Được 'mời vào Bộ tứ kim cương mở rộng', Việt Nam cần tranh thủ thế nào?
Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cựu Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh nói về việc Việt Nam được mời đối thoại cùng Bộ tứ kim cương (QUAD).
Trong bối cảnh trao đổi với các nước về khắc phục hậu quả Covid-19, hôm 29/4, nguyên văn ông Pompeo nói: "Chúng tôi đang làm việc cùng những người bạn của chúng tôi ở Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc và Việt Nam để chia sẻ thông tin và cách xử lý tốt nhất vì chúng tôi bắt đầu thúc đẩy kinh tế toàn cầu tiến lên".
Thông tin về Mạng lưới kinh tế thịnh vượng đến nay vẫn cần phải được xác định thêm, theo đại sứ Phạm Quang Vinh. Tuy nhiên, ông khẳng định: Nỗ lực chuyển dịch chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc của Mỹ và nhiều nước là có thật. Việc này Mỹ cũng trao đổi với các nước. Và Việt Nam đang ở trong vị trí có thể tận dụng được cơ hội này.
- Ông đánh giá như thế nào về nỗ lực muốn dịch chuyển các chuỗi cung ứng của các nước, đặc biệt là Mỹ ra khỏi Trung Quốc?
Có lẽ nên nhìn câu chuyện này một cách rộng hơn. Cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung diễn ra nhiều năm trước nhưng đến thời kỳ Tổng thống Donald Trump đã được đưa vào chiến lược an ninh quốc gia, coi Trung Quốc và một số nước lớn khác là đối thủ.
Nhìn lại 3 năm nay, Tổng thống Trump đã đẩy mạnh mũi nhọn cuộc chiến thương mại, có lúc cũng đã từng kêu gọi tất cả các doanh nghiệp Mỹ rút khỏi Trung Quốc hay công bố các đợt đánh thuế cao... để đạt được những thoả thuận kinh tế.
Xuyên suốt trong cuộc chơi này là mục tiêu lấy lại vị thế và lợi ích của nước Mỹ. Ngược lại, Trung Quốc nay đã là nền kinh tế số 2 thế giới và đang tìm kiếm những ích lợi mang tính toàn cầu với những giấc mơ của riêng họ. Do đó, ứng xử giữa hai bên là cạnh tranh gay gắt cả về ngôi vị lẫn thương mại.
Trước khi bước vào đại dịch, Trung - Mỹ đã đi đến một thoả thuận giai đoạn 1. Theo đó, Trung Quốc sẽ mua thêm hàng hoá của Mỹ, đặc biệt là nông sản để giảm thâm hụt thương mại.
Đây chỉ là khởi đầu vì giữa hai nước vẫn còn rất nhiều câu chuyện phải giải quyết tiếp, trong đó có vấn đề liên quan đến cải cách của Trung Quốc, chuyển giao công nghệ, an ninh quốc gia có liên quan đến Huawei, ZTE…
Đại dịch càng làm cho việc huyển dịch này trở nên cần thiết hơn lúc nào. Do vậy, đến lúc này, câu chuyện mang cả tính chiến lược và tính cấp bách.
- Với sự xuất hiện đột ngột của đại dịch Covid-19, những thoả thuận, quan hệ của hai nước có thay đổi không?
Chắc chắn ảnh hưởng. Trong và sau đại dịch, cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp tục nhưng tôi cho là có mấy điểm khác.
Thứ nhất, có lẽ đây là thời điểm không chỉ nước Mỹ mà nhiều quốc gia khác nhìn nhận lại lợi ích của mình. Qua đại dịch, họ được cảnh tỉnh đã quá phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc dẫn đến thiếu hụt nguồn cung khi xảy ra sự cố. Và ngoài thương mại, họ cũng nhìn ra vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia.
Thứ hai là về lòng tin chiến lược. Có lẽ ở giai đoạn này, những khẩu chiến giữa Mỹ, châu Âu với Trung Quốc đã khiến lòng tin xuống rất thấp trong nhiều thập kỷ. Chính lòng tin chiến lược giảm sút khiến việc phụ thuộc hay không phụ thuộc, tiếp tục dính vào Trung Quốc hay không và như thế nào sẽ bị định vị lại.
Thứ ba, COVID-19 là đại dịch đầu tiên xảy ra ở khắp nơi, tấn công vào các trung tâm kinh tế lớn trên toàn cầu. Dịch bệnh đã tạo ra những vấn đề lớn trong lòng mỗi quốc gia. Chính vì vậy, các nước phải vực lại chính mình, dẫn đến tính toán lại, thậm chí chính trị hoá, quan hệ với bên ngoài.
- Vậy các nước sẽ rút khỏi Trung Quốc như thế nào, theo ông?
Câu chuyện giờ phức tạp hơn nhiều. Các công ty Mỹ, Nhật, châu Âu rút ra khỏi Trung Quốc bị chi phối bởi cả yêu cầu chính trị và an ninh nhưng rút đi như thế nào lại là bài toán khác.
Mặt khác, trong khi sự di dời này nổi lên do cạnh tranh chiến lược thì cũng cũng phải nhìn nhận rõ dịch chuyển chuỗi cung ứng có tính nhiều chiều. Nghĩa là có những dịch chuyển tự nhiên và dịch chuyển không tự nhiên.
Gốc của các chuỗi, toàn cầu hoá là lợi ích kinh tế, các công ty đa quốc gia đi các nơi tìm kiếm lợi nhuận, hiệu quả. Vậy nên trong quá khứ, các doanh nghiệp Mỹ, châu Âu mới tìm đến sản xuất ở các nước khác, trong đó có Trung Quốc.
40 năm qua đã có những dịch chuyển tự nhiên như vậy. Nay Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế thứ 2, là công xưởng của cả thế giới. Nhưng khi sản xuất được nâng cấp lên, chi phí lao động tăng cao hơn trước, bản thân Trung Quốc và các công ty nước ngoài ở đây cũng muốn dịch chuyển một phần sản xuất đến địa điểm khác do những hiệu quả cũ không còn.
Trung Quốc cũng có giấc mơ của họ, được thể hiện ra bên ngoài như sáng kiến như "Một vành đai một con đường" (BRI). Họ muốn tạo ra một chuỗi cung ứng khác. Thêm nữa, trong lúc chờ đợi thị trường Mỹ, châu Âu phục hồi sau dịch bệnh, nguồn vốn dư thừa của Trung Quốc thời điểm này có thể được chuyển dịch mạnh hơn ở khu vực châu Á.
Ngoài ra, khi nhiều doanh nghiệp đặc biệt là nhóm quy mô nhỏ và vừa khó khăn sau đại dịch COVID-19, thì sự dịch chuyển mang tính thâu tóm là có.
Chuỗi cung ứng bị đảo lộn, nhưng khó bị xoá hay thay thế hoàn toàn. Nền kinh tế và mắt xích Trung Quốc lớn lắm, các bên đều cần nhau. Chuyện rút đi chắc chắn có và được đẩy mạnh, để tránh bị lệ thuộc, để đa dạng hoá thị trường cung ứng. Lần này, sẽ không chỉ đơn giản là Trung Quốc +1 mà còn hơn thế. Trung Quốc chắc chắn vẫn là một thị trường cung cấp lớn nhất. Nhưng sẽ hình thành các chuỗi khác song hành và xoay quanh các trung tâm lớn. Đây là cái cần lưu ý.
- Ông đánh giá xu hướng dịch chuyển sang Việt Nam là tự nhiên hay không tự nhiên?
Việt Nam nằm ở khu vực phát triển năng động lại rất gần với thị trường Trung Quốc. Nền kinh tế của chúng ta mở, kết nối không chỉ rộng với nhiều nước hoặc khu vực kinh tế mà còn ở chiều sâu khi tham gia các FTA thế hệ cao. Đất nước cũng có sự ổn định chính trị cao.
Trong đại dịch vừa rồi, chúng ta cũng kiểm soát rất tốt, giảm thiệt hại tối đa. Những dự báo của IMF hay World Bank cho Việt Nam với các con số tăng trưởng 3 – 4% sau dịch bệnh là rất hãn hữu trên toàn cầu.
Nói vậy để thấy rằng người ta đã tính đến câu chuyện chuyển dịch một phần sang Việt Nam một cách tự nhiên vì sức hấp dẫn của thị trường. Nay họ cũng tính toán để đa dạng hoá chuỗi cung ứng, tránh rủi ro khi đầu tư hết vào Trung Quốc.
Và khi có những can thiệp chính trị buộc các doanh nghiệp rời khỏi Trung Quốc, họ cũng sẽ lựa chọn những địa điểm lân cận nước này, có môi trường đầu tư thuận lợi để giảm tối đa chi phí.
Do vậy, Việt Nam có thể hứng được cả hai. Nhưng điều này sẽ không mặc nhiên mà đến.
- Ông có thể làm rõ hơn ý này?
Không quốc gia nào có thể hấp thụ được toàn bộ sự dịch chuyển từ thị trường 1,4 tỷ dân có quy mô kinh tế lớn thứ 2 thế giới, chiếm 20% thương mại toàn cầu. Có người nói đến Ấn Độ với dân số xấp xỉ, nhưng chưa chắc môi trường pháp lý, lực lượng lao động hay cơ sở sản xuất đã khớp được. Do vậy, không dễ để các doanh nghiệp phút chốc rời bỏ thị trường tỷ dân đang làm ăn tốt.
Như vậy, trước hết phải chủ động đón, nhất là về hạ tầng, chính sách, nhân lực. Thuận và có lợi thì các công ty họ mới đến.
Thứ hai, không chỉ có mình Việt Nam mang sức hấp dẫn. Còn nhiều "Việt Nam khác" ngoài kia cùng cạnh tranh. Có những tin đồn sự dịch chuyển nhưng chưa chắc đã ở Việt Nam mà đến Indonesia, trước là Apple, giờ là tin về 27 doanh nghiệp Mỹ.
Mặt khác, vì có cả dịch chuyển tự nhiên và dịch chuyển do chủ ý chính trị, lợi ích an ninh quốc gia, rồi cùng một lúc sẽ có cả các dịch chuyển sản xuất và dòng vốn chất lượng cao và thấp. Do đó, mình phải cách giác và phải chọn lọc.
- Sự lựa chọn của Việt Nam sẽ dựa vào yếu tố nào?
Phải căn cứ vào lợi ích quốc gia. Phải chọn cái chất lượng cao và bền vững hơn. Và cũng phải tránh quá phụ thuộc vào một hai nơi. Lúc này là cơ hội.
Chúng ta đang đặt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tăng năng suất lao động, nâng cao hàm lượng chất xám trong sản phẩm... Chúng ta không chỉ muốn cung ứng sản phẩm, nguyên liệu mà phải trở thành một mắt xích có vị trí cao hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đây sẽ là căn cứ đề xác định rõ nguồn vốn nào, công nghệ, sản xuất hay đoạn cung ứng nào nên tham gia.
- Trở lại câu chuyện ban đầu, với thông tin Mỹ mời Việt Nam đối thoại QUAD+7, gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, Hàn, New Zealand rồi đến thông tin về Mạng lưới thịnh vượng kinh tế, dù chưa có thông tin cụ thể, nhưng liệu ý tưởng này có cơ sở không?
Như tôi nói lúc đầu, mạng lưới này nhìn chung chưa manh nha rõ. Không biết trong lòng nước Mỹ và chính quyền Mỹ có tính toán gì không. Nhưng có lẽ giờ chưa có gì cụ thể cả.
Mặt khác, nếu để dự đoán, thì dưới thời Tổng thổng Trump, Mỹ dựa nhiều vào kênh song phương hơn đa phương. Cái mà tôi nghĩ Việt Nam tiếc nhiều là TPP. Nếu Mỹ quay trở lại với một dàn xếp thương mại nào đó theo mô hình TPP thì có lẽ rất tốt, vốn dĩ mình đã ở trong lòng nó rồi. Nhưng khó.
Nhìn trong 6 nước được nêu thì Nhật, Hàn, Úc trên thực tế chính quyền Trump đã cài đặt lại quan hệ cũng như thương lương lượng lại về thương mại. New Zealand cũng tương tự. Riêng với Ấn Độ, Mỹ đã có sự dịch chuyển lớn về định vị chiến lược cả về chính trị, an ninh, kinh tế.
Tôi không nghĩ Tổng thống Trump sẽ cộng những nước này thành một khu vực thị trường, thay vào đó, sẽ đi qua các kênh song phương. Mà nhắc đến 6 nước này, tôi cứ thấy thiếu thiếu Indonesia, ví dụ như vậy!
Hơn nữa, trong thực tế, ngay cả những chiến lược mà Mỹ đã công bố cụ thể thì khi triển khai cũng chưa cụ thể.
Ví dụ chiến lược Indo-Pacific (khu vực liên Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương), Mỹ đã trao đổi với nhiều nước trong đó có trụ cột kinh tế, có cả đạo luật Build (BUILD Act) trị giá tới 60 tỷ USD để hỗ trợ đầu tư ở khu vực nhưng đến nay, cũng vẫn chưa có nhiều hoạt động.
Hay kế hoạch Blue Dot (Chấm Xanh), được xem là lựa chọn đối trọng với BRI, tập hợp các nguồn chính phủ, khu vực tư nhân, dân sự để thúc đẩy các dự án tiêu chuẩn cao, đáng tin cậy trong việc phát triển cơ sở hạ tầng toàn cầu, tập trung vào khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương đến nay chưa triển khai.
Tóm lại, Mạng lưới thịnh vượng kinh tế là chưa rõ, cần phải tìm hiểu thêm. Dù vậy, trong chiến lược tổng thể, cộng với tính toán về đa dạng hoá chuỗi cung ứng, trong khu vực này, Việt Nam luôn ở vị trí thuận nhưng câu chuyện là có thể tranh thủ được đến đâu.
- Về việc đối thoại với Bộ tứ Kim cương, hôm 14/5, Bộ Ngoại giao xác nhận Việt Nam có điện đàm không chính thức về hợp tác và phục hồi kinh tế hậu COVID-19. Ý nghĩa của điện đàm không chính thức là gì?
Thông báo chỉ chung chung như vậy, không rõ nội dung đằng sau. Chỉ xin nêu chung về kỹ thuật ngoại giao, khi người ta nói đến từ không chính thức, dù là tiếp xúc hay điện đàm. Gọi là không chính thức thường có mấy ý nghĩa.
Có thể họ muốn trao đổi không chính thức thật. Các nội dung đưa ra chỉ là bước đầu, cập nhật thông tin, thăm dò, tìm hiểu thái độ. Cũng có khi đây là một lần trù bị cho một cuộc chính thức khác. Hoặc cũng có khi mọi thứ đều thật, tất cả thông tin đã được trao đổi rồi, nhưng họ vẫn gọi là không chính thức, thì đó là thông điệp cố ý, chẳng hạn do có phức tạp nội bộ, hay lại muốn bắn tín hiệu ra bên ngoài, để thăm dò các phản ứng và chưa muốn bị hiểu là đã chính thức hoá.
Sự không chính thức này có nhiều cách hiểu, đặt trong nhiều bối cảnh, có cả yếu tố kỹ thuật, cả thông điệp và cả chính trị.
- Nhưng không ngẫu nhiên mà Reuters đưa ra thông tin dựa trên cắt ghép phát biểu không đầy đủ của Ngoại trưởng Pompeo. Các nước đồng minh của Mỹ hiện giờ cũng đang lo ngại về sức ép "chọn phe". Nếu hiểu theo nghĩa "bắn tín hiệu", liệu Việt Nam có chịu áp lực từ sự lưỡng nan này không?
Đang có những dịch chuyển lớn. Áp lực lớn nhất của Việt Nam là định vị lợi ích quốc gia và phải tranh thủ được thời cơ để có sự lựa chọn đúng. Nghĩa là cần tranh thủ cơ hội từ các trung tâm kinh tế lớn, trong đó có châu Âu, Nhật, Mỹ, và Trung Quốc. Nhưng phải lựa chọn đúng, mỗi thị trường, chúng ta cần tạo cho mình lợi thế khác nhau cũng như đối phó với những thách thức khác biệt.
Chính điểm này buộc chúng ta phải lựa chọn nguồn vốn đầu tư sạch, công nghệ cao, có tính dài hạn. Chúng ta cũng cần đa dạng hoá thị trường, lúc này, nền kinh tế đang lệ thuộc nhiều vào Trung Quốc.
Chúng ta ở cạnh một Trung Quốc cung cấp được đủ loại hàng hoá, thị trường 1,4 tỷ dân, không thể không tranh thủ. Nhưng thị trường này tiềm ẩn nhiều rủi ro, cả kinh tế lẫn chính trị.
Nhưng để đón sự chuyển dịch từ Mỹ, Âu, Nhật…, nó không tự đến mà phải chuẩn bị, mời chào cụ thể. Ấn Độ và Indonesia có vẻ đang rất chủ động. Dù sao thì thị trường nào cũng tiềm ẩn những những cơ hội và thách thức như thế thôi!
- Là nhà ngoại giao, người quan sát lâu năm, theo ông, để làm ăn với Mỹ chúng ta cần chú ý điều gì?
Trong làm việc với Mỹ, thuận lợi về mặt quan hệ, chính trị chỉ là điều kiện rất cần. Yếu tố quyết định nữa nằm ở điểm thị trường Việt Nam có thật là hấp dẫn, thật có lợi ích kinh tế với Mỹ hay không. Phía Mỹ họ nhìn dài, cả cái hướng đi của nền kinh tế và cải cách. Nếu thực sự thuận, thì có thể trước mắt mình chưa đáp ứng được các yếu tố môi trường, doanh nghiệp cũng có thể lãi ít thôi, nhưng họ vẫn sẽ lựa chọn, vì kỳ vọng vào tương lai sau đó. Điều này rất rõ khi cộng đồng doanh nghiệp trông đợi ở TPP trước đây.
- Nếu nhìn về chính trường Mỹ nói riêng và nước Mỹ nói chung, để thuận lợi cho giao thương, ai là đối tượng chúng ta cần quan tâm?
Tôi cho rằng có 3 lực lượng. Đầu tiên là chính quyền. Đương nhiên mũ chung là chính sách của chính quyền, của Tổng thống Trump, rồi đến các Bộ trưởng, cố vấn kinh tế, như Đại diện Thương mại, Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng Thương mại. Việt Nam là nước nông nghiệp thì Bộ trưởng Nông nghiệp cũng rất quan trọng. Lúc tôi còn nhiệm kỳ Đại sứ, đây là mấy nhân vật Việt Nam thường xuyên phải gặp.
Thứ hai, là Quốc hội. Để tạo môi trường chính sách thuận lợi cho Việt Nam, cũng cần lưu ý đến một số nhân vật chủ chốt trong Quốc hội ở cả 2 Đảng. Như trước đây, chúng ta hay nói đến như John McCain, Patrick Leahy... đến lúc này, có người mất, người còn.
Vừa qua, Việt Nam đã xây dựng mạng lưới bạn bè thay thế cho thế hệ trải qua chiến tranh Việt Nam. Khác với thế hệ cũ vì yêu mến Việt Nam mà nỗ lực thúc đẩy quan hệ hai nước thì thế hệ mới đứng trên lập trường lợi ích.
Do vậy, để thuyết phục họ, cần kết hợp hai yếu tố: sức hấp dẫn của thị trường, nền kinh tế và vị trí chiến lược của Việt Nam trong khu vực.
Ngoài những nhân vật chủ chốt, thì Quốc hội Mỹ với tư cách tập thể hay một đảng, thì mỗi nghị viên sẽ đại diện cho một khu vực cử tri. Trong những cụm cử tri này, họ có những lợi ích khác nhau, có cái thuận, có cái không thuận trong muốn làm ăn với Việt Nam, có khi chỉ là trong một vài ngành hàng. Hiểu để chia sẻ, trao đổi đan xen lợi ích, mình bán cái này, thì mua cái kia.
Ví dụ dân miền Nam nuôi cá, họ ép các nghị sĩ nơi này đánh thuế cao hơn với cá basa Việt Nam. Những nhóm nhà hàng, họ lại cần cá của ta. Rồi lại có những khu vực muốn bán thịt bò, thịt lợn cho Việt Nam. Nhiều nơi, như California muốn buôn bán nhiều thứ với mình. Do đó, phải tìm cách đan xen được lợi ích. Nếu họ không muốn cá mình bán sang nhưng chắc muốn thứ khác chẳng hạn.
Thứ ba là cộng đồng doanh nghiệp và các hiệp hội. Chắc chắn phải quan tâm lực lượng này. Thuận nghịch trong làm ăn với các nước họ đều tác động vào chính quyền. Hầu hết các vụ kiện về thương mại của Việt Nam với Mỹ là do các hiệp hội khởi xướng!
Tóm lại, câu chuyện làm ăn với Mỹ, sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng từ Trung Quốc vẫn còn rất nhiều điều để bàn. Tuy nhiên, tôi cho rằng thế giới mà không dịch chuyển thì những nước nhỏ cứ ổn định trong vị trí phụ thuộc. Dù có nhiều thách thức cả chính trị, an ninh, kinh tế nhưng đây là cơ hội cho những nước nhỏ vươn lên, thoát khỏi vị trí cũ nhanh hơn nếu biết nắm bắt!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận