao điểm đường biên giới giữa ba nước: nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa và nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào quy định trong “Hiệp ước về xác định giao điểm đường biên giới giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” ký ngày 10/10/2006, tới điểm kết thúc là điểm thứ nhất của đường phân định lãnh hải trong vịnh Bắc Bộ giữa hai nước quy định trong “Hiệp định giữa nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa hai nước trong vịnh Bắc Bộ” ký ngày 25/12/2000.

Trong tổng số chiều dài 1.449,566 km, đường biên giới trên đất liền là 1.065,652 km, đường biên giới nước là 383,914km.

Các địa phương tiếp giáp

Mô tả chi tiết hướng đi của đường biên giới được ghi ở Phần II của Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc 2009, đồng thời đường biên giới được thể hiện trên “Bản đồ biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”, tỷ lệ 1: 50 000 từ mốc ngã ba biên giới Việt Nam-Lào-Trung Quốc (22 24 02,295B 102 08 38,109Đ) đến điểm bắt đầu của cửa sông Bắc Luân, mốc 1368 (21 28 12,5B 108 06 04.3Đ).

Đường biên giới tiếp giáp giữa 7 tỉnh của Việt Nam từ Tây sang Đông là Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh với tỉnh Vân Nam và khu tự trị dân tộc Choang - Quảng Tây của Trung Quốc.

Đường biên giới đất liền giáp với 33 huyện, thành phố của Việt Nam trong đó tỉnh Điện Biên có 1 huyện Mường Nhé; tỉnh Lai Châu có 3 huyện: Mường Tè, Phong Thổ, Sìn Hồ; tỉnh Lào Cai có 5 huyện, thành phố: Bắc Hà, Mường Khương, Bảo Thắng, Bát Xát và thành phố Lào Cai; tỉnh Hà Giang có 7 huyện: Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì và Xín Mần; Tỉnh Cao Bằng có 9 huyện: Bảo Lâm, Bảo Lạc, Thông Nông, Hà Quảng, Trà Lĩnh, Trùng Khánh, Hạ Lang, Quảng Hòa, Thạch An; tỉnh Lạng Sơn có 5 huyện: Tràng Định, Văn Lãng, Cao Lộc, Lộc Bình, Đình Lập; tỉnh Quảng Ninh có 3 huyện, thị: Quảng Hà, Bình Liêu và thành phố Móng Cái.

Phía Trung Quốc có 14 huyện và hai Châu biên giới: tỉnh Vân Nam có 7 huyện: Phú Linh, Ma Ly Pho, Mã Quan, Bình Biên, Kim Bình, Lục Xuân, Giang Thành; Khu tự trị dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây có 7 huyện: Phòng Thành, Ninh Minh, Bằng Tường, Long Châu, Đại Tân, Nà Po, Trịnh Tây. Hai châu: châu Vân Sơn và châu Hồng Hà.

Địa hình các địa phương vùng biên

Địa hình của các tỉnh thuộc tuyến biên giới Việt-Trung phức tạp, không đồng nhất.

Biên giới bắt đầu từ các dãy núi kéo dài ở Lai Châu, Điện Biên giáp cao nguyên Vân Nam, chạy theo hướng từ Tây Bắc xuống Đông Nam. Các dãy núi được cấu tạo chủ yếu bằng nham thạch; đá granite; có dạng núi cao với độ cao tuyệt đối trên 2500-3000 m, núi cao trung bình 1500-2000 m, núi cao thấp 500 đến 1500 m, với nhiều răng cưa hẹp, có nơi chỉ đủ đặt bước chân người, nhiều mũi kim nhọn hoắt, dốc đứng. Xuống tới Lạng Sơn, Quảng Ninh xen kẽ núi là đồi và cuối cùng là dải đồng bằng ven biển ở cửa sông Bắc Luân.

Hệ thống sông ngòi ở vùng biên giới có xu hướng phần lớn chảy từ Tây Bắc xuống Đông Nam. Sông suối ở khu vực núi cao có độ dốc lớn, bị chia cắt mạnh, lượng mưa lại tương đối nhiều, nước chảy xiết hoạt động xâm thực-bào mòn mạnh. Thuỷ chế sông suối phân ra hai mùa rõ rệt, mùa lũ trùng với mùa mưa.

Khi có mưa lớn, khả năng dồn nước vào sông suối rất nhanh gây lũ đột ngột cho nhiều vùng hai bên sông, gây bồi lở, chuyển dòng lớn, đưa đến biến đổi địa hình dòng sông.

Mùa ít mưa sông suối lại cạn khô. Nguồn nước sinh sống và tưới tiêu cho diện tích khá lớn canh tác hai bên biên giới là vấn đề sống còn của nhân dân địa phương thuộc hai nước ở dọc lưu vực sông suối biên giới; từ đây cũng hay nảy sinh nhiều vấn đề tranh chấp nguồn nước và lãnh thổ.

Đường biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc

Biên giới chạy qua các khu vực có nhiều khoáng sản: titan, mangan, antimoan, than mỡ, sắt (hàm lượng rất cao), chì, đồng bạc, thiếc, vàng, than non, than đá, diêm tiêu, đất sét, phân chì, kẽm đồng, quặng thiếc và vônfram.

Các mỏ lớn được ghi nhận như: Đồng, bạc (Phong Thổ); thiếc ở Ninh Biên; sắt (Hà Giang, Thạch Lâm, Bảo Lạc, thị xã Cao Bằng); mangan (Trà Lĩnh, Trùng Khánh, Hạ Lang); apatit Cam Đường, đất hiếm (Nậm Xe, Phong Thổ); phốtphorit (Hữu Lũng); than nâu (Na Dương); than (Quảng Ninh)...

Tuyến biên giới Việt - Trung thuộc đới khí hậu gió mùa chí tuyến, Á đới. Có hai mùa rõ rệt là mùa khô và mùa mưa. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 4 và kéo dài đến tháng 11, lượng mưa cao nhất là trong tháng 7 và tháng 8; mùa khô bắt đầu từ tháng 12 đến tháng 3 hàng năm, trong đó tháng 12 và tháng giêng là hai tháng khô nhất.

Về kinh tế, người dân biên giới thường làm kinh tế nghề rừng, chăn nuôi và trồng cây công nghiệp. Nông nghiệp phát triển kém, và phụ thuộc lớn vào địa hình.

Dân cư dọc tuyến biên giới

Trên biên giới Việt Nam – Trung Quốc, có rất nhiều dân tộc anh em sinh sống, có thể kể đến là: Thái, H’Mông, Dao, Kinh, Khơ Mú, Hà Nhì, Giáy, La Hủ, Lào, Tày, Nùng, Sán Dìu, Cao Lan, Sán Chỉ, Mường, Cơ Ho, Hoa, Pà Thẻm, Tu Dí, Lô Lô, Bố Y, Cờ Lao, La Chí, Pu Péo, Phù Là, Chứt… Trong đó, dân tộc Thái, H’Mông, Tày, Nùng, Dao có số lượng nhiều hơn đáng kể so với các dân tộc khác.

Người dân thường sống thưa thớt, tổ chức theo các làng, bản nhỏ. Mật độ dân số phân bố không đều giữa hai vùng Tây Bắc và Đông Bắc. Các tỉnh vùng Đông Bắc như Quảng Ninh, Lạng Sơn có mật độ dân số cao gấp đôi, gấp ba lần các tỉnh vùng Tây Bắc như: Điện Biên, Lai Châu.

Dọc tuyến biên giới hai nước Việt-Trung, nhiều dân tộc thiểu số ở hai bên biên giới có quan hệ sắc tộc, dòng họ, hôn nhân qua lại với nhau, do có chung một số đặc điểm về dòng tộc, văn hoá. Tính đa dạng về sắc tộc cũng như mối quan hệ thân thiết giữa các cộng đồng dân tộc ở đây đã tạo cho khu vực biên giới Việt Nam-Trung Quốc có tính đa dạng về văn hoá, là một trong những điều kiện thuận lợi để phát triển khu vực biên giới thành khu vực hợp tác và hữu nghị.

Do địa hình phức tạp, nhiều đồi núi cao, chia cắt mạnh, nên cơ sở hạ tầng vùng biên giới kém phát triển.

Trước phân giới cắm mốc (PGCM), hai nước có 15 cửa khẩu biên giới, trong đó có 5 cửa khẩu quốc tế. Có hai tuyến đường sắt. Đường sắt Nam Ninh-Hà Nội dài 418 km. Đoạn Lạng Sơn-Bằng Tường hoàn thành tháng 6/1993 và đưa vào hoạt động 1995. Đoạn Vân Nam-Việt Nam do Pháp xây từ 1910, bắt đầu từ Hải Phòng đến Côn Minh qua Hà Nội. Đoạn Côn Minh-Hà Nội dài 761 km. Đoạn này được mở lại vào tháng 4/1997.

Sau PGCM, Việt Nam đã đầu tư, cải thiện đáng kể cơ sở hạ tầng biên giới. Hai bên đồng ý mở và nâng cấp 21 cặp cửa khẩu biên giới.

Đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai đã được thông xe ngày 21/9/2014. Đường này dài 264 km, nối với đường cao tốc Côn Minh - Hà Khẩu của Trung Quốc và là một hợp phần trong dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông của Hành lang kinh tế Côn Minh-Hà Nội-Hải Phòng.

Trên biên giới Việt Nam – Trung Quốc, có rất nhiều dân tộc anh em sinh sống, có thể kể đến là: Thái, H’Mông, Dao, Kinh, Khơ Mú, Hà Nhì, Giáy, La Hủ, Lào, Tày, Nùng, Sán Dìu, Cao Lan, Sán Chỉ, Mường, Cơ Ho, Hoa, Pà Thẻm, Tu Dí, Lô Lô, Bố Y, Cờ Lao, La Chí, Pu Péo, Phù Là, Chứt… Trong đó, dân tộc Thái, H’Mông, Tày, Nùng, Dao có số lượng nhiều hơn đáng kể so với các dân tộc khác.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại