“Đường bay” mới cho cổ phiếu hàng không
Sự phục hồi mạnh mẽ của lượng khách quốc tế trong tương lai được kỳ vọng trở thành yếu tố thúc đẩy cổ phiếu ngành hàng không tăng tốc.
Đà phục hồi của ngành hàng không Việt Nam đang mang yếu tố phân kỳ giữa 2 phân khúc nội địa và quốc tế. Theo Cục Hàng không Việt Nam, sản lượng khách nội địa trong quý III/2022 đạt gần 30 triệu khách, tăng 87 lần so với cùng kỳ, trên cơ sở nền thấp của năm ngoái do tác động của đại dịch. Đáng chú ý, nếu tính trong 3 quý đầu năm, con số này thậm chí đã vượt mức trước đại dịch gần 23%.
Kỳ vọng từ Trung Quốc
Trái ngược với đường bay nội địa, lưu lượng khách quốc tế đang gặp khá nhiều trở ngại trong quá trình phục hồi. Mặc dù sản lượng khách quốc tế đã tăng đột biến 35 lần lên 4,9 triệu lượt trong quý III, do Việt Nam ngừng yêu cầu xét nghiệm COVID-19 đối với du khách quốc tế và mở lại hoàn toàn đường bay quốc tế từ tháng 5/2022. Tuy nhiên, mức này vẫn còn rất khiêm tốn so với thời điểm trước COVID-19, khi tổng lượng khách quốc tế hiện nay chỉ khoảng 50% so với thời kỳ trước đại dịch, con số này còn chưa tới 1/4 nếu tính lũy kế 9 tháng đầu năm.
“Thị trường quốc nội tăng trưởng cao, được đánh giá là một trong những thị trường tăng trưởng tốt nhất sau dịch COVID-19, song thị trường quốc tế hiện mới phục hồi được khoảng 50%”, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho biết.
Theo Công ty Chứng khoán VNDirect, dù hầu hết các quốc gia đã gỡ bỏ yêu cầu nhập cảnh liên quan đến kiểm soát COVID-19, nhưng yếu tố tiêu cực nhất đối với sự phục hồi du lịch Việt Nam là chính sách Zero Covid của Trung Quốc, khiến cho việc du lịch đến và đi từ Trung Quốc vẫn bị hạn chế. Lưu lượng khách quốc tế do đó vẫn chưa thể phục hồi nhanh như phân khúc nội địa, nhất là khi khách du lịch Trung Quốc chiếm tới hơn 1/3 tỉ trọng khách nước ngoài trong thời kỳ trước đại dịch. Dù vậy, mới đây nhất, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành dự thảo với mục tiêu phát triển du lịch dọc theo các khu biên giới và nới lỏng cho du khách đến Trung Quốc.
“Chúng tôi kỳ vọng lượng khách quốc tế từ Trung Quốc sẽ phục hồi về mức trước dịch trong quý I/2024,” VNDirect dự báo.
Bên cạnh đó, Đài Loan sẽ khôi phục chính sách visa như trước dịch từ ngày 13/10/2022, dù du khách đến Đài Loan vẫn cần xét nghiệm âm tính và mua bảo hiểm y tế. Hơn nữa, từ ngày 25/10/2022 Việt Nam nối lại đường bay giữa Nga và Nha Trang, vốn đã bị dừng từ tháng 3/2022 do căng thẳng giữa Nga và Ukraine. VNDirect ước tính lượng khách quốc tế giữa 2 thị trường này và Việt Nam sẽ phục hồi lại mức trước dịch vào quý III năm sau.
Cơ hội tích lũy cổ phiếu hàng không
Do thị trường khách quốc tế chỉ mới phục hồi được một nửa so với trước đại dịch, mà phân khúc này lại chiếm tới 65% tổng doanh thu toàn ngành, do đó đà phục hồi mạnh mẽ của thị trường quốc tế sẽ kéo theo đà tăng trưởng đột biến của nhiều doanh nghiệp trong ngành hàng không, nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán đã sụt giảm mạnh trong năm nay.
Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Taseco (mã AST) là doanh nghiệp có độ tương quan chặt chẽ với lưu lượng hành khách quốc tế.
Các sắc lệnh phong tỏa của các quốc gia đã đẩy nhiều công ty bán lẻ sân bay rơi vào khó khăn, nhưng Taseco lại biến thách thức thành cơ hội để mở rộng hoạt động kinh doanh, khi toàn ngành vẫn đang bị tác động nặng nề bởi đại dịch. Điều này có thể giúp Công ty thu được lợi nhuận lớn trong tương lai, khi ngành bán lẻ sân bay là một mô hình kinh doanh có lợi nhuận hiếm có, xuất phát từ rào cản gia nhập ngành cao do không gian sân bay hạn chế và các hợp đồng cho thuê cửa hàng sân bay hầu hết đều cho phép bên thuê kéo dài thời gian thuê khi thời hạn kết thúc, gây khó khăn cho các đối thủ cạnh tranh mới tham gia, hoặc thậm chí các doanh nghiệp hiện tại trong việc mở rộng chuỗi cửa hàng của họ.
VNDirect cho rằng bán lẻ sân bay là ngành có độ nhạy cảm về giá thấp trong hành vi tiêu dùng của khách du lịch, dẫn đến khả năng của nhà bán lẻ sân bay trong việc đặt giá hàng hóa cao hơn nhiều cho biên lợi nhuận gộp cao mà không làm giảm sức mua.
Ngoài ra, dòng tiền kinh doanh của mô hình bán lẻ sân bay cũng rất ổn định và lành mạnh. “Chi phí hoạt động chủ yếu bao gồm giá vốn hàng bán, chi phí nhân viên bán hàng và chi phí thuê mặt bằng, tất cả đều tương đối ổn định và dễ kiểm soát”, VNDirect cho biết.
Một cổ phiếu khác cũng đang được giới đầu tư quan tâm là Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (mã ACV). ACV đang được kỳ vọng rất lớn vì là nhà phát triển chính của dự án sân bay quốc tế Long Thành, với tổng vốn đầu tư khoảng 15 tỉ USD. Dự án gồm 3 giai đoạn và ACV đã chính thức khởi công giai đoạn 1. Theo ước tính của VNDirect, lợi nhuận ròng năm 2022 của ACV có thể tăng trưởng đột biến 1.000%, đà tăng trưởng này tiếp tục duy trì hơn 70% trong năm 2023 và cán mốc gần 9.000 tỉ đồng.
VNDirect cho rằng báo cáo tài chính của ACV vẫn còn 2 vấn đề cần quan tâm, bao gồm (1) ACV chưa có quyết định hoàn tất cổ phần hóa ACV kể từ khi chuyển đổi thành công ty cổ phần từ cấp có thẩm quyền và (2) ACV chưa có quyết định phê duyệt giá trị tài sản sân bay của Bộ Giao thông Vận tải. Khi 2 vấn đề này được giải quyết, ACV hoàn toàn có cơ hội được niêm yết trên sàn HSX.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận